Mục đích của cuộc khảo sát nhằm đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc tổ chức triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trong đó tập trung vào việc kiện toàn tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức pháp chế; khảo sát những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan những điểm còn hạn chế, bất cập của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc; tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới.
Sau hơn ba năm triển khai thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ, công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương đạt được nhiều kết quả, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành và địa phương, cụ thể là: UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập được 17 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý với 33 người làm công tác pháp chế. Về chất lượng, hầu hết người làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đều có trình độ đại học luật, thạc sĩ luật hoặc trình độ đại học chuyên ngành khác. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã bước đầu được đào tạo, tập huấn, chất lượng từng bước được nâng cao; Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam có 3 cơ quan thành lập được Phòng Pháp chế tại các Sở chuyên môn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn về chỉ tiêu biên chế nên để đảm bảo thực hiện công tác pháp chế, các cơ quan, đơn vị đã bố trí người làm công tác pháp chế thực hiện, chủ yếu giao cho Văn phòng hoặc Thanh tra (Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên). Về tổ chức pháp chế ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo có 19 người, có trình độ Đại học trở lên; có 18/63 Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập Phòng Pháp chế và 381/414 trường đại học, cao đẳng có bố trí người làm công tác pháp chế kiêm nhiệm hoặc chuyên trách và một số trường đã thành lập Phòng Pháp chế (Đại học Huế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân…). Việc thành lập tổ chức pháp chế ở Bộ Công Thương cũng được thực hiện một cách bài bản: thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ, bên cạnh đó, ở một số Cục, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ cũng đã thành lập Phòng hoặc Ban Pháp chế, với đội ngũ người làm công tác pháp chế kiêm nhiệm hoặc chuyên trách.
Tại các buổi làm việc, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác pháp chế trong thời gian qua, công tác pháp chế nói chung ở các Bộ, ngành, địa phương còn có một số khó khăn, vướng mắc như sau: nhận thức về vị trí, vai trò của công tác pháp chế ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; chất lượng công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành và địa phương ở một số hoạt động có lúc, có nơi còn hạn chế; trình độ năng lực của người làm công tác pháp chế ở một số Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, cán bộ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ; bất cập về thể chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành nên các Bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong quá trình thực hiện); chưa có chế độ, chính sách ưu đãi thu hút người làm công tác pháp chế…, vì vậy, công tác pháp chế có lúc, có nơi còn chưa đi vào thực chất, hiệu quả.
Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, đại diện Đoàn khảo sát đã tổng hợp ý kiến của các đại biểu, trên cơ sở đó đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đến công tác pháp chế. Đối với các Bộ, ngành đề nghị Vụ Pháp chế tham mưu cho lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm đến công tác pháp chế, tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ với Bộ Tư pháp trong công tác pháp chế nói chung và các mặt lĩnh vực công tác khác nói riêng. Đối với các địa phương, Đoàn khảo sát đề nghị, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, bố trí nguồn lực cần thiết cho công tác pháp chế, đặc biệt, trong bối cảnh chung thực hiện chủ trương về tinh giản biên chế như hiện nay, đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí, sắp xếp điều chuyển biên chế trong tổng số biên chế hiện có ở địa phương làm công tác pháp chế tại các Sở, ngành theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.
Bình luận về nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia của Dự án Jica, Nhật Bản cho rằng, các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP giữa các Bộ, ngành, địa phương mà Đoàn đến khảo sát là khá tương đồng. Các chuyên gia nhận xét, khi một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thì văn bản đó cần phải đi vào cuộc sống, tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP hiện nay là còn nhiều bất cập, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc khó khăn về việc bố trí biên chế. Đại diện dự án Jica Nhật Bản cho rằng, cuộc khảo sát là cơ hội quý báu để các Bộ, ngành, địa phương đóng góp ý kiến để Bộ Tư pháp cùng với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho hợp lý, phù hợp và đảm bảo tính khả thi trên thực tế./.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật