Chiều ngày 18/6, Chi bộ Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tổ chức Buổi sinh hoạt Chi bộ mở rộng chuyên đề thực hiện Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Đồng chí Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế chủ trì buổi sinh hoạt.
Tại buổi sinh hoạt mở rộng, các Đảng viên đã nghe 02 Báo cáo viên trình bày các nội dung cơ bản về Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, giao Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế giúp Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung pháp luật về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu và các vấn đề khác có liên quan của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cũng như thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Các báo cáo viên và các Đảng viên, quần chúng tham gia đã trao đổi về các giải pháp về nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung pháp luật về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu và các vấn đề khác có liên quan của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo hướng nghiên cứu các hợp đồng thông minh; tài sản số/tài sản mã hóa; quyền sở hữu đối với dữ liệu/dữ liệu cá nhân; quyền sở hữu trí tuệ; giải quyết tranh chấp.
Riêng thảo luận các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các ý kiến trao đổi xoay quanh các nhóm giải pháp thực hiện như: (1) hoàn thiện quy định pháp luật, trước mắt là phối hợp Bộ Tài chính ban hành Thông tư mới năm 2020 thay thế Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn lập dự toán, sử sử dụng và thanh quyết toán kinh phí dành cho công tác hỗ trơ pháp lý cho doanh nghiệp; tổng kết 10 năm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên toàn quốc; xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 (2) tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp; tăng cường phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, giữa Trung ương với địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, dữ liệu số… trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nếu có.
Buổi sinh hoạt Chi bộ mở rộng được các Đảng viên, quần chúng tham gia đánh giá cao kết và đề nghị sẽ triển khai từng chuyên đề pháp lý trong các buổi sinh hoạt tới nhằm thực hiện các Nghị quyết của Đảng về sinh hoạt Đảng gắn với công tác chuyên môn của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế.
Trần Minh Sơn