Kết quả kiểm tra liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang

06/05/2009
Thực hiện Quyết định số 856/QĐ-HĐPH ngày 25/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra kết quả thực hiện Thông tư số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 10), từ ngày 06/4 đến ngày 10/4/2009 tại hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, Đoàn kiểm tra liên ngành do đồng chí Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp làm Trưởng Đoàn cùng các thành viên trong Đoàn là Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, chuyên viên Viện Khoa học kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và chuyên viên của Cục Trợ giúp pháp lý.

Tại tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, Đoàn kiểm tra đã làm việc trực tiếp với Hội đồng liên ngành cấp tỉnh và Tổ giúp việc cho Hội đồng; nghe báo cáo của Chủ tịch Hội đồng và ý kiến phản ánh của các thành viên Hội đồng; làm việc trực tiếp về các nội dung phối hợp và kiểm tra việc niêm yết Bảng thông tin trợ giúp pháp lý, địa điểm đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý tại một số cơ quan Công an, Toà án, Viện Kiểm sát, Trại tạm giam và Nhà tạm giữ.

I. Kết quả cụ thể của đợt kiểm tra

1. Về việc thành lập, kiện toàn tổ chức và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng liên ngành cấp tỉnh.

Trên cơ sở của nội dung quy định trong Thông tư liên tịch số 10, Sở Tư pháp hai tỉnh đã chủ động thống nhất với các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh (UBND) ban hành Quyết định về việc thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cấp tỉnh (Hội đồng phối hợp liên ngành cấp tỉnh) và Tổ giúp việc cho Hội đồng. Ngày 06/3/2008, Hội đồng phối hợp liên ngành tại tỉnh Tuyên Quang được thành lập gồm 06 thành viên, Hội đồng phối hợp liên ngành tại tỉnh Hà Giang được thành lập ngày 29/7/2008 gồm có 08 thành viên. (do đặc thù Hà Giang là tỉnh Biên giới phía Bắc với 34 xã biên giới nên số thành viên trong Hội đồng của tỉnh Hà Giang nhiều hơn do có sự tham gia của Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh). Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành cấp tỉnh là Giám đốc Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, UBND hai tỉnh cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành cấp tỉnh, theo đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên của Hội đồng. Hội đồng tại hai tỉnh đã chủ động, sớm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 thông qua việc tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt nội dung Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 10 cho các thành viên của Hội đồng để các thành viên này quán triệt tại các buổi giao ban của cơ quan, đơn vị mình.

Về cơ bản, cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng đều đã nhận thức và phổ biến cho các đối tượng về quyền được trợ giúp pháp lý. Công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các tỉnh được thực hiện bước đầu có kết quả tốt, tăng cường được mối quan hệ phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các ngành trong công tác trợ giúp pháp lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên trong hoạt động tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Công an tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 39/CAT (PC16) ngày 06/10/2009 của Công an tỉnh về việc thực hiện các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng tại hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đã cử cán bộ tham gia lớp tập huấn công tác trợ giúp pháp lý do Sở Tư pháp - Thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành cấp tỉnh tổ chức, để các cán bộ này tổ chức quán triệt, phổ biến các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 10 cho toàn thể cán bộ trong nội bộ cơ quan, đơn vị biết, thực hiện.

2. Việc đặt các Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, hộp tin trợ giúp pháp lý, đơn đề nghị trợ giúp pháp lý.

 Về cơ bản, việc đặt Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý tại tỉnh Hà Giang đã hoàn thành. Tỉnh Hà Giang đã đặt 91 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý (trong đó đặt tại phòng tiếp dân của cơ quan Công an tỉnh: 06 bảng; Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh và các huyện thị: 12 Bảng; Toà án nhân dân (TAND) tỉnh và các huyện thị: 12 Bảng; bên ngoài nhà hỏi cung, bên cạnh Nội quy của Trại tạm giam, nhà tạm giữ: 13 Bảng; trụ sở các Đồn Biên phòng: 12 Bảng. Đồng thời, Thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành cấp tỉnh Hà Giang đã đặt 54 Hộp tin trợ giúp pháp lý, cung cấp 2.000 đơn đề nghị trợ giúp pháp lý, thông báo danh sách Trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho các cơ quan này.

