Nhằm tăng cường sự phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, ngày 01/4/2009, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc và gặp mặt thân mật với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng. Báo cáo kết quả công tác phối hợp trong thời gian qua của Bộ Tư pháp với Bộ Xây dựng cho thấy, hoạt động giữa hai ngành tương đối gắn kết, bước đầu đã có sự phối hợp có hiệu quả, thể hiện trên các mặt hoạt động sau:
1. Công tác xây dựng và thi hành pháp luật
a. Chương trình xây dựng pháp luật: Bộ Tư pháp đã soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ năm 2009. Theo Bản phân công, Bộ Xây dựng sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2009) hai dự án luật: Luật quy hoạch đô thị và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở. Bộ Tư pháp tiếp tục đôn đốc, theo dõi việc xây dựng, hoàn thiện hai dự án luật nêu trên của Bộ Xây dựng để trình Quốc hội đúng thời hạn, có chất lượng.
b. Thẩm định dự thảo VBQPPL: Bộ Tư pháp tham gia góp ý, thẩm định các văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Việc góp ý, thẩm định được thực hiện nghiêm túc và đúng thời hạn theo quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong công tác phối hợp giữa hai Bộ trong lĩnh vực xây dựng văn bản như sau:
Hoạt động phối hợp xây dựng pháp luật giữa hai Bộ chưa thực sự gắn kết. Một số VBQPPL của Bộ Xây dựng gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý, thẩm định chưa theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian. Vẫn còn tình trạng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Xây dựng trình Chính phủ nhưng không gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, gây nhiều khó khăn cho các Vụ chuyên môn của Bộ Tư pháp trong công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ cho ý kiến về nội dung các văn bản đó tại các buổi họp Chính phủ (Ví dụ, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 755 của UBTVQH về việc giải quyết một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN không được gửi trước cho Bộ Tư pháp trước khi trình Thủ tướng xem xét).
c. Phổ biến, giáo dục pháp luật
Công tác PBGDPL của Chính phủ: Hai Bộ đã phối hợp biên soạn nội dung của 02 cuốn Đặc san tuyên truyền pháp luật về Luật xây dựng và Luật nhà ở; xây dựng đề cương giới thiệu Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân.
d. Đăng ký giao dịch bảo đảm
Bộ Xây dựng đã cử cán bộ tham gia vào Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng hai dự án luật Luật Đăng ký bất động sản và Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm; phối hợp tham gia xây dựng Thông tư Liên tịch số 05/2007/TTLT-BTP-BXD-BTNMT-NHNN ngày 21/5/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp nhà ở.
Bộ Xây dựng đã cử cán bộ phối hợp với Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm) trong việc tổ chức khảo sát về tổ chức và hoạt động đăng ký bất động sản tại 27 tỉnh, thành phố (từ năm 2005 đến năm 2009) nhằm củng cố cơ sở cho việc xây dựng dự án Luật Đăng ký bất động sản.
2. Công tác củng cố và kiện toàn tổ chức pháp chế
Theo quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác pháp chế trong phạm vi cả nước. Trong số các tổ chức pháp chế của các bộ, ngành nói chung thì Pháp chế Bộ Xây dựng là một trong những đơn vị được Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm.
Trong những năm qua, có thể thấy Pháp chế Bộ Xây dựng đã hoạt động tương đối có hiệu quả, là một trong những đơn vị tương đối mạnh cả về số lượng cán bộ và chất lượng công tác (13 cán bộ với 99% là đại học luật, trong đó có 02 thạc sỹ). Hầu hết các đơn vị trực thuộc của Bộ đều có tổ chức pháp chế. Năm 2008, đồng chí Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Xây dựng đã được Bộ Tư pháp trao tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 5 năm (2003-2007).
Đỗ Thanh Hương