Hội thảo Tăng cường năng lực của cơ quan, công chức trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật ở TW

18/05/2006
Hội thảo Tăng cường năng lực của cơ quan, công chức trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật ở TW
Ngày 18/5/2006, Bộ Tư pháp - Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng năng lực cũng như phương hướng tăng cường năng lực của cơ quan, đội ngũ công chức trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Đại diện các tổ chức pháp chế Bộ và cơ quan ngang Bộ tham dự Hội thảo.
Thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án "Tăng cường năng lực cho các cơ quan, công chức trực tiếp tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật" (Đề án 4) được phê duyệt tại Quyết định số 497/QĐ-BTP ngày 15/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ban Chủ nhiệm Đề án 4 đã tiến hành khảo sát thực trạng năng lực các cơ quan, công chức trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản qppl ở TW. Kết quả cho thấy: trong thời gian qua các cơ quan trực tiếp làm công tác soạn thảo văn bản qppl ở TW như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được quan tâm kiện toàn, củng cố để nâng cao hiệu quả của công tác soạn thảo văn bản qppl. Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 quy định về pháp chế Bộ, ngành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của các tổ chức này. Tuy nhiên năng lực của các cơ quan trực tiếp làm công tác soạn thảo văn bản qppl ở TW còn nhiều bất cập, như: trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong công tác soạn thảo văn bản qppl chưa được đề cao, lực lượng công chức trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản qppl ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn thiếu về số lượng, kiến thức chuyên ngành của công chức còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra…
Các đại biểu tham dự cũng nêu rõ, vấn đề kinh phí phục vụ cho việc soạn thảo và ban hành văn bản qppl còn hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc ở một số tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ được giao…
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, các đại biểu cũng đã kiến nghị đưa ra những biện pháp, phương hướng nhằm nâng cao năng lực của cơ quan, công chức trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản qppl: kiện toàn các cơ quan trực tiếp làm công tác soạn thảo văn bản qppl, đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động để bảo đảm công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra văn bản được thực hiện khoa học, đồng bộ, không bị cắt khúc, nâng cao được vị trí, vai trò của các Vụ Pháp chế, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị làm công tác soạn thảo văn bản qppl của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trực tiếp làm công tác soạn thảo văn bản qppl, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản qppl, đổi mới, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn công chức trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản qppl, tăng cường, phát huy hiệu quả khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thu thập, cung cấp, chia sẻ thông tin và thực hiện hoạt động xây dựng văn bản. đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính phục vụ công tác soạn thảo văn bản qppl để đảm bảo nguồn kinh phí hợp lý cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các tổ chức pháp chế về máy tính để tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho các công chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.