Hội thảo trao đổi, thảo luận về dự thảo sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp

21/06/2015
Hội thảo trao đổi, thảo luận về dự thảo sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra  văn bản quy phạm pháp
Nhằm giúp các cơ quan, người làm công tác kiểm tra văn bản nâng cao nghiệp vụ, kiến thức và hiệu quả công tác kiểm tra, Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp biên soạn cuốn “Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật”. Để hoàn thiện dự thảo Sổ tay, ngày 10/6/2015 Cục Kiểm tra văn bản đã tổ chức Hội thảo trao đổi, thảo luận về dự thảo Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của bà Mạc Thị Hoa - Phó Cục trưởng phục trách Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp và ông Isabeau Vilandre - Giám đốc Văn phòng dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam (National Legislative Development Project), cùng sự tham gia, góp ý của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm tra văn bản QPPL và đại diện một số Bộ, ngành, địa phương.

Tại Hội thảo, Ông Phạm Văn Dũng - Trưởng phòng Kiểm tra văn bản, Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp tóm tắt bố cục, nội dung dự thảo Sổ tay gồm 04 phần chính: Những vấn đề chung về kiểm tra văn bản QPPL; Hoạt động tự kiểm tra văn bản; Kiểm tra và xử lý văn bản theo thẩm quyền; Quản lý nhà nước và các điều kiện bảo đảm trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

Tham dự cuộc Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu của các đơn vị, Bộ, ngành, địa phương đã tham gia góp ý sôi nổi với những ý kiến và phản hồi, đóng góp tích cực. Các đại biểu đánh giá cao dự thảo Sổ tay, tin rằng Sổ tay sẽ là “Cẩm nang” nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác kiểm tra văn bản và là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại các trường đại học, các cơ sở giáo dục có đào tạo, giảng dạy chuyên ngành luật. Các chuyên gia (T.S Đoàn Tố Uyên, Th.s Trần Thị Thu Thủy) cũng đã có những tham luận chuyên sâu về dự thảo Sổ tay, T.S Đoàn Tố Uyên phân tích vai trò của hoạt động kiểm tra văn bản, quá trình phát triển của pháp luật về kiểm tra văn bản và góp ý trong Sổ tay “cần đưa thêm định nghĩa thế nào là văn bản quy phạm pháp luật”.

Về ý kiến góp ý, đại biểu của Đại học Luật Hà Nội cho rằng Sổ tay cần tách hai hoạt động kiểm tra, xử lý và nên chỉnh lý lại tên Sổ tay cho phù hợp với nội dung được đề cập. Đại biểu Pháp chế Đài truyền hình Việt Nam và đại biểu một số địa phương cho rằng cần “bổ sung thêm tình huống thực tiễn mà Cục đã kiểm tra, xử lý vào các câu hỏi” để thuận tiện hơn cho việc tham khảo. Ngoài ra đại biểu tỉnh Nam Định, Hà Tĩnh góp ý nên bổ sung trình tự thủ tục kiểm tra, xử lý ở địa phương khi phát hiện văn bản trái pháp luật…

Kiểm tra văn bản QPPL là một nhiệm vụ phức tạp, mang tính chuyên môn, nghiệp vụ cao, được thực hiện thường xuyên, kịp thời nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật để xử lý bằng hình thức: đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ hoặc bãi bỏ văn bản sai trái, đính chính văn bản nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cuốn Sổ tay do được biên soạn lần đầu, có thể không tránh khỏi những thiếu sót và cần nhận được những góp ý hoàn thiện. Cục Kiểm tra văn bản đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tại Hội thảo và sẽ nghiên cứu, tiếp thu nhằm hoàn thiện cuốn cẩm nang nghiệp vụ này./.

 


Tâm Phạm

Phòng Kiểm tra văn bản QPPL - Cục Kiểm tra văn bản QPPL