Tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp bản Báo cáo phúc trình đề tài khoa học cấp Bộ

11/08/2006
Công tác nghiên cứu khoa học là một hoạt động được triển khai liên tục tại Học viện Tư pháp với các đề tài mang tính thực tiễn cao nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của Học viện.

Với mục đích làm rõ giá trị lý luận và thực tiễn của các vụ án điển hình đã được xét xử trong thực tế đối với công tác đào tạo các chức danh tư pháp, các tiêu chí lựa chọn vụ án điển hình và cách thức sử dụng các vụ án điển hình đã được biên soạn lại vào hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp đã tổ chức triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “ Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng hệ thống hóa các vụ án điển hình dùng làm tài liệu cho công tác đào tạo các chức danh tư pháp”. TS. Phan Hữu Thư, Giám đốc Học viện Tư pháp là Chủ nhiệm đề tài và TS. Nguyễn Văn Huyên, Phó giám đốc Học viện Tư pháp là Phó chủ nhiệm đề tài. Cộng tác viên viết bài cho đề tài này gồm có: TS. Dương Thanh Mai, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý; TS. Nguyễn Sơn, Phó chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; ThS. Nguyễn Việt Cường, Chánh tòa lao động Tòa án nhân dân tối cao; TS. Hoàng Minh Sơn, Trưởng khoa hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS, TS. Đào Thị Hằng, Phó trưởng khoa sau đại học Trường đại học Luật Hà Nội; TS. Nguyễn Thành Trì, Trưởng phòng đào tạo Học viện Tư pháp; TS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa đào tạo Luật sư Học viện Tư pháp.

 

Ngày 10/08/2006, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức một cuộc họp để lấy ý kiến đóng góp cho bản Báo cáo phúc trình đề tài khoa học. Tham dự cuộc họp này ngoài Ban chủ nhiệm và các cộng tác viên chính còn có đồng chí Đinh Văn Quế, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Kim Phụng, Tổ phó Tổ Lao động - Khoa Kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội; đồng chí Tưởng Duy Lượng, Chánh Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Võ Đình Toàn, Trưởng phòng tổng hợp Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp

TS. Nguyễn Văn Huyên thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài giới thiệu sơ lược bản Báo cáo. Bản báo cáo phúc trình được cơ cấu thành 3 chương. Chương I: Vụ án điển hình và vai trò của nó đối với công tác đào tạo các chức danh tư pháp; Chương II: Thực trạng sử dụng hồ sơ các vụ án trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam; Chương III: Chiến lược đào tạo các chức danh tư pháp và nhu cầu xây dựng Tập hệ thống hóa các vụ án điển hình.Các đại biểu tham dự cuộc họp góp ý kiến tập trung vào những nội dung sau: Cơ cấu chung của báo cáo; Các khái niệm án lệ, vụ án điển hình; Vai trò của vụ án điển hình đối với công tác đào tạo các chức danh tư pháp; Thực trạng sử dụng hồ sơ các vụ án trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam; Nhu cầu sử dụng vụ án điển hình; Quy trình biên tập vụ án điển hình dùng làm tài liệu phục vụ hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp.Các đại biểu rất nhiệt tình đưa ra ý kiến xây dựng Báo cáo hoàn thiện, đầy đủ và hợp lý hơn.