Tỉnh Tuyên Quang mới đặt được 23 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh. Hiện Tuyên Quang còn thiếu Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý đặt tại 04 cơ quan điều tra cấp tỉnh, 06 nhà tạm giữ. Các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có tờ gấp pháp luật và Hộp tin trợ giúp pháp lý.

Các hình thức thông tin về trợ giúp pháp lý qua các Bảng thông tin, Hộp tin v.v… đã góp phần giúp cho những người được trợ giúp pháp lý và người tiến hành tố tụng biết được quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, đồng thời giúp cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiến hành điều tra phát hiện được các trường hợp được trợ giúp pháp lý và giải thích cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác về quyền được trợ giúp pháp lý; hướng dẫn họ hoặc cho người thân, người đại diện hợp pháp của họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý, liên hệ với Trung tâm trợ giúp pháp lý và Chi nhánh làm các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, qua kiểm tra trực tiếp tại một số điểm đặt Bảng, Hộp tin và qua nghe kiến nghị của một số cơ quan tố tụng cho thấy, việc làm và đặt các Bảng, Hộp tin trên ở một số điểm chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể:   

- Về cỡ chữ và ngôn ngữ: Nhiều nơi, Bảng in chữ còn nhỏ, khó khăn cho người già, người có trình độ học vấn thấp khi đọc thông tin. Ở những địa bàn có nhiều người dân tộc thiểu số, người không biết chữ, không có thân nhân đến thăm, phải cần đến cán bộ giải thích, phiên dịch ngay tại chỗ hoặc giúp đỡ cho người được trợ giúp pháp lý làm các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý;

- Về tính phù hợp: Tại các Nhà tạm giam, Trại tạm giữ, nhiều bị can, bị cáo, đặc biệt là những đối tượng điều tra đặc biệt bị giam kín, trước khi vào trại cán bộ có cho đọc Bảng thông tin, phát tờ gấp nhưng đang trong lúc tâm lý hoang mang hoặc không hiểu ngay nên hình thức Bảng thông tin, Hộp tin chưa phát huy được tác dụng. Trong những trường hợp này, vai trò của giám thị, cán bộ trại giam trong việc giải thích trực tiếp quyền và nghĩa vụ của họ cũng như các thủ tục được trợ giúp pháp lý; việc phát các Tờ gấp pháp luật thông qua giám thị hoặc nghe loa đài có hiệu quả hơn so với các hình thức Bảng thông báo, Hộp tin. Tuy nhiên, thực tế việc cung cấp tờ gấp pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên. 

Như vậy, trong hầu hết các trường hợp trên, quyền được trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý phụ thuộc rất nhiều vào các cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong khi đó, bị can, bị cáo thường có thái độ sợ sệt khi làm việc với cán bộ các cơ quan tố tụng, chưa kể có trường hợp do mải quan tâm tới nội dung của vụ án nên cán bộ quên giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng. Tại các phiên toà, việc người được trợ giúp pháp lý không có luật sư chưa phải là căn cứ để hoãn phiên tòa, vì vậy, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý còn chưa có điều kiện được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí.

3. Kết quả thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức tham gia tố tụng

3.1. Số lượng vụ việc, đối tượng.

Qua hơn một năm triển khai Thông tư liên tịch số 10, số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng do tỉnh Tuyên Quang thực hiện là 156 vụ cho 214 đối tượng, trong đó có 121 người chưa thành niên, 79 người dân tộc thiểu số, 08 người nghèo, 02 người tàn tật, 03 người có công với Cách mạng và 01 người già cô đơn (so với tổng số vụ việc đại diện, bào chữa trong năm 2007 là 92 vụ). Trong tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý trên có 119 vụ việc cho 151 đối tượng do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu và đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng.

Tỉnh Hà Giang đã thụ lý được 100 vụ việc và thực hiện xong 93 vụ cho 100 đối tượng, trong đó số vụ việc tham gia từ gia từ đoạn điều tra là 11 vụ, từ giai đoạn xét xử: 89 vụ (so với tổng số vụ việc đại diện, bào chữa trong năm 2007 là 86 vụ), góp phần nâng số vụ việc có người bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại Toà lên gần gấp đôi so với năm 2007[1].

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, cũng giống như tình trạng hoạt động tố tụng trên toàn quốc, số vụ việc do Trung tâm Trợ giúp pháp lý tham gia vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt số vụ việc có luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tham gia từ giai đoạn điều tra chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số vụ việc thụ lý[2].

Theo báo cáo của cơ quan điều tra tỉnh Hà Giang, số vụ có người thuộc diện trợ giúp pháp lý khoảng 280 vụ/tổng số 353 vụ việc thụ lý năm 2008. Số người được trợ giúp pháp lý tại giai đoạn điều tra là 3,9%.

Kết quả trên cho thấy, hoạt động tố tụng tại hai tỉnh chưa bảo đảm được tiến trình cải cách tư pháp. Các vụ việc có luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tham gia chủ yếu mới chỉ là các vụ việc bắt buộc phải có luật sư chỉ định, nếu không có thì phải bị hủy án theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 của Bộ luật Tố tụng Hình sự (bao gồm bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình và bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất). Để án không bị huỷ theo quy định, các cơ quan tiến hành tố tụng thường hỏi bị can, bị cáo có cần luật sư không, nếu họ nói không thì lập biên bản đưa vào hồ sơ mà chưa thực sự chỉ định luật sư cho họ. Luật sư có tham gia thì cũng rất hình thức, chỉ đến dự xét xử mà không xác minh, gặp bị can, bị cáo v.v… Các vụ có trợ giúp pháp lý hoặc luật sư cho các đối tượng khác như người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người tàn tật còn rất ít (khoảng 2%).

Lý do số lượng vụ việc còn hạn chế như trên là do: Trình độ dân trí thấp, người dân chưa có nhu cầu có luật sư. Trong nhiều trường hợp, đặt biệt là đối với trường hợp phạm tội quả tang (ví dụ như tội ăn trộm trâu), người phạm tội nghĩ rằng hành vi của họ là đã rõ ràng, nên dù thuộc đối tượng người nghèo, được trợ giúp pháp lý, họ cũng không nhờ luật sư bào chữa. Có trường hợp tự bào chữa do không muốn mất tiền hoặc không nhờ luật sư bào chữa do nghĩ con cái là người chưa thành niên phạm tội quá hư hỏng, cần được giáo dục bằng các biện pháp hình sự. Mặt khác, do điều kiện kinh tế khó khăn, sống ở vùng xa xôi (ở Hà Giang, có huyện cách xa trung tâm 200km), do không biết chữ viết, thiếu thông tin, v.v..., nên nhiều người dân không biết được thông tin về trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý của mình. Có trường hợp, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát chưa thật sự mong có luật sư trợ giúp pháp lý nên giải thích quyền của người được trợ giúp pháp lý qua loa và chưa rõ ràng nên chỉ khi vụ án được đưa ra Toà án thì số vụ có trợ giúp pháp lý mới tăng hơn.  

  Ngoài ra, theo báo cáo của tỉnh Tuyên Quang, người được trợ giúp pháp lý chủ yếu là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, diện người có công rất ít liên quan tới các vấn đề về tố tụng.

