Giao lưu phụ nữ Bộ Tư pháp và phụ nữ Sở Tư pháp Thái Bình: Để trở thành người lãnh đạo, bản thân phụ nữ phải cố gắng nỗ lực phấn đấu vươn

11/03/2009
Giao lưu phụ nữ Bộ Tư pháp và phụ nữ Sở Tư pháp Thái Bình: Để trở thành người lãnh đạo, bản thân phụ nữ phải cố gắng nỗ lực phấn đấu vươn
Kỷ niệm 99 năm ngày Quốc tế Phụ nữ(8/3) và 1969 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trong hai ngày 6-7/3/2009, tại Thái Bình, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đã tổ chức nhiều hoạt động như toạ đàm, giao lưu… giữa phụ nữ Bộ Tư pháp, phụ nữ Sở Tư pháp Thái Bình và nữ cán bộ lãnh đạo các tỉnh, nữ giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh Quảng Ngãi, Lào Cai và Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.

Tham dự các hoạt động của phụ nữ ngành Tư pháp tại Thái Bình có TS Nguyễn Thuý Hiền - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ(VSTBPN) ngành Tư pháp, bà Bùi Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, bà Trương Thị Kim Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, bà Hà Thị Lãm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, bà Bùi Thị Lan - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình, bà Lương Nguyệt Thu - Giám đốc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng, bà Bùi Thị Lệ Thuỷ - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi...

Tại buổi toạ đàm Triển khai các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp,  Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền cho biết: Tính đến nay, đã có 63/63 Sở Tư pháp thành lập được Ban VSTBPN. Xác định phụ nữ ngành Tư pháp vừa là người thụ hưởng quyền bình đẳng do pháp luật quy định, vừa có vị trí, vai trò quan trọng trong việc tạo lập, thực thi và hoàn thiện môi trường pháp luật VSTBPN. Ở cơ quan Bộ, tỷ lệ công chức nữ/ tổng số công chức được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, quản lý hành chính nhà nước, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học ở trong nước chiếm khoảng 62%. Ở các địa phương, theo báo cáo chưa đầy đủ của các Sở Tư pháp, tỷ lệ này khoảng trên 40%. Hiện Bộ có 8/34 tiến sĩ là nữ, 38/59 thạc sĩ, 145/247 cử nhân. Trong công tác tuyển dụng cán bộ, quan điểm bình đẳng giới luôn được Bộ và các đơn vị trong ngành quán triệt, do vậy, tỷ lệ công chức nữ trúng tuyển qua các kỳ tuyển dụng của các đơn vị trong ngành (không tính các cơ quan thi hành án dân sự địa phương- do đặc thù công việc nên tỷ lệ nữ thường không cao) luôn chiếm hơn 50%. Mới đây, Bộ mới tuyển 47 cán bộ công chức mới thì có tới 39 là nữ. Đội ngũ cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo ngày càng tăng. Ngoài các hoạt động VSTBPN của ngành, Ban VSTBPN của ngành Tư pháp đặc biệt là chị Dương Thanh Mai- Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, nay là cố vấn của lãnh đạo Bộ đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển VSTBPN Việt Nam như tham gia đóng góp, xây dựng những đạo luật quan trọng như Luật  Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các Nghị định hướng dẫn thi hành các luật này.

Các phong tục, tập quán lạc hậu theo kiểu “chồng chúa, vợ tôi”, “xuất giá tòng phu”, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, …còn tồn tại khá phổ biến ở nhiều nơi là một trong những nguyên nhân cản trở mục tiêu bình đẳng giới. Ông Bùi Văn Xuyền- Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình, Trưởng ban VSTBPN của Sở cho biết: Nhằm tuyên truyền, phổ biến cho các hoạt động bình đẳng giới, thời gian qua, Sở Tư pháp Thái Bình đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai rộng khắp trên địa bàn của tỉnh 2 bộ luật là Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Bà Bùi Thị Lệ Thuỷ - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi tâm sự: Hiện Sở chúng tôi có nhiều cán bộ nữ đang ở tuổi sinh đẻ. Để hiểu được tâm tư, nguyện vọng chị em, mới đây chúng tôi đã tổ chức một buổi toạ đàm với nội dung: Sau 4 tháng nghỉ đẻ, khi đi làm trở lại chị em thấy thế nào? Nhiều em đã khóc vì không được ở nhà chăm sóc con. Phụ nữ Việt Nam tần tảo và tiết kiệm. Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến phụ nữ. Bác từng nói rằng  khi làm chủ nhiệm hợp tác xã (HTX), phụ nữ làm tốt hơn nam giới, cần cù hơn, không lãng phí, không đánh chén. “Có lần tại một hội nghị cấp huyện Bác hỏi: Ở đây có Hải Phòng không? Có ạ. Hợp tác xã các chú làm thế nào mà phải sang HTX khác mượn lợn để lừa dối cấp trên? Có không? Có ạ. Vậy không nên làm như thế nữa. Lúc đó, gần tết, Bác hô hào kêu gọi tiết kiệm. Bác nói: Các chú phải có vǎn hóa không được đánh vần chữ “tiết kiệm” thành “tiết canh”. Phụ nữ người ta làm chủ nhiệm đâu có đánh chén. Chủ nhiệm phụ nữ thật thà, phải đưa nhiều phụ nữ tham gia làm chủ nhiệm”.

Bà Bùi Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu ý kiến: Khoá này, Lào Cai có 29/33 chị tham gia cấp Trưởng, Phó ban ngành của tỉnh. Tuy nhiên, khoá trước có 7 chị là giám đốc Sở, Ban, ngành nay còn 4 chị. Nói thế là tụt thành tích à? Theo tôi, sự quan tâm, chủ trương đối với VSTBPN là một chuyện, để trở thành người lãnh đạo, bản thân chị em phải cố gắng nỗ lực phấn đấu vươn lên, không ngại khó ngại khổ, có tố chất của người lãnh đạo.

Ngoài các hoạt động toạ đàm, giao lưu, Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình còn tổ chức cho đoàn dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng, tham quan Di tích lịch sử Chùa Keo nổi tiếng của tỉnh Thái Bình.

Lam Hạnh