Dự thảo Luật Phòng chống Buôn bán người: Tập trung bảo vệ nạn nhân và nhân chứng

09/03/2009
Ngày 5/3, Ban Soạn thảo và tổ biên tập dự thảo Luật Phòng chống buôn bán người (do Bộ Tư pháp chủ trì) đã ra mắt, thảo luận về quy chế hoạt động, kế hoạch hoạt động năm 2009 và một số nội dung cơ bản, cùng lộ trình xây dựng án án Luật Phòng chống buôn bán người (PCBBN).

Giải quyết tốt mối quan hệ với các luật khác

Ông Nguyễn Công Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính – Bộ Tư pháp) cho biết, dự kiến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật PCBBN sẽ giải thích khái niệm BBN và các khái niệm khác có liên quan, qui định nguyên tắc đấu tranh PCBBN, các biện pháp tăng cường hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm BBN, bảo vệ nạn nhân, nhân chứng của tội phạm BBN trong quá trình tố tụng, hồi hương, phục hồi tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân của tội phạm BBN, hợp tác quốc tế trong đấu tranh PCBBN và những vấn đề cần thiết. Luật PCBBN áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tiến hành cũng như tham gia hoạt động PCBBN, nạn nhân, nhân chứng của tội phạm BBN.

Các thành viên Ban soạn thảo nhấn mạnh, khi xây dựng cần đảm bảo sự phân định của Luật PCBBN với các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự… cũng như giải quyết tốt mối quan hệ này. Ông Trần Vi Dân (Vụ Pháp chế - Bộ Công an) cho rằng, tội phạm BBN ngày càng phát triển, phổ biến nhưng cơ quan chức năng lại chưa kiểm soát được. Vì thế, đấu tranh, phòng chống, trừng phạt hành vi BBN là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải định nghĩa được khái niệm BBN, nhất là phải đảm bảo tính tương thích với các qui định của pháp luật quốc tế.

Quan tâm đến các chế tài dân sự

Khi đề cập đến các nhóm chế tài có thể được đưa vào dự thảo Luật này, bà Nguyễn Thị Hồng (TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam) lưu ý đưa nhóm chế tài dân sự là những chế tài chính để giải quyết tận gốc vấn đề của vấn nạn BBN. Theo bà Hồng, có nhiều trường hợp bản thân người phạm tội BBN còn nghèo hơn nạn nhân nên hầu như không có khả năng bồi thường. Pháp luật các nước đang tập trung vào việc giải quyết mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội trong các vụ án BBN, chứ không chỉ quan tâm đến việc trừng phạt. Do đó, bà Hồng đề nghị phải quan tâm đến vấn đề trợ giúp pháp lý và hoà giải khi giải quyết những vụ án BBN. Bên cạnh đó, dự thảo nên tập trung vào nạn nhân, nhất là việc tái hoà nhập cộng đồng của họ với vai trò giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể xã hội (Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên).

Dự thảo Luật sẽ điều chỉnh hành vi BBN nói chung nhưng Phó trưởng ban soạn thảo - Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến nạn nhân là phụ nữ, trẻ em để có chế tài bảo vệ mạnh hơn vì họ là nhóm dễ bị tổn thương. Và muốn phòng chống BBN hiệu quả cần thực hiện liên hoàn 3 nội dung phòng, chống, giải quyết hậu quả bằng các biện pháp hình sự, dân sự, hành chính… Trong đó, giải quyết hậu quả quan trọng nhất là lại trật tự ban đầu đối với cả nạn nhân và người phạm tội…

Dự thảo Luật PCBBNC dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào năm 2010./.

Huy Anh

Bà Dương Thị Xuân – Trưởng ban Luật pháp chính sách (TƯ Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam):

Phải có chính sách cụ thể trong luật PCBBN!

PV: Theo bà phòng BBN như thế nào cho có hiệu quả?

Bà Dương Thị Xuân: Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của BBN là do kinh tế khó khăn, không có việc làm và nhận thức hạn chế (học vấn thấp). Trong những năm qua, công tác tuyên truyền đã được tiến hành để thay đổi nhận thức cho người dân và cộng đồng để toàn xã hội PCBBN. Nhưng khi nào bản thân mỗi phụ nữ tự phòng BBN cho bản thân và gia đình, thì công tác phòng mới đạt hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, việc tuyên truyền còn nhiều khó khăn do tiếng của các dân tộc thiểu số, điều kiện địa lý, đi lại khó khăn, phần lớn nạn nhân bị lừa (đi lao động, đi làm ăn xa…). Thực tế cho thấy, khi tuyên truyền về tiêu chuẩn cho di cư an toàn (phải biết địa chỉ khi cho con em đi làm ăn xa) nhưng người dân vẫn không để ý thực hiện.

PV: Bà thấy rằng dự thảo Luật PCBBN nên là luật khung hay luật chi tiết?

Bà Dương Thị Xuân: Xu thế chung hiện nay là cụ thể hoá ngay trong luật nên dự thảo Luật PCBBN phải có một số chính sách cơ bản, cụ thể để bảo vệ nạn nhân, nhân chứng của tội phạm BBN.

PV: Vấn đề hỗ trợ nạn nhân BBN hồi hương nên được giải quyết như thế nào, thưa bà?

Bà Dương Thị Xuân: Hồi hương và tái hoà nhập cộng đồng cho các nạn nhân (với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế) bằng hình thức cho vay vốn, vận động xây dựng “Mái ấm tình thương”, vận động gia đình chia sẻ đất ở cho các nạn nhân đã bị BB quá lâu... Năm 2008, Hội LHPN đã đưa được 10 nạn nhân hồi hương với sự giúp đỡ của tổ chức phòng ngừa nguy cơ bị buôn bán. Các nạn nhân hồi hương được hỗ trợ vốn ban đầu (3-5 triệu đồng) và đã chứng minh rất hiệu quả. Nếu những người ban đầu chưa có nhà thì đưa về “Ngôi nhà bình yên” (Trung tâm Phụ nữ phát triển – TƯ HLHPN). Vấn đề là cần xác định rõ ai có trách nhiệm hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân đã bị buôn bán sau khi hồi hương. Trước mắt, hội phụ nữ chính quyền địa phương cùng sẽ phải thực hiện trách nhiệm này./.