Ngày 08/4/2009, Cục thi hành án dân sự đã ban hành công văn gửi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.
Hoạt động thi hành án dân sự là quá trình áp dụng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự để tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án và cơ quan có thẩm quyền khác. Pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự phải được cơ quan thi hành án áp dụng đúng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của không chỉ người được thi hành án mà còn của người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, qua đó, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Để đạt được mục đích đó, pháp luật về trình tự thủ tục thi hành án phải đưa ra được những đáp án chung nhất cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương khi áp dụng vào các tình huống cụ thể, giải quyết được tối đa các vướng mắc từ thực tiễn. Trong khi đó, mỗi một bản án, quyết định khi đưa ra thi hành là những tình huống thi hành án vô cùng khác nhau, với những đương sự có nghề nghiệp, địa vị xã hội, tính cách hay nhận thức pháp luật và thái độ chấp hành án khác nhau, với những điều kiện thi hành án và tình trạng pháp lý của tài sản khác nhau dẫn đến quá trình thi hành án và cuối cùng là kết quả thi hành án cũng khác nhau. Từ đó đòi hỏi văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự về trình tự thủ tục thi hành án phải phản ánh được đúng đắn nhất, hay giải quyết được những bức xúc gần nhất của thực tiễn, sát nhất với thực tiễn. Nhằm tạo điều kiện thu nhận được những ý kiến đóng góp hữu ích cho dự thảo Nghị định từ phía những người trực tiếp, hàng ngày áp dụng các quy định của pháp luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, sau quá trình soạn thảo, chỉnh lý, dự thảo Nghị định đã được gửi đến các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cũng như cơ quan quản lý thi hành án trong quân đội để lấy ý kiến của các Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án.
Dự thảo đưa ra lấy ý kiến của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương là dự thảo 4 sau khi đã được Tổ Biên tập gấp rút xây dựng trên cơ sở thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại cuộc họp của Bộ trưởng với Tổ biên tập và các đơn vị liên quan vào chiều 07/4/2009 về Dự thảo Nghị định này.
Để việc góp ý của địa phương được tập trung, có chất lượng, ngoài việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho mọi vấn đề của dự thảo, Cục thi hành án dân sự yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tập trung vào một số vấn đề cơ bản như sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự. Theo quy định của Luật thi hành án dân sự, Nghị định này có phạm vi quy định chi tiết bảy vấn đề về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, bao gồm: quy định về các trường hợp đặc biệt khác không được tổ chức cưỡng chế thi hành án; về mức, thủ tục nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự; thẩm quyền, điều kiện, đối tượng, thủ tục bảo đảm tài chính để thi hành án; về mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án; thủ tục thu, nộp, miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án; về trình tự, thủ tục, phương pháp định giá và bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ và quy định về tài sản kê biên có giá trị nhỏ do Chấp hành viên định giá. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, Nghị định cũng hướng dẫn thi hành cụ thể thêm một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, gồm: Điều 6, Điều 30, Điều 33, Điều 34, Điều 36, Điều 44, Điều 52, Điều 53, Điều 60, Điều 63, Điều 66, Điều 67, Điều 68, Điều 69, Điều 77, Điều 68, Điều 69, Điều 79, Điều 81, Điều 121, Điều 124, Điều 125, Điều 130, Điều 135, Điều Điều 140, Điều 142, Điều 173 và Điều 174 của Luật thi hành án dân sự.
Đối với vấn đề này, ngoài bảy điều của Luật thi hành án dân sự đã được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần nghiên cứu Luật thi hành án dân sự, đối chiếu với thực tiễn để xác định những nội dung khác của Luật thi hành án dân sự cần được hướng dẫn chi tiết như dự thảo xác định là đã đầy đủ chưa, có cần thêm, bớt những nội dung nào; lý do của đề nghị đó và phương án cụ thể để xử lý vào dự thảo Nghị định là gì.
Thứ hai, về cơ cấu của Nghị định: Qua nhiều lần chỉnh lý, dự thảo 4 được cơ cấu thành 5 chương, gồm 5 chương, 37 điều,cụ thể như sau: Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 3) quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị định; về thời hiệu và các trường hợp không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án và về thoả thuận trong thi hành án. Chương II. Thủ tục thi hành án dân sự (từ Điều 4 đến Điều 25) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung về thủ tục nhận đơn và thông báo việc từ chối đơn yêu cầu thi hành án; về việc ra quyết định về thi hành án; về trách nhiệm của đương sự và Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án; về nguyên tắc áp dụng biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế thi hành án; về thủ tục tạm giữ giấy tờ, tài sản của người phải thi hành án; về tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản; về phong toả và khấu trừ tiền trong tài khoản; về mức tiền tối thiểu phải để lại cho người phải thi hành án và gia đình từ số tiền thu được do hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; về quyền cưỡng chế thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; về những tài sản có giá trị nhỏ thuộc thẩm quyền xác định giá của Chấp hành viên; về trình tự, thủ tục, phương pháp định giá và thẩm quyền định giá quyền sở hữu trí tuệ; về trình tự, thủ tục bán đấu giá và thẩm quyền bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ; về địa điểm giao nhận, trách nhiệm và thủ tục xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước; về buộc người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động số tiền lương trong những ngày chưa được nhận trở lại làm việc; về trình tự, thủ tục tiêu huỷ vật chứng, tài sản; về áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án trong trường hợp uỷ thác thi hành nghĩa vụ liên đới; về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; về thủ tục bồi hoàn, cưỡng chế thi hành án liên quan đến việc thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; về xác nhận kết quả thi hành án và về giải quyết khiếu nại về thi hành án. Chương III. Miễn, giảm thi hành án và thủ tục bảo đảm tài chính để thi hành án (từ Điều 26 đến Điều 30) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung về xác định mức nghĩa vụ cụ thể của đương sự đã thi hành để được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước và thủ tục để cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân sự cấp quân khu lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án; về đối tượng được bảo đảm, điều kiện được bảo đảm, thẩm quyền quyết định về bảo đảm tài chính để thi hành án. Chương IV. Chi phí, phí thi hành án (từ Điều 31 đến Điều 35) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung về chi phí thi hành án; miễn, giảm chi phí thi hành án; về mức phí, thủ tục thu nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án; về quy định những trường hợp không phải chịu phí thi hành án và về khiếu nại, tố cáo về phí thi hành án. Chương V. Điều khoản thi hành (gồm Điều 36 và điều 37) gồm các nội dung về điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành Nghị định.
Đối với vấn đề này, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần góp ý trên cơ sở xem xét cơ cấu 5 chương như dự thảo đã hợp lý chưa, nếu chưa hợp lý thì cần cơ cấu lại như thế nào, lý do của việc cần cơ cấu khác đi so với dự thảo.
Thứ ba, về định giá và bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ: đây là một nội dung Luật giao Chính phủ quy định, được quy định tại chương II của dự thảo Nghị định. Quá trình soạn thảo Nghị định về vấn đề này còn có ý kiến khác nhau Có ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị định về thủ tục thi hành án dân sự chỉ quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc chung về định giá, thẩm định giá, thẩm quyền bán đấu giá tài sản là quyền sở hữu trí tuệ, còn trình tự, thủ tục chi tiết sẽ được viện dẫn các quy định về vấn đề này tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2004/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, theo đó sẽ quy định riêng về thủ tục bán đấu giá loại tài sản này. Cũng có ý kiến cho rằng, định giá, bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ là một nội dung rất mới của Luật thi hành án dân sự; để nghiên cứu, xây dựng các nội dung này đòi hỏi đầu tư thích đáng về thời gian, trong khi từ nay đến thời điểm Luật có hiệu lực thi hành không còn nhiều. Việc xây dựng các quy định về vấn đề này cần huy động sự tham gia chuyên sâu của chuyên gia, của nhiều cơ quan, đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực này; tiến hành khảo sát thực tiễn, nghiên cứu kỹ càng các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, tìm hiểu đặc thù của việc định giá, bán đấu giá các tài sản là quyền sở hữu trí tuệ so với các tài sản khác và giữa các tài sản là quyền sở hữu trí tuệ với nhau không, nên cần tách ra để xây dựng thành Nghị định riêng.
Về vấn đề này, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần tập trung nghiên cứu Điều 16 và Điều 17 của dự thảo Nghị định. Từ đó xác định những vấn đề gì về nội dung này cần được hướng dẫn trong dự thảo Nghị định này, những quy định trong dự thảo đã phù hợp chưa; có cần thiết viện dẫn thủ tục bán đấu giá theo Nghị định về bán đấu giá của Chính phủ không, trong Nghị định về bán đấu giá có cần thiết phải quy định thành một phần riêng về thủ tục bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ như là tài sản đặc thù không. Có cần thiết phải xây dựng thành Nghị định riêng hay không.
Thứ tư, góp ý các điều cụ thể cho các điều của dự thảo: để đảm bảo các quy định của Nghị định khả thi, sát với thực tiễn sau khi ban hành, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần tập trung vào việc góp ý nội dung của các điều, trong phạm vi các điều đã đủ nội dung cần hướng dẫn chưa, còn thiếu nội dung gì; các phương án giải quyết mà dự thảo đưa ra đã phù hợp chưa, cần chỉnh lý theo hướng nào.
Thứ năm, góp ý những vấn đề khác của dự thảo.
Do thời gian gấp, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương được yêu cầu khẩn trương tổ chức cho các Chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án nghiên cứu, góp ý và tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý để gửi Cục thi hành án dân sự tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo./.
Lê Kim Dung