Bộ Tư pháp sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”: Tươi thắm những đoá hoa dâng Bác

27/02/2009
Bộ Tư pháp sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”: Tươi thắm những đoá hoa dâng Bác
Hôm nay 27/2, Bộ Tư pháp tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm được nâng lên, nghiêm chỉnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần thiết thực vào việc nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức... là những thành công rõ nét nhất sau 2 năm thực hiện Cuộc vận động của toàn thể cán bộ, đảng viên cơ quan Bộ Tư pháp.

Đa dạng các hình thức hưởng ứng

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về việc triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Hướng dẫn số 11- HD/TTVH ngày 6/12/2006 của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Bộ Tư pháp ngay lập tức thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động do đồng chí Bộ trưởng - Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp làm Trưởng Ban và phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ. 

Sau khi những nội dung của Cuộc vận động được đưa vào Chương trình công tác trọng tâm của ngành (ban hành kèm theo Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/1/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), việc nghiên cứu, quán triệt thực hiện cuộc vận động đã được triển khai ráo riết. Cụ thể, các buổi học tập, nghiên cứu chuyên đề cho toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp với các nội dung như: “Những lời dạy và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”“Sửa đổi lối làm việc” đã được tổ chức. Sau mỗi lần nghiên cứu, quán triệt chuyên đề, các đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức đều viết thu hoạch cá nhân và hầu hết các bài thu hoạch đều thể hiện được nhận thức của cán bộ công chức về nội dung tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời, tham mưu cho Đảng những sáng kiến nhằm thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và thể hiện quyết tâm sửa đổi lối làm việc theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau hơn ba tháng phát động cuộc thi cuộc thi viết về chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở các đơn vị và ở cấp Bộ,  đã có hàng trăm bài dự thi ở cấp cơ sở và 143 bài xuất sắc được lựa chọn gửi về Ban Tổ chức để dự thi cấp Bộ. Từ đó, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 3 tập thể và hàng chục cá nhân có bài viết xuất sắc tham dự cuộc thi để trao giải. Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức từ cơ sở, thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan tham gia. Nội dung của cuộc thi ngoài kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bài học về tư tưởng, đạo đức của Người còn có sự liên hệ khá sâu sắc với  hoạt động thực tiễn của ngành Tư pháp, với đạo đức nghề nghiệp tư pháp.

Đặc biệt, một số đơn vị (Văn phòng, Cục Trợ giúp pháp lý, Vụ Tổ chức, cán bộ....) đã tổ chức cho cán bộ, công chức học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với hình thức “về nguồn” như tham quan, học tập tại Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh, ATK Thái Nguyên, Tuyên Quang, tham quan Khu di tích K9; tổ chức toạ đàm chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ của từng đơn vị như tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức cán bộ, về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về công tác trợ giúp pháp lý…

Các cơ quan truyền thông của Bộ Tư pháp (Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng thông tin điện tử và các Tạp chí của Bộ) cũng đã tuyên truyền rất tích cực cho Cuộc vận động, nêu gương người tốt, việc tốt vun đắp lòng tự hào nghề nghiệp, tình cảm gắn bó với nghề, với ngành, với cơ quan, đơn vị...

Những đoá hoa dâng Bác

            Sau 2 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, toàn thể cán bộ, đảng viên cơ quan Bộ Tư pháp đã có thể tự hào dâng lên Bác những đoá hoa tươi thắm nhất của sự chuyển biến về nhận thức trong mọi mặt của đời sống, công tác, để từ đó chất lượng, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Bộ, của ngành được nâng lên rõ rệt.

   Thông qua những hình thức tuyên truyền, vận động sinh động, thường xuyên, các đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tư pháp đã nhận thức được mục đích, yêu cầu của Cuộc vận động cũng như tư tưởng và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh. Mối liên hệ giữa tư tưởng, đạo đức cách mạng của Bác Hồ với hoạt động của ngành Tư pháp cũng được nhận thức rõ nét hơn, cụ thể hơn đối với cán bộ, đảng viên cơ quan Bộ Tư pháp.Và, từ những nhận thức đó, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đã chủ động, tự giác, tích cực hơn trong việc học tập, tìm hiểu và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vun đắp lòng tự hào nghề nghiệp, tình cảm gắn bó với nghề, với ngành, với cơ quan, đơn vị. Một số cán bộ, đảng viên đã có ý thức xây dựng cho mình kế hoạch cá nhân để thực hiện Cuộc vận động.

