Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2007

14/02/2008
Ngày 25 tháng 01 năm 2008, Hội nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2007 đã được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Đoàn Chủ tịch Hội nghị gồm các đồng chí: Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, Đinh Trung Tụng - Bí thư Đảng uỷ cơ quan, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và Nguyễn Thuý Hiền - Đảng uỷ viên, Chủ tịch Công đoàn cơ quan Bộ.

Hội nghị đã nghe và thảo luận các báo cáo sau đây:

          - Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2007 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2008 của cơ quan Bộ Tư pháp;

          - Báo cáo tình hình thực hiện Quy chế dân chủ của cơ quan Bộ Tư pháp năm 2007 và những nhiệm vụ chủ yếu năm 2008;

          - Báo cáo công khai tình hình sử dụng ngân sách nhà nước trong các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp;

          - Báo cáo về công tác của Ban Thanh tra nhân dân năm 2007 và phương hướng hoạt động năm 2008;

          - Báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2007 và phát động phong trào thi đua năm 2008 của cơ quan Bộ Tư pháp.

Trên cơ sở nội dung các báo cáo trình tại Hội nghị, ý kiến phát biểu của một số đồng chí tham dự Hội nghị, của đại diện Công đoàn Viên chức Việt Nam và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Hội nghị nhất trí thông qua Nghị quyết với những nội dung sau đây:

1. Nhất trí thông qua các báo cáo được trình tại Hội nghị và nhất trí với ý kiến của Đoàn Chủ tịch sau khi các đại biểu và Lãnh đạo các đơn vị có liên quan phát biểu tại Hội nghị.

2. Năm 2008, các đơn vị thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

2.1. Về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn đã được xác định và phân công trong năm 2008, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác trọng tâm năm 2008 được ban hành kèm theo Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thủ trưởng các đơn vị tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị quyết liệt ngay từ đầu năm và chịu trách nhiệm về mức độ hoàn thành kế hoạch công tác của đơn vị mình. Cán bộ, công chức, viên chức và các đơn vị thuộc Bộ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động phối hợp và sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao để đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.

Năm 2008 được xác định là năm củng cố, kiện toàn về tổ chức, cán bộ của cơ quan Bộ Tư pháp. Do vậy, từng đơn vị phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình; phải xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các Quy chế trong quá trình hoạt động; chú trọng công tác cán bộ (luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng), đảm bảo xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được xác định theo hướng không chỉ phục vụ cho ngành Tư pháp, mà còn phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Quy hoạch cán bộ phải mang tính “mở”, quan tâm đến cán bộ, công chức, viên chức trẻ và cán bộ, công chức, viên chức là nữ.

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải tiến lề lối làm việc, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành. Thực hiện nghiêm các Quy chế làm việc của cơ quan và đơn vị.

Đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng về Chiến lược cải cách hành chính, cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp chủ động tự rèn luyện, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức công vụ, bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt và có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng và hành động, về ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của người cán bộ, công chức trong giai đoạn hội nhập quốc tế để phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc ngày một tốt hơn.

2.2. Về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan Bộ

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung của Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy dân chủ, phát huy sức mạnh tập thể trong cơ quan Bộ và trong các đơn vị thuộc Bộ, cũng như trong hoạt động của các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Nữ công).

Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ có trách nhiệm thực hiện và giám sát việc thực hiện dân chủ trong cơ quan Bộ. Gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc triển khai các nhiệm vụ công tác, với phong trào thi đua của Bộ, ngành, các đơn vị và các tổ chức đoàn thể nhằm phát huy vai trò của việc thực hiện dân chủ thành động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Định kỳ tổ chức họp giao ban và đối thoại giữa Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ, Đảng uỷ với các tổ chức đoàn thể để triển khai công tác và tìm giải pháp thúc đẩy tiến độ giải quyết công việc.

2.3. Về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và xây dựng văn minh, văn hoá công sở

Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức phải tự giác thực hiện nghiêm kỷ luật lao động; phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu của Đảng viên, lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật lao động. Đề cao trách nhiệm duy trì kỷ luật lao động của Thủ trưởng các đơn vị. Việc chấp hành kỷ luật lao động của cán bộ, công chức là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng công chức và bình xét thi đua cuối năm.

Thực hiện nghiêm túc quy định về trang phục, lễ phục, bài trí công sở, thời gian làm việc, hội họp, việc ra, vào trụ sở cơ quan, tiếp khách đến liên hệ công tác, quản lý phương tiện giao thông trong trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp được cụ thể hoá trong Quy chế văn hoá công sở cơ quan Bộ Tư pháp, ban hành kèm theo Quyết định số 86/QĐ-BTP ngày 18/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tích cực rèn luyện tác phong làm việc theo hướng chính quy, từng bước hiện đại và thực hiện nếp sống văn minh công sở.  

