Đôi điều suy ngẫm về Công đoàn Việt Nam

24/01/2008
Mỗi năm như thường lệ, cứ đến dịp Đại hội cán bộ, công nhân viên chức cơ quan, đơn vị, cảm giác về tư cách một “công đoàn viên” lại dậy lên trong mỗi người lao động. Đó cũng là dịp để tổ chức công đoàn nhìn nhận lại hoạt động của mình trong một năm, là dịp để mọi người lao động có điều kiện cất lên tiếng nói của mình với tổ chức và đó cũng là dịp để chúng ta nhớ đến Tổ chức mà mỗi chúng ta là một thành viên.

Ở Việt Nam ta, tổ chức Công đoàn có một vị trí khá đặc biệt trong đời sống xã hội, đó là nơi gắn kết chặt chẽ cán bộ, công chức và người lao động (nói chung) dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Hình thành và phát triển gắn với sự lớn mạnh không ngừng của giai cấp công nhân, gắn với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp công nhân, Công đoàn Việt Nam đã ra đời trong không khí hào hùng ấy để sau này mỗi cái tên như đã thành lịch sử và mỗi người lao động chúng ta đều nhắc đến khi nhớ tới, đó là Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là Công hội Ba Son, Hội tương tế, Hội ái hữu, Công hội đỏ Bắc Kỳ... Những dấu ấn lịch sử đầu thế kỷ XX này không chỉ minh chứng cho sự ra đời của một tổ chức mà quan trọng hơn cả nó là một minh chứng hùng hồn cho sự chuyển biến trong ý thức đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam – sự chuyển biến từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác và sự đoàn kết của giai cấp công nhân Việt Nam. Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã cùng với toàn thể dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng để làm nên những chiến thắng huy hoàng giải phóng hoàn toàn đất nước, bước sang giai đoạn hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ra đời trong bối cảnh ấy, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam có sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu dân tộc và mục tiêu bảo vệ lợi ích người lao động trong suốt quá trình phát triển, trưởng thành. Chính điều đó đã mang lại cho tổ chức Công đoàn Việt Nam những đặc thù riêng có của mình mà công đoàn nhiều nước trên thế giới không có được. Công đoàn Việt Nam không chỉ là một tổ chức có tính chất nghề nghiệp của người lao động, "một hiệp hội của những người làm công ăn lương có mục đích duy trì hay cải thiện các điều kiện thuê mướn họ" (Webb, Sidney; Webb, Beatrice (1920), History of Trade Unionism. Longmans, Green and Co. London. ch. I) mà trên hết đó là một tổ chức chính trị-xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bước sang thời kỳ Đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng và người lao động nói chung, tổ chức Công đoàn Việt Nam có thêm những thuận lợi và những nhiệm vụ to lớn. Thể chế cho hoạt động của công đoàn Việt Nam đã dần hoàn thiện, Luật Công đoàn Việt Nam năm 1990 đã ghi nhận “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động Việt Nam tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam; là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động” và tiếp đó, Hiến pháp năm 1992 đã trang trọng dành Điều 10 để quy định về vị trí của tổ chức Công đoàn Việt Nam “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, cần phải khẳng định rằng hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam vừa có mục đích kinh tế vừa có mục đích xã hội. Mục đích kinh tế của công đoàn thể hiện ở chỗ hoạt động của tổ chức công đoàn gắn với việc bảo đảm đời sống và điều kiện lao động cho giới lao động, như đòi tăng lương, giảm giờ làm, bảo đảm các phúc lợi xã hội... Mục đích xã hội của công đoàn thể hiện ở chỗ bên cạnh các mục tiêu kinh tế, tổ chức này còn nhằm bảo vệ các quyền gắn liền với việc bảo vệ nhân phẩm của người lao động và nâng cao địa vị của người lao động trong mối tương quan lao động và xã hội của giới chủ.

Đến nay, tổ chức công đoàn đã được thành lập trong các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Với hệ thống rộng lớn như vậy, Công đoàn Việt Nam đã trở thành tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân và người lao động. Công đoàn Việt Nam không chỉ có tư cách là “lực lượng quân bình” mà còn là tổ chức có vị trí, vai trò, chức năng đặc biệt: không chỉ đại diện cho giai cấp công nhân, công đoàn còn đại diện cho mọi người lao động trong xã hội; không chỉ bảo vệ cho lợi ích của người lao động, công đoàn còn đại diện cho họ tham gia quản lý kinh tế -xã hội, đó chính là vai trò về chính trị, xã hội. Và cũng như trong lịch sử Công đoàn hoạt không tách rời mục tiêu, lợi ích dân tộc, công đoàn hiện nay cũng quan tâm đến lợi ích của toàn thể dân tộc chứ không chỉ lợi ích của công nhân, công đoàn luôn phải thoả mãn với những mục tiêu khác ngoài quyền lợi của giai cấp công nhân. Đó là nét đặc biệt của Công đoàn Việt Nam.

 

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với quy chế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên, Công đoàn Việt Nam hôm nay đang dần khẳng định vị trí của mình trong “cơ chế đối thoại ba bên” (Nhà nước - người sử dụng lao động – người lao động mà đại diện là tổ chức công đoàn), trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, trong giải quyết vấn đề đình công, chăm lo và cải thiện cuộc sống của người lao động trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhất là trong khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công đoàn Việt Nam hôm nay đã lớn mạnh và đang đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung của đất nước với Khẩu hiệu hành động trong thời kỳ mới: “Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức lao động, góp phần tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước” (Đại hội Công đoàn Việt Nam lần IX). 

Mong rằng trong thời gian tới, Công đoàn Việt Nam sẽ đóng góp tiếng nói của mình tích cực hơn, có trọng lượng hơn, đặc biệt trong khối các doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Để làm được điều đó thiết nghĩ việc sớm hình thành cơ chế đảm bảo vị trí độc lập của Công đoàn với người sử dụng lao động cả về tổ chức và con người cũng như việc thiết lập một “cơ chế đối thoại ba bên” rộng khắp là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đó cũng là phương thức tạo điều kiện để tổ chức công đoàn tiếp nối sứ mệnh hào hùng mà lịch sử đã giao phó.

Trong mỗi người lao động chúng ta, Công đoàn đã trở nên hết sức gần gũi và có lẽ không ai không hy vọng vào sự lớn mạnh của Công đoàn Việt Nam để mỗi khi đến đại hội cán bộ công nhân viên chức chúng ta lại cảm thấy tự hào về tổ chức của mình

N.V.D