Bộ Tư pháp tổ chức toạ đàm về giới thiệu Luật Thi hành án dân sự 2008

18/12/2008
Để giới thiệu những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật thi hành án dân sự 2008 và góp ý cho việc xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự nhằm đảm bảo ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2009) sẽ sớm đi vào thực tiễn, trong hai ngày 18, 19 tháng 12 năm 2008, Bộ Tư pháp đã phối hợp với tổ chức Jica (Nhật Bản) tổ chức toạ đàm về "Giới thiệu Luật thi hành án dân sự Việt Nam".
 

Tham gia toạ đàm, ngoài ban tổ chức và các chuyên gia dài hạn của Dự án Jica, có các đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành Trung ương như: đại diện TANDTC, VKSNDTC, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp và đại diện một số các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Nội dung toạ đàm tập trung vào các vấn đề cơ bản như: giới thiệu những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật thi hành án dân sự 2008; bình luận các nội dung của Luật thi hành án dân sự và đề xuất các vấn đề cần có hướng dẫn cụ thể; một số kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc triển khai thi hành một đạo luật; giới thiệu những nội dung của Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết về việc thi hành Luật thi hành án dân sự; những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn công tác thi hành án dân sự, v.v...

Có thể nói Luật thi hành án dân sự 2008 được Quốc hội khoá XII, tại kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009 là văn bản pháp luật có số lượng điều khoản khá đồ sộ gồm 9 chương, 183 Điều đã khắc phục được về cơ bản những hạn chế của Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004, với nhiều quy định mới quan trọng cả về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự đến quy trình, thủ tục thi hành án. Những nội dung cơ bản được đề cập đến trong các tham luận về giới thiệu và lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia toạ đàm, bao gồm:

1. Những điểm mới cơ bản của Luật thi hành án dân sự 2008 như: Trên cơ sở kế thừa những quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 và phù hợp với thực tiễn thi hành án dân sự ở Việt Nam trong tình hình mới, Luật thi hành án dân sự 2008 đã có nhiều quy định mới quan trọng như: về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự; ngạch, thi tuyển, nhiệm kỳ bổ nhiệm Chấp hành viên; thời hiệu yêu cầu thi hành án; về điều kiện xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; các biện pháp bảo đảm thi hành án, v.v...

2. Những quy định của Luật thi hành án dân sự cần có hướng dẫn cụ thể: Luật thi hành án dân sự về cơ bản đã quy định đầy đủ về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, tuy nhiên vẫn cần nhiều quy định phải có văn bản hướng dẫn cụ thể như: nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự, tên gọi, cơ cấu, tổ chức cụ thể của cơ quan thi hành án dân sự; trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên; tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án trong quân đội; trang phục, phù hiệu, tiền lương, chế độ phụ cấp và các chế độ ưu đãi khác của Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự; mức phí thi hành án dân sự, thủ tục thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự; tổ chức thực hiện thí điểm Thừa phát lại; ,v.v...

3. Những đóng góp, bình luận từ phía các chuyên gia của tổ chức Jica về Luật thi hành án dân sự của Việt Nam và kinh nghiệm của Nhật Bản như: khó khăn và nguyên nhân trong thi hành án dân sự tại Việt Nam; tổ chức thi hành án dân sự, nghĩa là cân bằng giữa động cơ của Chấp hành viên và sự công bằng của việc thi hành; phát triển cơ chế xác định rõ bản án; biện pháp đảm bảo thi hành án và cưỡng chế thi hành án; sự phân biệt giữa khiếu nại và khởi kiện về thi hành án dân sự; ngăn chặn việc tạm đình chỉ/ hoãn thi hành khi chưa đến hạn; khai thác tài sản kê biên; thủ tục phân phát khoản tiền có được giữa các chủ nợ cạnh tranh, v.v...

Toạ đàm về giới thiệu Luật thi hành án dân sự 2008 là cơ hội bổ ích nhằm từng bước tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu những nội dung của Luật thi hành án dân sự đến đông đảo các cơ quan làm công tác thực tiễn thi hành án dân sự, của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đặc biệt là để tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia của Dự án Jica và những người làm công tác thực tiễn thi hành án để việc ban hành những văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự trong thời gian tới được kịp thời, khách quan, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi của Luật thi hành án dân sự sau khi có hiệu lực thi hành./.

Th.s Nguyễn Văn Nghĩa - Cục THADS - BTP