Kết quả hoạt động phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua

06/03/2009
Báo cáo kết quả công tác phối hợp trong thời gian qua của ngành Tư pháp với ngành Ngân hàng trong buổi làm việc giữa Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (vào ngày 27/02/2009, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho thấy, hoạt động giữa hai ngành tương đối gắn kết, bước đầu đã có sự phối hợp có hiệu quả, thể hiện trên các mặt hoạt động sau:

1. Công tác xây dựng và thi hành pháp luật

a. Chương trình xây dựng pháp luật: Bộ Tư pháp đã soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ năm 2009, và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Theo Bản phân công, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2009) và thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2010) 02 dự luật là Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Riêng dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi thuộc Chương trình chính thức của năm 2009, dự kiến Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, nay đề nghị điều chỉnh để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2010) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2010) để Ngân hàng Nhà nước có thêm thời gian tập trung cho 02 dự luật sửa đổi nêu trên.

 b. Thẩm định dự thảo VBQPPL: Bộ Tư pháp tham gia góp ý, thẩm định các văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tín dụng. Việc góp ý, thẩm định được thực hiện nghiêm túc và đúng thời hạn theo quy định; ngoài ra, Bộ Tư pháp cử cán bộ cấp Vụ, chuyên viên tham gia vào thành phần các tổ công tác liên ngành, Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án luật, pháp lệnh, Nghị định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Ngân hàng nhà nước (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi phần liên quan đến lãi suất), Luật Bảo hiểm tiền gửi, Pháp lệnh Quản lý ngoại hối và các Nghị định hướng dẫn thi hành v..v...).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong công tác phối hợp giữa hai ngành trong lĩnh vực văn bản như sau:

Thứ nhất, hoạt động phối hợp xây dựng pháp luật giữa hai ngành chưa thực sự gắn kết, vẫn còn tình trạng thụ động. Đến nay, Ban soạn thảo, Tổ biên tập của hai dự án Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được thành lập, Bộ Tư pháp đã cử cán bộ tham gia, nhưng đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa nhận được thông tin về quá trình soạn thảo, chỉnh sửa hai dự án Luật này. Do hai dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2009), nên Bộ Tư pháp cần được tham gia góp ý kiến càng sớm càng tốt.

Thứ hai, Một số VBQPPL của Ngân hàng Nhà nước gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý, thẩm định cần theo đúng trình tự, thủ tục (Luật Các công cụ chuyển nhượng không được gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định). Có tình hình là một số VBQPPL (nhất là các văn bản sửa đổi, bổ sung) do Thống đốc NHNN ban hành, nhưng sau khi ban hành không được gửi sang Bộ Tư pháp để Bộ biết và theo dõi, ví dụ như các quyết định ban hành về quy chế cho vay, quy chế bảo lãnh, lãi suất.

c. Kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ Bộ Tư pháp trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản và là một trong những cơ quan có sự quan tâm triển khai tích cực, toàn diện các hoạt động về công tác này; đặc biệt, đối với một số văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, sau khi được Bộ Tư pháp thông báo, NHNN đã tiến hành tự kiểm tra, xử lý kịp thời, theo đúng quy định.

Công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý VBQPPL: Ngân hàng Nhà nước đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tổ chức triển khai có hiệu quả các đợt tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra văn bản và cộng tác viên.

Công tác rà soát: Ngân hàng Nhà nước được chọn làm cơ quan thực hiện thí điểm tổng rà soát VBQPPL; Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, do có khó khăn trong quá trình triển khai nên Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn xin rút làm thí điểm để tập trung phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết vấn đề kiềm chế lạm phát.

d. Cấp ý kiến pháp lý: Bộ Tư pháp đã phối hợp tương đối chặt chẽ, và có ý kiến pháp lý kịp thời, phù hợp tiến trình giải ngân của khoản vay, đối với các Hiệp định vay giữa Việt Nam với WB, ADB liên quan đến Chương trình xoá đói giảm nghèo, Chương trình hiện đại hoá ngành thuế, đất đai; Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Chẳng hạn, năm 2008, Bộ Tư pháp đã cấp ý kiến pháp lý cho 62 thoả thuận vay, trong đó có các thoả thuận vay do Ngân hàng Nhà nước đề xuất.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thời gian Ngân hàng Nhà nước đề nghị cấp ý kiến pháp lý cho bên cho vay là quá ngắn, có khi chỉ 1-3 ngày đối với các dự án vay WB, ADB; hồ sơ, tài liệu gửi đến Bộ Tư pháp đôi khi chưa được bảo đảm theo quy định, chưa đầy đủ (thiếu các văn bản nội bộ liên quan).

e. Phổ biến, giáo dục pháp luật

         Công tác PBGDPL của Chính phủ: Đây là công tác được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước quan tâm. Hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành Ngân hàng tương đối mạnh; đã hình thành mối quan hệ phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp với NHNN, giữa Vụ PBGDPL của Bộ Tư pháp với Vụ Pháp chế của NHNN.

Công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật: Bộ Tư pháp phối hợp với NHNN thực hiện các thủ tục cần thiết để cấp thẻ báo cáo viên pháp luật cho những cán bộ của ngành Ngân hàng (15 đồng chí); các cán bộ pháp chế NHNN tham gia tích cực các  hoạt động tập huấn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp. Có thể nói, bước đầu ngành Ngân hàng và ngành Tư pháp đã có sự phối hợp có hiệu quả trong công tác PBGDPL.

f. Đăng ký giao dịch bảo đảm

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: NHNN Việt Nam đã cử cán bộ tham gia vào Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng các văn bản như hai dự án luật Luật Đăng ký bất động sản và Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Thông tư Liên tịch số 05/2007/TTLT-BTP-BXD-BTNMT-NHNN ngày 21/5/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp nhà ở; đóng góp ý kiến chỉnh lý các Nghị định về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm (Nghị định số 08/2000/NĐ-CP, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) và các Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký GDBĐ.

Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ: Bộ Tư pháp đã chú trọng công tác hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thông qua việc phối hợp với các Vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước (Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tiền tệ, Hiệp hội Ngân hàng) kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ của các tổ chức tín dụng trên phạm vi cả nước.

Đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm: Về phía các tổ chức tín dụng, lượng đơn yêu cầu đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin về GDBĐ bằng động sản tăng nhanh; hiện có 1975 tổ chức tín dụng là khách hàng thường xuyên của Cục ĐKGDBĐ, Bộ Tư pháp. Về phía Trung tâm đăng ký, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong việc đăng ký thông qua việc giải quyết đơn yêu cầu đăng ký trong ngày, đảm bảo được tính kịp thời của việc công khai hóa giao dịch và tra cứu thông tin.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sự phối hợp công tác còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Một là, số lượng đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin tăng đáng kể, tuy nhiên, con số này còn thấp so với số lượng GDBĐ diễn ra trên thực tế, tuy ngành Ngân hàng đã quan tâm, tổ chức những đợt kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất về vấn đề này. Hai là, quá trình thực hiện đăng ký GDBĐ tại các Trung tâm đăng ký, mặc dù đã được tập huấn và hướng dẫn nhiều lần nhưng cán bộ tín dụng còn mắc phải nhiều sai sót khi kê khai đơn yêu cầu đăng ký, đơn yêu cầu cung cấp thông tin. Điều này dẫn đến tình trạng cơ quan đăng ký phải nhiều lần từ chối việc đăng ký. Những bất cập, vướng mắc nêu trên xuất phát chủ yếu từ một số nguyên nhân như sự phối hợp giữa hai ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn chưa được rộng khắp các vùng, miền; một số cán bộ tín dụng còn chưa nắm vững hoặc hiểu chưa đúng về các quy định pháp luật giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm; việc thực hiện đăng ký của một số tổ chức tín dụng chưa được triệt để; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đăng ký GDBĐ của NHNN đối với các tổ chức tín dụng chưa thực sự thường xuyên, kịp thời. Việc phối hợp trong việc ủng hộ 02 dự án Luật đăng ký có lúc chưa đồng bộ, dẫn đến việc UBTVQH chưa quyết định cho báo cáo Quốc hội. 

g. Hoạt động công chứng: Hàng năm ngành Ngân hàng tổ chức các lớp tập huấn pháp luật về công chứng liên quan đến hoạt động ngân hàng. Nhiều địa phương, ngân hàng đã chủ động tổ chức lớp tập huấn về luật công chứng và các văn bản liên quan để cán bộ các ngân hàng hiểu rõ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật công chứng. Bộ Tư pháp tổ chức một số cuộc tọa đàm để trao đổi về những vướng mắc giữa công chứng và ngân hàng và bàn biện pháp tháo gỡ. Sau những cuộc tọa đàm đó, Bộ Tư pháp đều có công văn hướng dẫn, chỉ đạo các phòng công chứng.

Tuy vậy, quan hệ phối hợp giữa công chứng và ngân hàng trong những năm qua còn một số hạn chế, tồn tại. Một là, nhận thức về vai trò của công chứng chưa thống nhất, một số ý kiến cho rằng thủ tục công chứng phiền hà, gây tốn kém cho ngân hàng. Hai là, phối hợp chưa thực sự thường xuyên, chưa có kế hoạch toàn diện ở cấp độ ngành nên thiếu sự chủ động của hai bên. Ba là, một số vướng mắc phát sinh chỉ mới được giải quyết ở bề nổi, chưa giải quyết tận gốc và đồng bộ về cả hai phía ngân hàng và công chứng.

h. Hợp tác quốc tế: Bộ Tư pháp tích cực tham gia đàm phán xây dựng các hành động chính sách thuộc Chương trình tín dụng xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam (PRSC) do NHNN làm đầu mới cùng Ngân  hàng thế giới và các nhà tài trợ khác; tham gia các đoàn đàm phán Chính phủ về vấn đề này.

2. Công tác củng cố và kiện toàn tổ chức pháp chế

Theo quy định tại Nghị định 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác pháp chế trong phạm vi cả nước. Trong số các tổ chức pháp chế của các bộ, ngành nói chung thì Pháp chế NHNN là một trong những đơn vị được Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm. Năm 2006, Bộ Tư pháp đã phối hợp với NHNN tổ chức Hội nghị pháp chế bộ, ngành tại Đà Nẵng giới thiệu các nội dung pháp luật quan trọng như Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật Công cụ chuyển nhượng; trao đổi kinh nghiệm tổ chức và hoạt động pháp chế của các ngân hàng. 

          Trong những năm qua, có thể thấy Pháp chế NHNN đã hoạt động tương đối có hiệu quả, là một trong những đơn vị mạnh cả về số lượng cán bộ và chất lượng công tác (25 cán bộ với 92% là đại học luật, trong đó có 10 thạc sỹ; 03 phòng chức năng). Tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước đều có tổ chức pháp chế. Năm 2008, 06 đồng chí (trong đó có 2 đồng chí là Phó Thống đốc) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được Bộ Tư pháp trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp vì đã có cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp tư pháp.

Với những chức năng và nhiệm vụ hiện nay, vai trò, vị trí pháp chế của ngành Ngân hàng ngày càng được đề cao. Bộ Tư pháp đánh giá cao những thành tích của Pháp chế NHNN trong các hoạt động pháp luật trong thời gian qua.

Đỗ Thanh Hương