3.2. Về sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương đã có sự phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý trong việc giới thiệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, hướng dẫn cho bị can, bị cáo viết đơn, ký hoặc điểm chỉ, bổ sung các giấy tờ chứng minh người được trợ giúp pháp lý, nhưng việc phối hợp này vẫn còn rất hạn chế. Các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa cử người tham gia làm cộng tác viên của Trung tâm. Vì vậy, việc tư vấn của cộng tác viên về các vấn đề tiền tố tụng cho bị can, bị cáo, về các quyền và nghĩa vụ của họ, về trợ giúp pháp lý rất ít khi được thực hiện.

Về mặt nhận thức, rõ ràng, do chưa có hướng dẫn bằng công văn của ngành dọc nên cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là các cơ quan điều tra chưa nhận thức đúng ý nghĩa của trợ giúp pháp lý cũng như vai trò của luật sư trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo; sự cần thiết của luật sư trong việc tiếp xúc với đối tượng trước khi khởi tố bị can. Tại các cơ quan Công an, Toà án và Viện kiểm sát, nhiều trường hợp, các cơ quan này cho rằng do hành vi phạm tội quả tang, đã rõ ràng, ít nghiêm trọng, đối tượng nhận thức được hành vi của mình nên không có nhu cầu mời luật sư. Phía cơ quan Công an còn khẳng định đối với các trường hợp bắt quả tang, tạm giam, không có trường hợp bắt oan vì có kiểm tra kỹ và rất hạn chế đối với trường hợp bắt khẩn cấp, vì vậy, nhiều trường hợp khi hỏi cung bị can đã không có người đại diện của họ.

Ngoài ra, do việc vận dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa), nên nhiều trường hợp cán bộ điều tra đã không cân nhắc sự cần thiết của luật sư trong việc bảo đảm tiến trình của vụ án đã làm biên bản về việc từ chối người bào chữa của bị can, bị cáo cho cả vụ án, hoặc do thời hạn điều tra quy định (đối với các vụ do cơ quan Biên phòng khởi tố tối đa chỉ được giữ 9 ngày), nên nếu mời Trợ giúp viên pháp lý tham gia thì không bảo đảm thời gian, vì vậy họ chỉ giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự.

3.3. Chất lượng vụ việc có trợ giúp pháp lý tham gia.

Theo quy định của Thông tư, Hội đồng liên ngành cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức định kỳ đánh giá về chất lượng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư cộng tác viên. Tuy nhiên, thực tế các tỉnh chưa quan tâm về trách nhiệm phân phối thông tin và đánh giá sâu sát chất lượng vụ việc có trợ giúp pháp lý tham gia. Các Trung tâm đều đã gửi danh sách Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng việc theo dõi chất lượng của luật sư tại các cơ quan này còn chưa được quan tâm đúng mức, thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về chất lượng của người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa kịp thời.

Theo đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng tại hai tỉnh, sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư cộng tác viên giúp cho cán bộ tiến hành thận trọng hơn, vụ việc được giải quyết tốt hơn, tránh được oan sai. Về cơ bản, số vụ việc có sự tham gia của trợ giúp pháp lý đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, bảo đảm được tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án. Nhìn chung, các yêu cầu của trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên tại phiên toà đều được Hội đồng xét xử chấp thuận và được ghi trong bản án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bản án của Toà án vẫn chưa ghi rõ quan điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý, cũng như không ghi rõ tên, người thực hiện trợ giúp pháp lý là do Trung tâm trợ giúp pháp lý cử.

Theo phản ánh của một số Toà án, các vụ việc có trợ giúp pháp lý tham gia hầu hết phát sinh khi đến giai đoạn xét xử tại Toà án. Toà án thường gửi thông báo lịch xét xử cho Trung tâm trước khoảng 20 ngày, lúc đó, Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư cộng tác viên mới thực hiện tiếp xúc với đối tượng, tiếp xúc hồ sơ, sổ thụ lý, đây cũng chính là lý do trong giai đoạn xét xử, số lượng vụ việc có Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên tham gia nhiều hơn từ giai đoạn điều tra.