   Việc ban hành các Quy chế làm việc của Bộ như: Quy chế thực hiện dân chủ của Bộ Tư pháp; Quy chế văn hoá công sở, Quy chế tiếp công dân; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế công khai, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Tư pháp; Quy chế quản lý và sử dụng tài sản nhà nước của Bộ Tư pháp…mà tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” của Hồ Chí Minh là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng, đã tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động của Bộ đi vào nền nếp, nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương; việc chấp hành giờ giấc làm việc, hội họp của cán bộ, công chức trong ngành được duy trì tốt hơn, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong lề lối làm việc của cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, công chức. Ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, tinh thần đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên cũng từ đó được nâng lên.

 Thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Nghị định số 30/2005/NĐ-CP gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chuyên đề “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, Bộ Tư pháp đã triển khai việc khoán kinh phí cho các đơn vị trực thuộc Bộ để chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, hỗ trợ thêm đời sống của cán bộ, công chức cơ quan. Việc sử dụng phương tiện thông tin, điện thoại, văn phòng phẩm đã được các đơn vị thực hiện khoán chi tới từng cá nhân, nên chi phí đã hạn chế ở mức thấp, bảo đảm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả công tác đồng thời góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức (nhiều đơn vị tiết kiệm từ khoán chi hành chính trung bình được khoảng 3-4 tháng lương cho mỗi cán bộ, công chức).

Và, cũng từ những kết quả thực hiện Cuộc vận động 2 năm qua, Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá. Trong đó, việc đa dạng hoá hình thức, phương thức thực hiện, để sao cho Cuộc vận động đi vào công việc và đời sống một cách tự giác, không đối phó, làm đại khái, qua loa và tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời động viên, khen thưởng, tuyên truyền trên các cơ quan truyền thông của Bộ để tạo nên sức lan toả, khích lệ, động viên sâu rộng là việc làm không thể lơi là, xem nhẹ.

Xuân Hoa

Hai năm thực hiện cuộc vận động, Bộ Tư pháp tỷ lệ hoàn thành công việc năm sau cao hơn năm trước.

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, khối lượng và chất lượng công việc của Bộ Tư pháp đã có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hoàn thành công việc năm sau cao hơn năm trước. Bộ Tư pháp đã chủ trì và tham gia soạn thảo nhiều đề án, văn bản, nhất là một số đạo luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua. Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác thi hành án dân sự tiếp tục được chấn chỉnh, các trường hợp cán bộ, công chức thi hành án có hành vi vi phạm được xử lý nghiêm. Công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp đã có những cải cách thủ tục theo hướng lấy dân làm gốc, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đẩy mạnh hướng về cơ sở và vì cơ sở, coi nhân dân là trung tâm để triển khai thực hiện các hoạt động này. Lịch tiếp công dân của Lãnh đạo Bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án và Chánh Thanh tra Bộ được duy trì theo đúng Quy chế tiếp công dân. Các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động của Bộ đã được công khai, đơn giản hoá và cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để công dân có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng, đồng thời, tránh những hành vi nhũng nhiễu, tham ô từ phía người thực thi công vụ. 

Năm 2009, công chức tư pháp phục vụ nhân dân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 

            Từ thành công của 2 năm thực hiện cuộc vận động, Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động của Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch thực hiện Cuộc vận động trong năm 2009 theo chủ đề “ Công chức Tư pháp chủ động, sáng tạo, đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng các yêu cầu đổi mới ngành Tư pháp, phục vụ nhân dân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với mục tiêu đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu nhận thức và chuyển biến mạnh mẽ thành hành động làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn thể cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tư pháp.