Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2009 đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt, trong khuôn khổ hỗ trợ của dự án “Hỗ trợ kỹ thuật về hoàn thiện khung pháp luật và hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam”, trong hai ngày 28/4 và 29/4/2009 tại Đà Nẵng, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức làm việc nhóm về dự thảo Thông tư hướng dẫn việc đăng ký trực tuyến về giao dịch bảo đảm và về bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ đăng ký của các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản.
Chủ trì đợt làm việc có TS.Vũ Đức Long - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (sau đây gọi tắt là Cục Đăng ký), ông Phạm Tuấn Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký. Thành phần tham dự bao gồm chuyên gia IFC, nhóm soạn thảo Thông tư hướng dẫn việc đăng ký trực tuyến về giao dịch bảo đảm của Cục Đăng ký, lãnh đạo và 20 cán bộ trực tiếp làm công tác đăng ký tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Trong ngày làm việc thứ nhất, chuyên gia IFC đã có những ý kiến bình luận đối với một số nội dung của dự thảo Thông tư hướng dẫn việc đăng ký trực tuyến về giao dịch bảo đảm và những vấn đề khác có liên quan. Dự thảo Thông tư cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía cán bộ trực tiếp làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm. Theo chuyên gia IFC, khi xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn việc đăng ký trực tuyến về giao dịch bảo đảm, Cục Đăng ký cần giữ vững nguyên tắc chỉ đưa những vấn đề thật sự cần thiết vào hệ thống đăng ký, việc đăng ký trực tuyến phải được thực hiện một cách đơn giản nhằm hạn chế những sai sót, đăng ký thuận tiện và nhanh chóng, tính chính xác cao nhằm khuyến khích người dân sử dụng hệ thống một cách chủ động. Ngoài ra yêu cầu của một hệ thống đăng ký trực tuyến đó là người sử dụng phải dễ tiếp cận tại bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ tại đâu cũng là một yêu cầu được chuyên gia IFC khuyến nghị.
Ngoài ra, chuyên gia IFC cũng cung cấp thêm một số kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến về giao dịch bảo đảm. Đó là những kinh nghiệm liên quan đến việc hỗ trợ cả hai loại hình đăng ký trực tuyến và đăng ký bằng văn bản giấy tuỳ theo nhu cầu của người có nhu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm trên cơ sở nguyên tắc không phân biệt giữa hai cách thức đăng ký này.
Đối với những nội dung cụ thể của dự thảo Thông tư, chuyên gia IFC và cán cán bộ làm công tác đăng ký đã có sự trao đổi, thảo luận và lựa chọn những phương án phù hợp với điều kiện cụ thể tại Việt Nam.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, các đại biểu tham dự đều thống nhất cần mở rộng phạm vi điều chỉnh rộng hơn nữa, đăng ký đối với hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ…nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các đối tượng khác thực hiện đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm ngoài đối tượng truyền thống hiện nay là các tổ chức tín dụng.
Về thời điểm đăng ký: đây là vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau. Do đặc thù của việc đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm đó là thời gian nhận thông tin từ khác hàng cũng chính là thời gian nhập dữ liệu vào hệ thống đăng ký. Vì vậy, trong trường hợp lựa chọn thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký là thời điểm thông tin đăng ký được nhập vào cơ sở dữ liệu thì chưa thực sự phù hợp với cả phương thức đăng ký bằng giấy và đăng ký trực tuyến.
Qua trao đổi, chuyên gia IFC cũng cung cấp thêm kinh nghiệm từ thực tế hệ thống đăng ký tại Mỹ trước đây cũng thực hiện việc duy trì thời gian trễ trong việc cập nhật dữ liệu vào hệ thống đăng ký trực tuyến, nghĩa là thực hiện việc cập nhật vào một thời điểm nhất định trong ngày mà không cập nhật ngay lập tức khi thông tin do khác hàng chuyển vào hệ thống.
Quy định về giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm: đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của chuyên gia cũng như các đại biểu tham dự. Có quan điểm cho rằng cần có sự phân biệt giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận do khách hàng truy cập hệ thống và tự in ra (trong trường hợp này Giấy chứng nhận không có giá trị chứng cứ khi tranh tụng) và Giấy chứng nhận do cơ quan đăng ký xác nhận. Một số đại biểu lại có quan điểm cho rằng không nên có sự phân biệt giá trị pháp lý giữa hai loại giấy này. Do đó, vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu và có quy định phù hợp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của khách hàng cũng như đảm bảo được ý nghĩa của việc đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm.
Về tài khoản đăng ký trực tuyến: các ý kiến đều cho rằng dự thảo Thông tư cần xác định rõ quy trình thanh toán lệ phí đăng ký (ví dụ như thanh toán qua tài khoản ngân hàng đã đăng ký trước) để xây dựng phần mềm cho phù hợp.
Ngoài ra, đối với những vấn đề như giá trị của mẫu đơn đăng ký trực tuyến, thủ tục cấp tài khoản đăng ký trực tuyến, đại lý đăng ký giao dịch bảo đảm, việc sửa chữa sai sót do lỗi của đăng ký viên khi hệ thống đăng ký trực tuyến được đưa vào hoạt động sẽ xử lý như thế nào…. cũng được thảo luận rất sôi nổi với nhiều quan điểm còn khác nhau.
Trong ngày làm việc thứ hai, nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ đăng ký của các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản, Cục Đăng ký đã tổ chức trao đổi, thảo luận và giải đáp những vướng mắc về nghiệp vụ đăng ký cho các cán bộ thuộc các Trung tâm liên quan đến thời điểm đăng ký, thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm và cách xác định thời điểm đăng ký đối với một số trường hợp đặc biệt; hướng dẫn một số trường hợp liên quan đến việc kê khai đơn yêu cầu đăng ký, tuỳ từng trường hợp mà cán bộ thuộc Trung tâm đăng ký từ chối đơn yêu cầu đăng ký hoặc hướng dẫn khách hàng hoàn thiện đơn theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến hoạt động tác nghiệp tại các Trung tâm, Cục Đăng ký cũng thực hiện hướng dẫn quy tắc nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm đúng theo kê khai, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc đăng ký thông báo, tuy nhiên vẫn đảm bảo việc tra cứu thông tin thuận lợi và kết quả cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ. Đối với việc thực hiện thông báo việc kê biên tài sản thi hành án, Cục Đăng ký cũng đã lưu ý hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài sản dự kiến kê biên theo yêu cầu của cơ quan thi hành án, hướng dẫn cách ghi số hồ sơ và số văn bản lưu đối với các thông báo kê biên tài sản thi hành án để đảm bảo sự thống nhất giữa các Trung tâm đăng ký.
Việc tổ chức đợt bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ đăng ký còn là dịp tìm hiểu và ghi nhận những vướng mắc trong hoạt động đăng ký tại các Trung tâm từ đó đưa ra đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy định pháp luật hiện hành về đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm hoàn thiện hơn nữa pháp luật về vấn đề này, đảm bảo thuận lợi trong hoạt động tác nghiệp của người làm công tác đăng ký, đồng thời tạo điều kiện và khuyến khích người dân thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm.
Thu Thuỷ - Cục ĐKQGGDBĐ