Là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin dự kiến sẽ trình Chính phủ và Quốc hội vào cuối năm 2009, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Xây dựng Luật Tiếp cận thông tin ở Việt Nam” để trao đổi kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và thực hiện Luật Tiếp cận thông tin.
Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 06 - 07/5/2009 với sự tham gia của đại diện Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Luật Tiếp cận thông tin, các chuyên gia quốc tế, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam và đại diện một số cơ quan, ban, ngành có liên quan tại trung ương và địa phương. Tham dự Hội thảo còn có bà Kara Owen - Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam, và ông Toby Mendel - chuyên gia nghiên cứu về tiếp cận thông tin của Tổ chức Article 19.
Trong xã hội, thông tin ngày càng có vai trò quan trọng trên nhiều phương diện. Để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận thông tin, quyền tiếp cận thông tin của người dân phải được thể chế hóa và được ví là “ô-xi” của một xã hội dân chủ. Điều này thể hiện vị trí, vai trò của quyền tiếp cận thông tin trong xã hội hiện đại, đảm bảo một xã hội thật sự dân chủ và minh bạch. Nếu đầu những năm 1990, mới có khoảng hơn 10 quốc gia ban hành luật về tiếp cận thông tin thì cho đến nay đã có trên 80 nước ban hành luật này và hơn 20 quốc gia khác đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng luật, trong đó có Việt Nam. Các kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và thực thi luật tiếp cận thông tin sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo luật.
Tại Hội thảo, đại diện Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập và các đại biểu đã được nghe các diễn giả trao đổi những kinh nghiệm về việc xây dựng, thực hiện luật về tiếp cận thông tin của các nước ở Đông Âu, Bắc Âu, Đông Nam Á. Các chuyên gia và đại biểu đã cùng nhau trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm hay cũng như những khó khăn và vướng mắc tồn tại mà các nước đang mắc phải trong quá trình thực thi pháp luật để từ đó rút ra các kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Các đại biểu đều thừa nhận tầm quan trọng của việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin tại Việt Nam. Quyền được thông tin đã được quy định trong Hiến pháp 1992 (Điều 69) và được cụ thể hoá trong nhiều văn bản khác, đặc biệt phải kể tới Luật Phòng chống tham nhũng, Pháp lệnh dân chủ cơ sở, Luật Đấu thầu, Luật Kiểm toán, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Công nghệ thông tin ... Tuy nhiên, các văn bản này chưa đưa ra được quy trình và cơ chế cụ thể để công dân và các tổ chức được thực hiện quyền được thông tin và các cán bộ, công chức nhà nước cũng chưa biết dựa vào cơ sở nào, quy trình nào để thực thi nhiệm vụ cung cấp thông tin.
Việc soạn thảo Luật hiện nay còn gặp phải một số vướng mắc khi xác định đối tượng điều chỉnh của Luật (cơ quan nhà nước nào phải chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, Chính phủ - Cơ quan hành pháp hay cả Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội, Toà án nhân dân các cấp, các doanh nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước...), phân loại thông tin (thông tin nào bắt buộc phải công bố rộng rãi, thông tin nào không được tiếp cận hay các trường hợp ngoại lệ, thông tin nào được tiếp cận theo yêu cầu), khi nào cơ quan nhà nước có quyền từ chối cung cấp thông tin và khi nào thì công dân và tổ chức được quyền khiếu nại nếu cơ quan nhà nước không cung cấp thông tin, phí tiếp cận thông tin. Đặc biệt, các đại biểu đã thảo luận khá sôi nổi về vai trò của một cơ quan độc lập giám sát việc thực hiện quyền được thông tin, giải quyết các khiếu nại giữa các bên liên quan.... Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề cập tới mối quan hệ giữa các văn bản pháp luật chuyên ngành hiện hành và Luật Tiếp cận thông tin, cũng như một số văn bản cần phải ban hành mới hoặc sửa đổi như Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Pháp lệnh về bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Báo chí, ....
Bên cạnh việc xây dựng luật, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân về quyền tiếp cận thông tin; nâng cao năng lực, nhận thức cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức để việc cung cấp thông tin được thực hiện một cách chủ động, nhanh chóng, chính xác khi cần công bố thông tin một cách rộng rãi hoặc khi có yêu cầu.
Điều 69 Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận quyền tiếp cận thông tin là quyền hiến định của công dân. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, người dân được tham gia rộng rãi vào quản lý nhà nước và xã hội. Muốn vậy, vấn đề cốt lõi là thông tin phải được minh bạch. Theo ông Jairo Acuña-Alfaro, Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP tại Việt Nam, để dân biết, cần phải có thông tin; để dân bàn, cần phải dựa vào thông tin; muốn dân làm cần phải có thông tin và dân muốn kiểm tra phải dựa trên cơ sở thông tin.
Dưới đây là một số thông tin về kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của một số nước trên thế giới do ông Toby Mendel chuẩn bị để độc giả tham khảo.
Phân tích so sánh pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của một số quốc gia trên thế giới
Ngọc Khánh