“Thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng trong dự án Luật SĐBS một số điều của Luật XLVPHC”

31/12/2019
“Thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng trong dự án Luật SĐBS một số điều của Luật XLVPHC”
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2019 của Chi bộ Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Chi bộ Cục QLXLVPHC&TDTHPL), sáng ngày 27/12 , Chi bộ Cục QLXLVPHC&TDTHPL tổ chức sinh hoạt chuyên đề về công tác chuyên môn với nội dung “Thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Tới tham dự có đ/c Nguyễn Kim Tinh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp; đ/c Cao Xuân Thủy – Phó Chánh văn phòng Đảng – Đoàn thể; đ/c Đàm Quang Ngọc đại diện Chi bộ Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cùng toàn thể đảng viên của Chi bộ Cục QLXLVPHC&TDTHPL.
Đại diện cho Chi bộ đ/c Bí thư Đặng Thanh Sơn đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC là tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW[1], Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW[2]; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật XLVPHC, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả  của công tác này trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tiếp theo chương trình, đại diện thường trực Tổ biên tập xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính đã trình bày tóm tắt những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật để các đảng viên trao đổi, thảo luận, cụ thể:
(i) Sửa đổi các quy định về thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tư pháp. Trong đó, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh: Sửa đổi tên gọi một số chức danh; bổi sung một số chức danh mới; xem xét, xác định lại thẩm quyền xử phạt của một số chức danh; Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lập biên bản vi phạm hành chính; Sửa đổi, bổ sung Điều 54 theo hướng cấp trưởng có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt đối với các trường hợp thông thường vv…
(ii) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Bộ luật hình sự: Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ theo Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam tại Nghị quyết 48, 49/TW, dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện tính tái phạm, đối tượng, điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể là: Sửa đổi, bổ sung quy định về giải thích từ ngữ “tái phạm” tai khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC; Sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; làm rõ hơn quy định “02 lần trở lên trong 06 tháng” vv…
(iii) Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; xử lý đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại dự án Luật: Để thể chế hóa Chỉ thị số 36-CT/TW và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong công tác lập hồ sơ, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy vv…
Buổi sinh hoạt chuyên đề này đã tạo ra một diễn đàn để các đảng viên trong chi bộ, các đồng chí khách mời  trao đổi rất tích cực về các vấn đề liên quan đến thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính .Các dảng viên là đại diện thường trực tổ biên tập đã giải đáp rõ hơn về những vấn đề trong dự thảo Luật được các đồng chí đảng viên quan tâm, đặt câu hỏi và khẳng định ý  kiến đóng góp này thật sự rất hữu ích, góp phần giúp thường trực Tổ Biên tập tiếp tục có những nghiên cứu chỉnh sửa, tiếp thu để hoàn thiện nâng cao hơn nữa chất lượng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tới.[TL1] 
Phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ, đồng chí Nguyễn Kim Tinh đã khẳng định, chi bộ tổ chức nội dung sinh hoạt chuyên đề này trong bối cảnh Bộ Tư pháp đang tiến hành xây dựng Dự án  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là rất thiết thực, bám sát được nhiệm vụ của Bộ, của ngành, hoạt động chuyên môn của đơn vị, Trong quá trình xây dựng dự án Luật này cần chú ý :Việc xây dựng dự án Luật phải được thực hiện theo đúng quy trình quy định tại Luật ban hành văn bản 2015;Thường trực Tổ Biên tập cần rà soát, cân nhắc và xây dựng quy định cụ thể đối với các trường hợp được phép sử dụng ma túy tại dự án Luật, Cần lưu ý việc lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân nhằm bảo đảm dự án Luật khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống và giải quyết được cơ bản những vấn đề khó khăn vướng mắc hiện nay;  Đưa công tác chuyên môn vào sinh hoạt chuyên đề của chị bộ  là hoạt động rất có ý nghĩa và thiết thực, trong thời gian tới Chi bộ Cục QLXLLVPHC&TDTHPL  cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này.
Chi bộ Cục QLXLVPHC&TDTHPL.
 

[1] Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
[2] Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng như thể chế hóa những chủ trương mới của Đảng nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, 6, 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII