Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch 2008: Cần các qui đinh cụ thể hơn!

16/04/2009
Trong buổi làm việc với Tổ Biên tập dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch 2008 chiều 14/4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lưu ý, đã đến hạn chót phải hoàn thiện dự thảo để đảm bảo tiến độ thực hiện (từ 1/7/2009), không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Không để “nhập nhằng” về quốc tịch

Theo ông Trần Thất – Tổ trưởng Tổ Biên tập, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp), dự thảo Nghị định qui định áp dụng thủ tục đơn giản trong việc công nhận quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch đã định cư lâu dài (20 năm trước khi Luật Quốc tịch 2008 có hiệu lực thi hành) trên lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên về qui trình giải quyết vấn đề này, ông Ngô Ngọc Thành (Bộ Tư pháp) cho rằng nên theo trình tự: UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp xã lập danh sách những người không quốc tịch thường trú 20 năm (trở về trước) tại địa phương để Sở Tư pháp xem xét, Sở Công an xác minh trước khi UBND cấp tỉnh quyết định. Vì theo lý giải của ông Thành, UBND cấp xã là đơn vị hành chính gần dân nhất, có thể xác minh được thời gian sinh sống tại địa phương của những người không quốc tịch. Hơn nữa, áp dụng qui trình này sẽ đảm bảo tính chính xác, xuôi chiều và thuận lợi để giải quyết dứt điểm tỉnh trạng người không quốc tịch đã định cư trên lãnh thổ Việt Nam 20 năm. Song Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý không nên bỏ qua vai trò của UBND cấp huyện khi tổ chức thực hiện việc lập danh sách những người không quốc tịch thuộc diện được công nhận quốc tịch Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ trưởng nhấn mạnh, dự thảo phải qui định rõ thời gian áp dụng thủ tục này là 3 năm, với tinh thần chủ động của cấp chính quyền để giải quyết tồn tại lịch sử. Sau thời điểm Luật Quốc tịch có hiệu lực, mọi công tác liên quan đến nhập quốc tịch phải được giải quyết theo thủ tục chung, không để tình trạng “nhập nhằng” về quốc tịch.

Khi thực hiện các qui định liên quan đến nhập quốc tịch Việt Nam phải quán triệt các qui định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam như người nước ngoài hoặc người không quốc tịch phải thường trú tại Việt Nam (được cấp thẻ hoặc thuộc các trường hợp tồn tại lịch sử nhưng được cộng đồng dân cư xác nhận), có đơn xin gia nhập quốc tịch Việt Nam. Đồng thời không thể chỉ đơn giản qui định điều kiện “có lợi cho Việt Nam” mà phải cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi.

Tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn giữ quốc tịch Việt Nam

Một vấn đề rất được quan tâm khi Luật Quốc tịch 2008 có hiệu lực là việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của những người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Sau khi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan, dự thảo Nghị định được chỉnh lý theo hướng, trong vòng 5 năm (kể từ 1/7/2009), những người muốn giữ quốc tịch Việt Nam phải đăng ký (làm tờ khai). Nếu đủ giấy tờ (như chứng minh thư, giấy khai sinh, hộ chiếu (kể cả đã hết hiệu lực)…) cơ quan chức năng sẽ xác định quốc tịch Việt Nam của họ. Nếu không đủ hoặc không có giấy tờ chứng minh thì cơ quan chức năng cần thời gian để xác minh quốc tịch Việt Nam của họ.

Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp) cho biết, các qui định trong dự thảo Nghị định sẽ tạo điều kiện cho những người Việt Nam chưa bị mất quốc tịch Việt Nam, định cư ở nước ngoài nhưng chưa có quốc tịch hoặc hộ chiếu nước ngoài, không rơi vào tình trạng không quốc tịch sau năm 2014.

Ông Trịnh Đức Hải (Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao) cũng tán thành quan điểm này vì người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa có quốc tịch nước ngoài chủ yếu chỉ được thường trú (với điều kiện phải có hộ chiếu Việt Nam). Số người này chỉ khoảng 4.000 – 5.000 người, còn đa số là người đã có quốc tịch nước ngoài (nhưng không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam). Mà bản chất của qui định này trong Luật Quốc tịch là đảm bảo để những người cho rằng mình có quốc tịch Việt Nam đang định cư ở nước ngoài không bị mất quốc tịch sau năm 2014 thông qua thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Song Bộ trưởng lưu ý, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với những người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ là một giải pháp quá độ, thực hiện trong 5 năm, nên phải qui định cụ thể để đảm bảo thực thi thuận tiện./.

Huy Long