Nhiều vụ việc thuộc trường hợp Khoản 2 Điều 57 của Bộ luật Tố tụng hình sự, luật sư thường chỉ đọc hồ sơ, ít gặp đối tượng trước khi xét xử. Thường luật sư đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, nhưng không có lập luận hoặc không có chứng cứ cụ thể, ít thu thập chứng cứ, hoặc có chứng cứ không được Tòa chấp nhận vì không thuyết phục.

3.4. Sự tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là luật sư.

Theo ý kiến của các cơ quan điều tra, các vụ có luật sư tham gia, tâm lý của bị can, bị cáo rất phấn khởi, vì họ có chỗ dựa, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng nhận thấy không bị áp đặt vì không có cảm giác độc thoại. Nguyện vọng đa số bị can, bị cáo và các cơ quan tiến hành tố tụng muốn có luật sư tham gia tố tụng.

Về cơ bản, Hội đồng phối hợp liên ngành cấp tỉnh muốn có Trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên tham gia để bảo đảm việc xét xử đúng theo quy định của pháp luật. Việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên giúp cho Hội đồng xét xử tại hai tỉnh xét xử chính xác hơn, hạn chế số lượng vụ án phải xét xử phúc thẩm, đặc biệt trong điều kiện việc tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân còn đang rất hạn chế (hiện Hà Giang không có cán bộ nghỉ hưu tham gia Hội thẩm, mà chủ yếu sử dụng người kiêm nhiệm, những người này vì đang đương chức nên rất ít thời gian tham gia).

Tuy nhiên, tại hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, số lượng Trợ giúp viên pháp lý và luật sư là cộng tác viên còn rất hạn chế. Tại Tuyên Quang hiện có 03 Trợ giúp viên pháp lý, 10 luật sư, nhưng hoạt động chính thức chỉ có 4 luật sư (3 luật sư đã gần 80 tuổi). Tỉnh Hà Giang có 04 Trợ giúp viên pháp lý (trong đó có 02 Trợ giúp viên đang theo học các khoá bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ), 03 luật sư (trong đó có 01 luật sư tuổi cao, sức khoẻ yếu nên không tham gia thực hiện vụ việc). Việc tham gia của các luật sư tỉnh ngoài (kể cả trong các trường hợp người dân trả phí) cũng còn rất hạn chế. Việc bổ sung luật sư cho các Đoàn Luật sư tại tỉnh Hà Giang rất khó khăn (do các đồng chí cán bộ ở tỉnh khác về làm việc, nhưng khi nghỉ hưu thường về quê sinh sống), tỉnh Hà Giang mong muốn thời gian tới, việc bổ sung số lượng Trợ giúp viên pháp lý tại tỉnh sẽ giúp cho hoạt động tố tụng tại địa phương được thực hiện tốt hơn.

Các cơ quan tiến hành tố tụng tại hai tỉnh thường tạo điều kiện cho Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia ngay từ giai đoạn đầu, gặp gỡ đối tượng để giúp họ nhận thức và tự tin hơn trong việc khai báo, nghiên cứu hồ sơ vụ việc. Các cơ quan Toà án, Viện Kiểm sát không khó khăn trong việc thực hiện quy định về việc cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10 chỉ cấp một lần, có giá trị từ khi cấp cho đến khi kết thúc vụ án). Tuy nhiên, đối với cơ quan Công an, việc sử dụng Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và luật sư có khó khăn hơn do liên quan tới lệnh trích xuất (để bị can được ra khỏi buồng giam gặp luật sư) tại trại tạm giam. Mỗi lần vào trại tạm giam, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý còn cần phải có giấy giới thiệu của cơ quan quản lý luật sư và cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn đó. Thời gian gặp bị can cũng hạn chế[3] với sự giám sát của cán bộ trại giam, phòng làm việc cho luật sư cũng rất hạn chế (toàn bộ nhà tạm giữ trên toàn quốc không có phòng cho luật sư làm việc, còn phòng làm việc cho luật sư tại trại tạm giam rất chật, trường hợp vụ án có vụ 2, 3 luật sư thì không có chỗ ngồi).

4. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh ở địa phương; sơ kết, tổng kết, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 10

Thực hiện Thông tư liên tịch số 10, các Hội đồng phối hợp liên ngành cấp tỉnh đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trong liên ngành thực hiện trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình. Tháng 12/2008, Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Hà Giang đã thành lập các đoàn kiểm tra về tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 10, kiểm tra việc đặt Bảng thông tin về trợ giúp pháp tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ tại các địa bàn huyện được phân công phụ trách[4]. Tại các cuộc họp định kỳ của Hội đồng, Hội đồng phối hợp đưa ra thảo luận những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội đồng. Cuối năm 2008, các Hội đồng cũng đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2008 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2009.

Sự phối hợp giữa các cơ quan trong Hội đồng ở địa phương mới chỉ được triển khai bước đầu, còn thiếu chặt chẽ, thống nhất trong việc thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên cũng như những nhiệm vụ chung của Hội đồng. Hội đồng còn chưa có sự phối hợp, trao đổi thông tin thống nhất trong việc giải quyết các vụ việc cụ thể và đặc biệt là thống kê các vụ việc theo mẫu thống nhất. Thường trực Hội đồng tỉnh là Sở Tư pháp (giúp việc là Trung tâm trợ giúp pháp lý) chưa thật sự chủ động trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng.  

5. Việc cấp kinh phí bảo đảm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các địa phương

Theo báo cáo của Sở Tài chính hai tỉnh, kinh phí cho bảo đảm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng được cấp trong dự toán hàng năm cho Trung tâm trợ giúp pháp lý mới chỉ bao gồm kinh phí trả phụ cấp cho Trợ giúp viên pháp lý. Tỉnh Hà Giang đã cấp kinh phí chi trả thù lao cho luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý, nhưng tỉnh Tuyên Quang chưa cấp kinh phí này.

Trong 2008, Hà Giang đã cấp 397.500.000 đồng (trong đó phần kinh phí không tự chủ là 13 triệu đồng) bao gồm kinh phí chi phụ cấp cho Trợ giúp viên, chi trả thù lao cho luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng, chi cho trợ giúp pháp lý lưu động, chi thuê tư vấn vụ việc. Năm 2009, ngân sách địa phương đã cấp cho Trung tâm 398 triệu đồng (trong đó phần kinh phí không tự chủ là 27 triệu đồng).

Phần kinh phí cho hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành cấp tỉnh như: sơ kết, tổng kết chung về việc phối hợp ở địa phương, đặt Bảng Thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật và các tài liệu khác có liên quan tại cả hai tỉnh đều chưa được cấp. Hiện Trung tâm Hà Giang đã có tờ trình xin cấp kinh phí bổ sung ngân sách cấp cho hoạt động trợ giúp pháp lý theo Thông tư liên tịch số 10 nhưng chưa có Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt. Hiện cả hai tỉnh đều chưa lập dự toán bổ sung cho hoạt động của Hội đồng liên ngành. Thực tế, cả hai tỉnh đều có mức thu ngân sách rất thấp (Tuyên Quang thu ngân sách chỉ được 20%, còn lại phải nhờ Trung ương hỗ trợ).

II. Một số đề xuất, kiến nghị

1. Đề xuất, kiến nghị của địa phương

1.1. Về việc đặt Bảng thông tin, Hộp tin trợ giúp pháp lý: Ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, các địa phương kiến nghị nên đặt thêm Bảng thông tin, Hộp tin ở trung tâm Bưu điện Văn hoá xã – nơi có nhiều người qua lại để thông tin đến được với người dân hiệu quả hơn. Ngoài các hình thức Bảng thông tin và hộp tin, các địa phương đề xuất nên có Tờ gấp, đặt loa nén tại các phòng giam và một số nơi công cộng. Trên diện rộng, cần thực hiện trợ giúp pháp lý lồng ghép với tuyên truyền các chương trình kinh tế, có phiên dịch (thu vào băng cassette) bằng tiếng Dân tộc thiểu số[5].

