Chương trình 585: Tổng kết các hoạt động năm 2019, trao đổi phương hướng nhiệm vụ năm 2020

29/12/2019
Chương trình 585: Tổng kết các hoạt động năm 2019, trao đổi phương hướng nhiệm vụ năm 2020
Ngày 27/12, tại Nhà khách Trung ương, Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585) phối hợp Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019; trao đổi phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 và kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 585.
Đồng chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Hồng Tuyến (Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp) và ông Nguyễn Thanh Tú (Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585 với sự tham gia của Ban chỉ đạo, Ban Quản lý, Tổ thư ký Chương trình 585; đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch…. các Bộ, ngành; đại diện Sở Tư pháp một số địa phương (Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hậu Giang…); các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, một số doanh nghiệp và cơ quan báo, đài tham dự Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019; trao đổi phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 và kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp (Chương trình 585), đề xuất xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sau năm 2020 nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hạn chế các rủi ro pháp lý trong kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo báo cáo, năm 2019, việc triển khai Chương trình cơ bản bám sát các mục tiêu, nội dung, tiến độ, kinh phí. Đặc biệt, Chương trình 585 tiếp tục phát huy hoạt động của trang mạng xã hội và ứng dụng kỹ thuật phát sóng và tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội (livestream) trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động tọa đàm, bồi dưỡng của Chương trình. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Chương trình 585 đánh dấu bước đột phá trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là phối hợp liên ngành triển khai thực hiện bước đầu các hoạt động và đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, Chương trình 585 đã tạo được hiệu ứng tích cực, cơ sở pháp lý, chính sách thuận lợi, tiền đề quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệpxây dựng, ban hành các chương trình, dự án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp.
Theo Ban chỉ đạo, các hoạt động được thực hiện trong năm 2019 tập trung giao cho trên 30 đơn vị, sở, ban ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tổ chức 38 diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, hội nghị đối thoại về các chuyên đề về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; Tổ chức 19 chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp. Tổ chức bồi dưỡng 10 lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và cán bộ thực hiện công tác; xây dựng và phát sóng Chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp 44 chương trình trên Đài Truyền hình Việt Nam và 218 chương trình trên Đài Tiếng nói Việt Nam; thiết lập 30 mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn…Đặc biệt, thực hiện xây dựng 18 Clip chương trình tập huấn pháp luật cho doanh nghiệp với thường lượng 10-15 phút/chương trình, đây là nội dung mới so với trước đây.
Tại Hội nghị, đại diện Sở Tư pháp một số địa phương, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam… đã có những trao đổi về thực trạng cũng như những đánh giá kết quả việc triển khai Chương trình 585 đối với doanh nghiệp,  đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để Chương trình được triển khai hiệu quả hơn trong năm 2020.
Trên cơ sở kết quả hoạt động năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Ban Chỉ đạo Chương trình 585 xác định tập trung giải quyết, nâng cao 6 vấn đề về: Bố trí kinh phí đầy đủ, hợp lý; nâng cao chất lượng và số lượng nhân lực thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Chương trình; xây dựng, thiết kế nội dung chương trình đúng và trúng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; huy động chuyên gia pháp lý có nhiều kinh nghiệm thực tiễn; tuyên truyền tốt các hoạt động hỗ trợ pháp lý; phối hợp tốt với doanh nghiệp, Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp./.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp