Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính: Nhanh chóng chuẩn bị cho việc lấy ý kiến góp ý của bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Nghị định về thủ tục thi hành án dân sự

31/03/2009
Sáng ngày 30/3/2009, Thường trực Tổ Biên tập Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự đã báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính về kết quả chuẩn bị dự thảo Nghị định này.

          Đồng chí Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục thi hành án dân sự đã thay mặt Tổ Biên tập báo cáo đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính về kết quả hoạt động của Tổ Biên tập từ khi được thành lập đến nay, những nội dung chủ yếu của dự thảo 3 Nghị định và những vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng. Dự thảo 3 Nghị định đã được Tổ Biên tập xây dựng trên cơ sở chính lý dự thảo 2 theo ý kiến kết luận tại cuộc họp chiều 20/3/2009 của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.

          Theo đó, Tổ Biên tập đã cơ cấu lại số chương của Nghị định theo hướng giảm từ 5 chương xuống còn 4 chương, do đã chuyển các nội dung cơ bản của Chương III. Biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế thi hành án vào Chương II.Thủ tục thi hành án. Điều này xuất phát từ tên gọi của Nghị định, là Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, do đó, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án và biện pháp cưỡng chế thi hành án đều thuộc về thủ tục thi hành án được hiểu theo nghĩa rộng. Bên cạnh đó, Tổ Biên tập cũng đã chuyển một số điều từ chương II về phí thi hành án, về chi phí thi hành án sang chương III để đảm bảo tính hợp lý, khoa học hơn trong bố cục của Nghị định. Trong các chương cụ thể, Tổ Biên tập cũng đã nghiên cứu để sắp xếp lại thứ tự các điều,  đồng thời đã chỉnh lý lại tên điều, chỉnh sửa các nội dung cần thiết tại các điều liên quan.  

          Như vậy, so với dự thảo 1 và dự thảo 2, Dự thảo 3 Nghị định trên đã có nhiều thay đổi quan trọng. Từ 5 chương với 43 điều,  Dự thảo 3 có 4 chương, 36 điều, gồm:

          Chương I. Những quy định chung, gồm 4 điều, từ Điều 1 đến Điều 4, quy định về phạm vi của Nghị định;  hướng dẫn cụ thể hơn về tiếng nói và chữ viết trong thi hành án dân sự; về thời hiệu và khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và về thoả thuận về thi hành án.

Chương II. Thủ tục thi hành án dân sự, gồm 21 điều, từ Điều 5 đến Điều 25, quy định chi tiết và hướng dẫn các nội dung sau đây: về thủ tục nhận đơn yêu cầu thi hành án; về căn cứ và thời hạn từ chối đơn yêu cầu thi hành án; việc ra quyết định về thi hành án; về trách nhiệm của đương sự và của Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án; về những trường hợp không cưỡng chế thi hành án và nguyên tắc cưỡng chế kê biên tài sản phải tương ứng với nghĩa vụ thi hành án; về tạm giữ giấy tờ, tài sản; về phong toả tiền trong tài khoản và khấu trừ tiền trong tài khoản; về thủ tục khấu trừ tiền trong tài khoản; về mức tiền tối thiểu phải để lại cho người phải thi hành án và gia đình từ số tiền thu được do hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; về quyền cưỡng chế thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; về những tài sản có giá trị nhỏ thuộc thẩm quyền xác định giá của Chấp hành viên; về định giá và thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ; về trình tự, thủ tục và thẩm quyền bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ; về buộc người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho người lao động do không nhận người lao động trở lại làm việc; về địa điểm giao, nhận và thủ tục xử lý vật chứng, tài sản bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước; về tiêu huỷ vật chứng, tài sản;  về uỷ thác thi hành nghĩa vụ liên đới; về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; về thủ tục bồi hoàn, cưỡng chế thi hành án liên quan đến việc thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; về nội dung của giấy xác nhận kết quả thi hành án và về những trường hợp xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án đã có hiệu lực thi hành.

Chương III. Chi phí, phí thi hành án, miễn, giảm thi hành án và bảo đảm tài chính để thi hành án, gồm 9 điều, từ Điều 26 đến Điều 34, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung sau đây: về các chi phí thi hành án và việc xét miễn, giảm chi phí thi hành án; về những trường hợp không thu phí thi hành án dân sự, về mức phí thủ tục thu nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự và về khiếu nại tố cáo về phí thi hành án dân sự; về xác định mức nghĩa vụ cụ thể đương sự đã thi hành để được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước và thủ tục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thi hành án cấp quân khu lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án; về đối tượng, điều kiện bảo đảm tài chính để thi hành án; về thẩm quyền quyết định về bảo đảm tài chính để thi hành án và về thủ tục bảo đảm tài chính để thi hành án.

Chương IV. Điều khoản thi hành, gồm 2 điều, Điều 35 và Điều 36, quy định về hiệu lực thi hành của Nghị định và trách nhiệm thi hành Nghị định.

Song song với việc chỉnh lý dự thảo Nghị định, để chuẩn bị cho các thủ tục tiếp theo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổ Biên tập cũng đã hoàn thành việc xây dựng Dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.

Đối với dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đã yêu cầu Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo, trong đó chú ý rà soát các quy định của các Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thi hành án dân sự hiện hành; cần nghiên cứu kỹ để tránh không bỏ sót những vấn đề bức xúc, cần thiết mà thực tiễn đặt ra. Về những vấn đề chi tiết cần quy định về định giá, bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh cần xác định rõ những thủ tục mà Chấp hành viên, cơ quan thi hành án phải thực hiện đối với loại tài sản đặc thù này, đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổ Biên tập Nghị định này và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ về bán đấu giá tài sản để thống nhất phạm vi quy định vấn đề này tại Nghị định. Tổ Biên tập cũng cần chú ý đến việc hướng dẫn các quy định chuyển tiếp giữa Luật thi hành án dân sự và Pháp lệnh thi hành án dân sự, không chỉ về khiếu nại về thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án mà còn liên quan đến các các thủ tục thi hành án khác có sự thay đổi lớn như về thời hạn tự nguyện thi hành án, về số lần giảm giá và bán đấu giá tài sản...

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đã chỉ đạo Thường trực Tổ Biên tập nhanh chóng hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Nghị định, chuẩn bị báo cáo Bộ trưởng về kết quả soạn thảo và xin ý kiến về việc lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Nghị định. Về thủ tục lấy ý kiến góp ý cho dự thảo, Thứ trưởng yêu cầu Tổ Biên tập chuẩn bị thủ tục để gửi đến các bộ, ngành hữu quan; đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời cần chú ý việc chuẩn bị những gợi ý lấy ý kiến bằng văn bản, kể cả việc tổ chức cuộc họp lấy ý kiến trực tiếp của một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương, sao cho Nghị định quy định được những vấn đề sát với thực tiễn, giải quyết được những bất cập của thực tiễn./.

Lê Kim Dung