1.2. Về thành phần phối hợp của Hội đồng: Từ thực tiễn của địa phương, đặc biệt đối với các tỉnh có nhiều diện tích rừng, tỉnh Tuyên Quang đề xất thành phần phối hợp của Hội đồng liên ngành cần có thêm Kiểm lâm - cơ quan thực hiện điều tra ban đầu đối với tội phá rừng - án phạm pháp quả tang, trong đó đa phần đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

1.3. Về hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất: Các địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí hàng năm về tập huấn và hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho Trung tâm. Cơ sở vật chất của Hội đồng cần được hỗ trợ theo từng ngành. Trung ương nên quy định rõ cấp kinh phí tư vấn mỗi năm bao nhiêu, kinh phí cho Luật sư như hiện nay với mức 120.000đ/ngày là quá thấp, không thu hút được luật sư tham gia; thí điểm áp dụng cấp kinh phí trong việc đặt Bảng thông tin tại một số nơi.

2. Đề xuất, kiến nghị của Đoàn Kiểm tra

Việc kiểm tra hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang về phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã được Hội đồng Trung ương cân nhắc kỹ (Tuyên Quang là tỉnh vốn có sự phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian trước đây, trong khi Hà Giang chỉ mới triển khai thực hiện hoạt động này). Tuy nhiên, qua kiểm tra cả hai tỉnh, Đoàn kiểm tra nhận thấy còn có một số vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai Thông tư liên tịch số 10, đề nghị Hội đồng Trung ương xem xét nhằm chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa các quy định của Thông tư, cụ thể như sau:

2.1. Về xây dựng thể chế: Hội đồng phối hợp liên ngành cần nghiên cứu, xây dựng chính sách phù hợp với miền núi, biên giới (hầu hết người dân sống tại khu vực miền núi, biên giới thuộc đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp miễn phí của Nhà nước) và có công văn chỉ đạo thực hiện của từng ngành dọc.

2.2. Về công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý: Việc thực hiện các hình thức thông tin về quyền của người được trợ giúp pháp lý cần được đa dạng hoá, phù hợp với từng địa bàn dân cư, loại hình cơ quan hơn nữa. Cần cân nhắc tỉ lệ biết chữ của người dân để phát tờ gấp tại các địa phương phối hợp với tuyên truyền qua loa đài tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động; trang bị hệ thống loa đài, ghi tài liệu vào băng (bao gồm cả tiếng Dân tộc thiểu số) để phát hàng ngày vào giờ nhất định tại các phòng giam, các tụ điểm dân cư. Cần nâng cao năng lực cán bộ qua tập huấn thường xuyên cho cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, bộ đội biên phòng, cán bộ tư pháp tại 3 cấp để họ giúp cho người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, trong đó có pháp luật về trợ giúp pháp lý.

2.3. Về kinh phí cho hoạt động của Hội đồng: Cần bảo đảm cấp kinh phí cho hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành, trong đó các hạng mục kinh phí cụ thể như kinh phí tư vấn cho cán bộ là cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng, kinh phí cho các hoạt động thông tin về trợ giúp pháp lý, kinh phí cho tập huấn, mua loa đài, phương tiện truyền thông về pháp luật v.v...

Kinh phí cho luật sư tham gia trợ giúp pháp lý nên có mức quy định tối đa nhằm đẩy mạnh, khuyến khích sự tham gia của luật sư. Kể cả các địa phương chưa có đội ngũ luật sư phát triển cũng cần phải khuyến khích luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tham gia từ giai đoạn điều tra ban đầu.

