Toạ đàm “Những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo luật sư và các chức danh tư pháp khác” tại Học viện Tư pháp

15/06/2006
Toạ đàm “Những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo luật sư và các chức danh tư pháp khác” tại Học viện Tư pháp
Thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp về triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp, từng bước “Xây dựng Học viện Tư pháp thành một trung tâm lớn về đào tạo cán bộ tư pháp” theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW Bộ Chính trị, Học viện Tư pháp đã tiến hành những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, đặc biệt là công tác đào tạo đội ngũ luật sư. Ngày 10/6/2006, Học viện Tư pháp đã tổ chức buổi Tọa đàm “Những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo luật sư và các chức danh tư pháp khác”.

Tham gia buổi tọa đàm có đại diện Vụ Bổ trợ tư pháp, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), đại diện Đoàn Luật sư Hà Nội, các giảng viên kiêm nhiệm đến từ Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân nhân tối cao, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, các văn phòng luật sư. Đến dự buổi tọa đàm còn có các nhà khoa học pháp lý, các cán bộ, giảng viên của Học viện Tư pháp cùng học viên và cựu học viên của Học viện.

TS.Phan Hữu Thư, Giám đốc Học viện Tư pháp thay mặt Ban điều hành toạ đàm giới thiệu nội dung chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, phương pháp đào tạo và những khó khăn mà Học viện Tư pháp đang gặp phải trong công tác đào tạo luật sư và các chức danh tư pháp khác trong thời gian qua.

Sau bài phát biểu của TS. Phan Hữu Thư, các thành viên tham dự toạ đàm đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của Học viện.

TS.Nguyễn Văn Thảo,Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp đưa ra ý kiến: “Muốn nâng cao chất lượng đào tạo luật sư thì phải giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu cầu tăng nhanh về số lượng và yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo.”. Cũng đồng ý với ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Thảo, TS.Võ Khánh Vinh còn có nhận xét: “ Chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp hiện nay là phù hợp, tối ưu so với thời gian đào tạo. Tuy nhiên chúng ta chưa đạt được kết quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Cần phải tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện chương trình của giáo viên và học viên cũng như phải có cơ chế phối hợp giữa Học viện Tư pháp và các cơ quan tư pháp trong công tác đào tạo”. Kết cấu chương trình đào tạo gồm có 3 phần: phần chuyên đề, phần rèn luyện kĩ năng và thực tập. Trong thực tế, một số giáo viên chưa thực hiện đúng kết cấu, còn đưa nhiều lý thuyết vào bài giảng. Về vấn đề thực tập của học viên, Thẩm phán Nguyễn Sơn, Phó chánh án Toà án nhân dân Hà Nội nhận xét học viên đi thực tập không đạt hiệu quả cao do các thẩm phán không có thời gian để hướng dẫn và ngay chính học viên cũng không chủ động trong công việc của mình. Nên có sự phối hợp của các cơ quan nhận học viên về thực tập để các học viên được tiếp xúc với hồ sơ thật, người thật, việc thật. TS.Phạm Công Lạc, Trưởng khoa Luật dân sự - Trường đại học Luật Hà Nội đưa ra giải pháp: “Khi đi thực tập nếu học viên không được trực tiếp làm thì không thực tập được gì. Nên chăng xây dựng cơ sở thực tập ngay trong Học viện để học viên thực tập tại chỗ dưới hình thức diễn án chung với sự hướng dẫn của các Thẩm phán, Kiểm sát viên và các Luật sư giỏi”. Theo đ/c Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, chương trình đào tạo của Học viện cũng cần chú trọng đến việc rèn luyện kĩ năng nói cho luật sư vì thực tế cho thấy nhiều luật sư không có khả năng nói tại các phiên toà.

Giảng viên cũng là yếu tố có tính quyết định đến chất lượng đào tạo.“Muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì phải có giải pháp đồng bộ. Muốn đào tạo thợ giỏi thì phải có thầy giỏi. Giỏi cả về lý thuyết và thực tiễn. Để có được như vậy phải có sự sàng lọc giáo viên. Nếu thầy không giỏi sẽ làm giảm chất lượng đào tạo. Đội ngũ giáo viên nên là những Thẩm phán, Kiểm sát viên giỏi của cấp huyện vì đối tượng đào tạo của Học viện là cán bộ ở Toà án cấp huyện, Viện kiểm sát cấp huyện”- đó là ý kiến của Kiểm sát viên Ngô Quang Liễn về việc xây dựng đội ngũ giảng viên của Học viện. Học viện Tư pháp có đội ngũ giảng viên gồm giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm nhiệm. Những giảng viên cơ hữu trẻ bị hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn, trong khi một số giảng viên kiêm nhiệm lại gặp khó khăn trong vấn đề truyền đạt kiến thức cho học viên do họ không có nghiệp vụ sư phạm. Thẩm phán Nguyễn Việt Cường, Chánh Toà Lao động - Toà án nhân dân tối cao nêu ý kiến: “Cần sàng lọc đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, không phải Thẩm phán nào cũng giỏi. Phải mạnh dạn loại những người không đạt yêu cầu để đảm bảo chất lượng chung”. Ngoài ra cũng cần tạo điều kiện để các giảng viên trẻ tích luỹ kinh nghiệm thực tế và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm. Làm được như thế thì mới xây dựng được đội ngũ giáo viên vững vàng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp.

“Nhưng cũng không nên đặt gánh nặng vào đội ngũ giảng viên của Học viện,” - LS. Phạm Liêm Chính phát biểu - “ vì chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố trình độ của học viên. Đào tạo tại Học viện chỉ là đào tạo những kĩ năng cơ bản, nhà trường không thể dạy tất cả mọi điều cho học viên vì vậy chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào bản thân học viên khi thi tuyển đầu vào, khi học tập và rèn luyện tại Học viện. Muốn rèn luyện giỏi kĩ năng thì phải nắm chắc lý thuyết, không nên coi nhẹ lý thuyết trong đào tạo, vì vậy đề thi tuyển sinh cũng nên chú trọng tới lý thuyết để giảng viên không phải nhắc lại lý thuyết trong bài giảng. Để tránh tình trạng trình độ không đồng đều của học viên gây khó khăn cho việc tiếp thu bài giảng, cần phải phân loại học viên, nhất là học viên luật sư vì luật sư tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. TS.Võ Khánh Vinh cùng nhiều đại biểu đưa ra ý kiến như vậy.

Đồng chí Vũ Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp phát biểu: “Đào tạo ở Học viện là khác với đào tạo ở các trường Đại học nên phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Học viện với các cơ quan tư pháp khác. Học viện cần xây dựng đề án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét về vấn đề này. Nếu có sự phối hợp tốt thì công tác đào tạo ở Học viện Tư pháp sẽ được thực hiện tốt”.