Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp phối hợp cùng doanh nghiệp Hội viên tổ chức Hội thảo: Thực trạng và giải pháp ngăn chặn tình trạng chiết nạp lậu Gas tại Việt Nam

10/02/2009
Hiện nay, tình trạng chiết nạp Gas lậu trên thị trường của một số tổ chức, cá nhân đang diễn biến một cách phức tạp. Hành vi bất hợp pháp này thường diễn ra dưới hình thức sản xuất hàng giả, cụ thể là các tổ chức, cá nhân không phải là chủ các nhãn hiệu Gas được nhà nước bảo hộ đã tự ý nhập khẩu Gas về và tổ chức chiết nạp trái phép (bằng các thủ đoạn: rút bớt trọng lượng, tẩy xóa nhãn hiệu, thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật vỏ bình...) vào các bình Gas của các thương hiệu nổi tiếng như Hồng Hà Gas, Shell Gas... rồi bán ra thị trường.

Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật Hình sự (sản xuất buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); vi phạm Luật Cạnh tranh mà đặc biệt đang gây thiệt hại trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như uy tín của các đơn vị kinh doanh Gas chân chính. Thống kê sơ bộ hiện tại cả nước có khoảng trên 70 doanh nghiệp lớn nhỏ thuộc các thành phần tham gia kinh doanh gas trên thị trường nội địa với hơn 5.000 đại lý kinh doanh gas; riêng trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng 800 đại lý; Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.500 đại lý. Trong số đó có 40 Công ty đăng ký nhãn hiệu bình Gas và phần lớn là thành viên của Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp. Trong năm 2007, theo số liệu Cơ quan điều tra cho thấy có tới  30% số vỏ bình Gas trên thị trường là giả nhãn hiệu, cùng lúc đó các Công ty kinh doanh Gas cho biết dù rất cố gắng nhưng chỉ thu về được từ 60 - 70 số bình Gas đến hạn kiểm định. Hậu quả là trong năm 2007, trên cả nước xảy ra 2.000 vụ nổ gas, làm chết 60 người. Báo cáo của các địa phương từ đầu năm 2008 đến nay cho thấy, cả nước đã xảy ra 42 vụ cháy, nổ gas, thiệt hại về tài sản trên 2 tỷ đồng. Hoạt động chiết nạp Gas lậu cũng khiến Nhà nước thất thu 80 tỷ đồng tiền thuế hàng năm.

Trước thực trạng trên, ngày 12/11/2008 vừa qua, Cục quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương phối hợp với Báo Vietnam Economic News tổ chức diễn đàn “Cộng đồng doanh nghiệp Gas hướng tới môi trường cạnh tranh lành mạnh” tại Hà Nội. Tuy nhiên, trọng tâm của cuộc hội thảo phần lớn bàn về chính sách xuất nhập khẩu Gas và điều tiết thị trường phân phối, còn vấn nạn chiết nạp lậu Gas và các giải pháp ngăn chặn thì chưa được thảo luận một cách thỏa đáng. Đặc biệt, kể từ sau khi cuộc tọa đàm trên được tổ chức cho đến nay, các hoạt động chiết nạp lậu Gas vẫn diễn ra công khai, thách thức các cơ quan quản lý trong khi các cơ quan chức năng chưa có giải pháp thỏa đáng nào hạn chế tình trạng nêu trên.

Với mong muốn góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp là Hội viên của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp và doanh nghiệp kinh doanh Gas trong nước. Ngày 24 tháng 2 năm 2009, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp - Bộ Tư pháp sẽ phối hợp cùng Công ty luật hợp danh Bross và Cộng sự là Hội viên của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đồng tổ chức buổi hội thảo bàn về thực trạng chiết nạp lậu Gas trên thị trường hiện nay, từ đó tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Đây cũng là dịp để Bộ Tư pháp thu thập thông tin phục vụ cho “công tác xây dựng và thi hành pháp luật” theo chức năng mới được Chính phủ giao trong Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và theo tinh thần được nêu trong Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác năm 2009 của Ngành Tư pháp.

N.C