2.4. Về đẩy mạnh hoạt động của Hội động phối hợp liên ngành

- Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 10, Hội đồng phối hợp liên ngành cấp tỉnh có trách nhiệm thống kê và báo cáo các vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương. Tuy nhiên, việc thống kê trong từng ngành thực hiện chưa thống nhất nên dẫn đến số liệu vụ việc chưa có sự chính xác cao. Liên ngành cần có hướng dẫn thống nhất về vấn đề này, cần có xây dựng biểu mẫu chung và biễu mẫu thống kê trong từng ngành.

Các Bộ, ngành trong liên ngành cần phân công đơn vị đầu mối thống kê báo cáo định kỳ của ngành về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

- Mỗi Bộ, ngành trong liên ngành cần có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể trong từng ngành về việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Thông tư liên tịch số 10. Cần thiết có thể tổ chức tập huấn định kỳ để phối hợp liên ngành.

Ví dụ: Bộ Công an cần có hướng dẫn về việc cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và luật sư là cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Giấy giới thiệu và sổ, biểu theo dõi, xác nhận thời gian làm việc của luật sư tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;

Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo các địa phương khi xét xử phúc thẩm cần gửi Bản án, Quyết định cho Trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng.   

- Các cơ quan, đơn vị trong liên ngành tại địa phương cần khuyến khích, cử cán bộ làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý, trong đó có cộng tác viên tham gia tư vấn cho người được trợ giúp pháp lý là bị can, bị cáo, cộng tác viên thực hiện công tác truyền thông về pháp luật, trợ giúp pháp lý qua các buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật.    

- Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương cần hướng dẫn cụ thể hơn nữa các quy định của Thông tư liên tịch số 10 như: hướng dẫn về việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 của Bộ luật Tố tụng hình sự và các trường hợp quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý (trong đó xác định cụ thể các đối tượng theo quy định của Luật và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; việc xác định hộ nghèo theo quy định của từng địa phương, xác định cận nghèo, tái nghèo, việc điều chỉnh mức hộ nghèo v.v...). Quá trình giải quyết các vụ án, liên ngành cần có trao đổi, thống nhất để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung trong hoạt động tố tụng (ví dụ như quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng, các tội phạm về an toàn giao thông với các quy định về bồi thường và xác định lỗi của người vi phạm v.v...)./.

 Phương Linh


[1] Theo Bảng thống kê về vụ việc của Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang, tổng số vụ việc do Toà án nhân dân Hà Giang (bao gồm cấp tỉnh và cấp huyện) xét xử trong năm 2007 là 838 vụ việc, trong đó có 55 vụ có người bào chữa, bảo vệ quyền lợi, chiếm 6,6% tổng số vụ việc được xét xử; tổng số vụ xét xử trong năm 2008 là 804 vụ, trong đó có 89 vụ có người bào chữa, bảo vệ quyền lợi, chiếm 11% tổng số vụ việc được xét xử.

[2] Bình quân trên toàn quốc mỗi năm xét xử 200.000 vụ, nhưng số vụ việc có luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia: 20.000 vụ (chiếm 10%), còn lại trên 180.000 vụ không có luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tham gia.

[3] Theo Thông tư số 08 năm 2001 của Bộ Công an, luật sư chỉ được gặp bị can trong vòng một giờ đồng hồ, sau này, Bộ Công an có thêm Hướng dẫn số 61 bổ sung thêm một giờ nữa. 

[4] Hà Giang có Thông báo số 528/TB-HĐPHLN ngày 16/12/2008 về việc phân công phụ trách huyện của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cho từng thành viên của Hội đồng.

[5] Việc phiên dịch bằng văn bản tại địa bàn tỉnh Hà Giang gặp khó khăn do ngôn ngữ bằng văn bản chỉ có tiếng Mông, mà người Mông từ 50 tuổi trở lên mới biết ngôn ngữ này.