Trong năm 2008, cơ quan Bộ Tư pháp nghiêm túc đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ của từng đơn vị, thực hiện đúng nguyên tắc: nếu chương trình, đề án được giao thực hiện trong năm không hoàn thành thì sẽ không quyết toán kinh phí đối với chương trình, đề án đó.

2.4. Về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí

Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về thời gian, kinh phí và sử dụng cơ sở vật chất. Nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện làm việc, điện, nước, điện thoại, xăng dầu, văn phòng phẩm. Có biện pháp khen thưởng, động viên kịp thời về vật chất và tinh thần cho các đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hành tiết kiệm, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lãng phí. Thực hiện tốt chế độ khoán kinh phí phù hợp cho từng đơn vị để góp phần tạo nguồn kinh phí chăm lo cho đời sống của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Bộ. Áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết công việc hàng ngày, để nâng cao hiệu suất giải quyết công việc, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm công vụ, việc chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức; sớm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

2.5. Về cải cách hành chính

Đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động của Bộ nhằm thực hiện tinh thần Nghị quyết Hội nghị TW 5 khoá X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Phân cấp mạnh hơn nữa cho các đơn vị, các cá nhân nhằm xác định cụ thể nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả và đánh giá chính xác kết quả công việc của từng đơn vị, từng cá nhân. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong giải quyết công việc của các đơn vị, cá nhân.

Triển khai áp dụng kết quả nghiên cứu từ các đề án của Chương trình 909 vào các hoạt động cải cách hành chính của Bộ, áp dụng thành công Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2000 vào hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ, chú trọng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

2.6. Về công tác thi đua, khen thưởng

Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, gắn với hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua. Xây dựng hệ chỉ tiêu thi đua cụ thể, rõ ràng, minh bạch, đảm bảo tính chính xác, dân chủ, khách quan trong việc bình bầu danh hiệu thi đua.

Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trong năm 2008 với khẩu hiệu: “Phát huy tinh thần đoàn kết, trung thực, sáng tạo, gương mẫu, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị”.

2.7. Về chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức

Tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt các chế độ về bảo vệ sức khỏe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sinh hoạt thể thao, văn hoá trong cơ quan.

Thực hiện tốt các quy định về chi tiêu nội bộ, quản lý tài chính công trong cơ quan Bộ, trên cơ sở đó dành một phần kinh phí để hỗ trợ thêm đời sống của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm khôi phục lại việc hỗ trợ tiền ăn trưa và tăng mức hỗ trợ tiền ăn trưa và có chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức được mua nhà ở theo diện chính sách xã hội về nhà ở dành cho người có thu nhập thấp.

Tăng cường các hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần, ý thức trách nhiệm và niềm tự hào của cán bộ, công chức đối với ngành Tư pháp; có giải pháp để điều phối hợp lý thu nhập của đơn vị có thu nhập cao hơn cho đơn vị có khó khăn. Người đứng đầu các đơn vị, tổ chức đoàn thể cần tạo điều kiện giúp cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có thêm nguồn thu nhập hợp pháp.

Công đoàn Bộ tích cực triển khai các hoạt động nhằm góp phần chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho các công đoàn viên (ví dụ: Xây dựng sân Tennis từ nguồn kinh phí quyên góp, sau đó Công đoàn Bộ có thể thu tiền từ việc khai thác, sử dụng sân).

3. Về tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết

 Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các đơn vị, các tổ chức đoàn thể, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ có trách nhiệm cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Nghị quyết này, trong đó cần lưu ý đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế còn tồn tại trong năm 2007, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng đơn vị, từng cá nhân, cũng như nhiệm vụ chung của cơ quan Bộ trong năm 2008.

Ban Chấp hành Công đoàn Bộ phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện việc đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này. Ban Thanh tra nhân dân có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Định kỳ 6 tháng, Văn phòng Bộ cùng Vụ Tổ chức cán bộ và Ban Chấp hành Công đoàn Bộ tổng hợp tình hình, báo cáo Lãnh đạo Bộ, Đảng uỷ cơ quan, đồng thời thông báo đến các đơn vị về tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị.

Nghị quyết này đã được cán bộ, công chức, viên chức dự Hội nghị biểu quyết thông qua và được phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp để thực hiện./.