Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Đoàn Thanh niên năm 2008 và hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được sự đồng ý của Đảng uỷ Bộ Tư pháp, hôm 28/6, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã tổ chức chuyến tham quan tại khu di tích K9 (Đá Chông - Ba Vì - Hà Tây). Đồng chí Nguyễn Thị Nhung Út – Chánh Văn phòng Đảng uỷ - đại diện Đảng uỷ Bộ Tư pháp, cùng hơn 40 Đoàn viên, thanh niên ưu tú đến từ các Chi đoàn thuộc Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã tham gia chuyến tham quan.
Di tích K9 - Đá Chông là khu di tích có bề dày lịch sử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9-Đá Chông là di sản văn hoá vô giá. Nơi đây in dấu những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong những năm tháng lãnh đạo đất nước. Người đã tiếp đón bạn bè quốc tế thân thiết tại đây. Đây còn là nơi an toàn tuyệt đối trong việc giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác Hồ từ năm 1969-1975. Di tích Bác Hồ ở K9 Đá Chông là di tích lưu niệm danh nhân ghi dấu sự kiện Bác Hồ đã nhiều lần đến ở và làm việc kể từ năm 1957 đến lúc Người đi xa và sau này còn là nơi lưu giữ thi hài của Người trong những năm tháng chiến tranh. Chính vì vậy, giá trị lịch sử, văn hoá của Khu di tích là hết sức to lớn.
Đồi Đá Chông nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc quần thể núi Ba Vì, xã Bất Bạt - huyện Ba Vì, có độ cao 150 m so với mực nước biển, địa thế giáp gianh ba tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ và Hà Tây. Vào những năm 50 của Thế kỷ XX, nơi phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình” này có mật danh là K9. Và ngày nay được gọi là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9- Đá Chông (gọi tắt là Di tích K9).
Tháng 5/1957, trong một lần Bác đến thăm Trung đoàn bộ binh 88 thuộc Sư đoàn 308 cùng Trung đoàn pháo binh 63 và một đơn vị bộ đội thiết giáp diễn tập bên sông Đà, Bác và các đồng chí cùng đi đã dừng chân, ăn cơm trên một quả đồi. Nhận thấy nơi đây có nhiều điểm thuận lợi về địa hình, thời tiết, giao thông: có rừng cây, có núi, có sông, thuận tiện giao thông, gần Thủ đô…, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý muốn chọn nơi này là căn cứ của Trung ương, đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng đến khảo sát lại khu vực này vào đầu năm 1958. Sau chuyến khảo sát này, đến giữa năm 1958, Khu làm việc của Trung ương ở Đá Chông đã được khởi công xây dựng với tên gọi là Công trường 5 với ba hạng mục xây dựng là:
- Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và làm việc;
- Khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ;
- Khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ.
Trong những năm 1960- 1969, tại nơi này, Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã có lần họp bàn, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp 2 đoàn khách quốc tế (ngày 13/3/1961 tiếp Bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân cố Thủ tướng Trung quốc Chu Ân Lai và ngày 23/2/1962 tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc man Ti tốp) và nhiều lần Bác lên nghỉ tại đây.
Tuy không thường xuyên nhưng hình ảnh: Ngôi nhà 2 tầng (thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn của Bác ở khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch); ngôi nhà phục vụ; “con đường rèn luyện sức khoẻ”; “hòn non bộ”; 3 mỏm đá chông; vườn cây, khu nhà khách của Trung ương, sân bay trực thăng …đã in đậm bóng hình của Bác.
Khi Bác Hồ qua đời ngày 2-9-1969, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn khu căn cứ Đá Chông, bảo đảm được các yếu tố: yên tĩnh, bí mật, thuận tiện giao thông để xây dựng thêm công trình “Ngôi nhà kính”, “Hầm ngầm” phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
Từ ngày 24-12-1969 thi hài Bác được di chuyển từ Hà Nội lên, Khu căn cứ Đá Chông bước vào giai đoạn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: “Giữ yên giấc ngủ của Người”. Trong thời gian giữ gìn thi hài Bác ở đây, nhiều lần các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam ra công tác đều lên thăm viếng Người.
Trong khu di tích có 3 chiếc xe: xe UAZ cứu thương biển số FH-1468, xe Zin 157 biển số 470-189 cùng chiếc xe Páp biển số 31-162 là những “người bạn chiến đấu” thân thuộc đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) di chuyển thi hài Bác 6 lần vượt qua mọi điạ hình thời tiết, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Ngày 18-7-1975, thi hài Bác được di chuyển về công trình Lăng của Người tại Ba Đình lịch sử. Từ đó đến nay, công trình K84 trở thành nơi dự phòng.
Thời gian qua, tại khu Di tích Đá Chông đã đón nhiều Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể của Trung ương, đơn vị quân đội và nhân dân một số địa phương đến thăm khu di tích, tổ chức các hoạt động: báo công dâng Bác, trao Huy hiệu Đảng, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, trồng cây lưu niệm… để giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Với ý nghĩa lịch sử như vậy, ngày 16-5-2001, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đến thăm khu di tích, trồng cây lưu niệm và tổ chức Lễ gắn biển: “Nơi đây đã giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1969 đến năm 1975”.
Khu Di tích Đá Chông, nơi được Bác Hồ chọn làm căn cứ của Trung ương (1960- 1969); sau này Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn làm nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh (1969- 1975) đã trở thành một di tích có giá trị rất lớn về lịch sử- văn hoá; nơi giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.
Chuyến tham quan tuy ngắn ngủi nhưng thực sự có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống uống nước nhớ nguồn của Đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp đối với Bác Hồ, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.
Hương Giang