Một lần "gùi" luật lên Mù Cang Chải

04/08/2008
Một lần "gùi" luật lên Mù Cang Chải
Khi đăng ký tham gia đoàn thanh niên Bộ Tư pháp đi tình nguyện ở Yên Bái tôi không nghĩ rằng mình sẽ đến với Mù Cang Chải, huyện xa nhất của tỉnh Yên Bái, đi hết 5 tiếng ô tô mới đến thị trấn Mù Cang Chải. Nhưng khi đã đến đó và làm công tác tình nguyện trong hai ngày tại hai xã Hồ Bốn và Khao Mang, tôi mới thấy chuyến công tác tình nguyện thực sự ý nghĩa.

Đoàn thanh niên tình nguyện của Bộ Tư pháp trong chuyến tình nguyện lên Yên Bái lần này gồm 9 người đại diện cho một số chi đoàn thuộc Bộ và 3 đoàn viên thanh niên của Sở Tư pháp Yên Bái lên đường ghi nhớ lời dặn dò của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, ra đi chân cứng đá mềm, để lại tình cảm tốt đẹp với địa phương và đặc biệt là đem luật đến với bản làng. Xuất phát vào sáng ngày 28/7/2008 tại Hà Nội, qua mấy trăm cây số đường rừng, qua đèo Khau Phạ mù sương, buổi tối hôm đó, chúng tôi đã đến huyện Mù Cang Chải.

          Mù Cang Chải có hơn 4,7 vạn dân trong đó 91% là đồng bào dân tộc Mông, còn lại là người Kinh, Thái, Tày, Dao. Dân tộc Mông có tập quán du canh, du cư từ lâu đời, lại quen sống trên những quả đổi cheo leo nên cán bộ tư pháp xã gặp không ít khó khăn trong việc tuyên truyền pháp luật. Để đến với đồng bào dân tộc Mông, đoàn thanh niên tình nguyện chúng tôi đã phải leo mấy quả đổi giữa cái nắng rừng khắc nghiệt.

          Ngày làm việc đầu tiên của đoàn là ở xã Hồ Bốn và dừng chân tại nhà cán bộ công an xã Giàng A Minh trên bản Nả Tà. Tại đây, chúng tôi làm thủ tục đăng ký kết hôn quá hạn cho các đôi vợ chồng và làm khai sinh cho các cháu nhỏ. Khi trực tiếp thực hiện thủ tục đăng ký mới thấy nam, nữ dân tộc Mông tảo hôn rất nhiều và cũng sinh nhiều con. Nhiều cặp vợ chồng trẻ mới chưa đầy 20 tuổi đã có đến hai mặt con. Ngay như Giàng A Minh cũng có 4 người con gái, mỗi cháu cách nhau có một tuổi. Vậy mà nghe chúng tôi hỏi có muốn sinh con trai nữa không, A Minh vừa cười vừa trả lời "phải cố có một đứa con trai chứ". Chị em trong đoàn chúng tôi bảo A Minh sao lại cứ thích phải có một đứa con trai, con gái cũng như con trai thôi, đừng đẻ nữa, đẻ nhiều là không nuôi được đâu. Vậy mà A Minh lại cười nói "con cái đẻ ra rồi núi rừng lại nuôi nó thôi". Thế mới biết, tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường cũng là một quan niệm khó thay đổi của người Mông.

          Tuy nhiên, trong ngày làm việc thứ hai tại xã Khao Mang, có những hình ảnh khiến chúng tôi vô cùng cảm phục. Đoàn công tác tại xã Khao Mang chia làm hai nhóm, một nhóm lên tận một số bản trên núi, còn một nhóm ở lại UBND xã để làm thủ tục đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh cho đồng bào dân tộc Mông. Các chị, các anh người dân tộc Mông ở trên những bản cao kéo đến rất đông. Những người mẹ địu con nhỏ trên lưng, người cha dắt con nhỏ đi gần chục cây số đường rừng và hai tiếng đồng hồ mới tới UBND xã để khai sinh cho các cháu. Thế nhưng khi hỏi ra mới biết các cặp vợ chồng này đều chưa đăng ký kết hôn, như vậy sẽ không làm thủ tục khai sinh cho các cháu được. Nếu để người mẹ chưa đăng ký kết hôn khai sinh cho con thì lại thêm một thủ tục phức tạp là nhận cha cho con nữa. Nghĩ thương đồng bào đi bộ giữa cái nắng chang chang, giờ không khai sinh được cho các cháu nhỏ thì tội quá, chúng tôi không biết làm thế nào nữa. Thế là chúng tôi bàn nhau nhờ một anh cán bộ dự án dùng xe máy chở một chị về gọi các ông chồng, bà vợ còn lại xuống làm thủ tục đăng ký kết hôn và khai sinh cho con luôn. Ban đầu, mọi người đều lưỡng lự và nói đường rừng xa lắm, lại ở ngoài nương hết rồi, nên chắc cũng không gọi được xuống đâu. Nhưng sau khi được chúng tôi nói về ý nghĩa của việc đăng ký kết hôn và khai sinh cho các cháu nhỏ cũng như mối quan hệ của hai thủ tục này, các anh, các chị đã hiểu ra. Một chị được cử đi về, những người còn lại thì ở lại chờ tại UBND xã. Trưa hôm đó, chúng tôi mời các anh chị dân tộc Mông bữa cơm với đoàn chỉ có cơm và chả mua được dưới chợ xã. Bữa cơm không có gì đặc sắc nhưng rất ngon và ấm áp tình cảm. Chiều hôm đó, những người vợ, người chồng được gọi đến đã có mặt tại UBND xã. Sau khi nhận từ tay tôi gói mì, gói bột ngọt nho nhỏ mà đoàn làm quà cho mỗi gia đình, có một chị đã nắm tay tôi thật chặt và nói từ "cám ơn" bằng tiếng Kinh còn chưa sõi khiến tôi thấy lòng rưng rưng vì mình đã vừa làm một việc tốt cho đồng bào người Mông. Sự chân thật và nhiệt tình của người Mông khiến chúng tôi cảm động và bảo nhau rằng nếu như pháp luật được tuyên truyền tốt thì chắc rằng họ sẽ chấp hành rất tốt.

          Buổi tối hôm đó, chúng tôi phối hợp với huyện đoàn và phòng văn hoá huyện thực hiện tiết mục giao lưu ca nhạc với đồng bào ở xã Khao Mang. Mọi người đến rất đông, nhất là trẻ em và thanh niên. Buổi giao lưu đã diễn ra sôi nổi và ấm tình đoàn kết, tương thân tương ái. Chỉ với những món quà nhỏ như sách vở, bút, kẹo, bánh mà đoàn thanh niên tình nguyện chúng tôi mang đến đã làm ấm lên tinh thần tương thân tương ái và tình cảm gắn kết với đồng bào người Mông trên đất Mù Cang Chải này.

          Chuyến đi vất vả, leo đường rừng sưng hết cả chân và những cơn mưa rừng làm cả đoàn ướt sũng nhưng không ai bị ốm cả bởi có lẽ tinh thần thanh niên tình nguyện và niềm vui hiện rõ trên nét mặt đồng bào Mông đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn ấy. Đoàn thanh niên tình nguyện chúng tôi đã thể hiện đúng như lời bài hát "dù lên rừng hay xuống biển, vượt bão giông, vượt gian khổ, tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước bạn ơi". 

Ngọc Phượng - Cục Đăng ký