Tại Nghệ An, ngày 05/12/2008 Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức hội thảo đánh giá công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các địa phương khu vực miền Trung sau gần 01 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT/BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/ 2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao.
Tham dự hội thảo có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và uỷ viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (đại diện lãnh đạo: Sở tư pháp, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung); đại diện cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện và các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh Nghệ An; cán bộ, công chức thuộc Cục Trợ giúp pháp lý. Đồng chí Tạ Thị Minh Lý - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Ủy viên Hội đồng phối hợp liên ngành ở Trung ương khai mạc và chủ trì hội thảo.
Sau khi Hội thảo nghe dự thảo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 10 do đồng chí Cù Thu Anh - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý trình bày, đồng chí Tạ Thị Minh Lý đã gợi ý một số nội đung trọng tâm cần thảo luận như: các hoạt động thuộc nội dung Thông tư theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã thực hiện được; số vụ việc hình sự, dân sự, hành chính đã có sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên theo từng giai đoạn; cơ chế thông tin và phối hợp cụ thể, cơ chế thống kê của thành viên; các khó khăn vướng mắc về thể chế và vận dụng các văn bản; vấn đề sao chụp tài liệu và cấp giấy tham gia tố tụng... Đại diện cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã đóng góp ý kiến rất sôi nổi cho dự thảo báo cáo, thảo luận về các vấn đề được gợi ý, về sự phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương trong thời gian 1 năm qua. Các đại biểu cho rằng, mặc dù hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý mới chỉ được hơn 1 năm nhưng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: số lượng bị can, bị cáo đã được cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý để được cử luật sư cộng tác viên hoặc Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ngày càng tăng; hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý qua việc đặt Bảng thông tin, hộp tin trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân của cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã giúp bị can, bị cáo và người thân của họ biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý; người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng đã được tiếp cận, quán triệt về Luật TGPL và Thông tư 10 nên được nâng cao nhận thức, có ý thức đúng đắn về hoạt động trợ giúp pháp lý cũng như vai trò của trợ giúp pháp lý trong đời sống xã hội nói chung và trong hoạt động tố tụng nói riêng. Trong nhiều trường hợp, khi giải thích cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng thì người tiến hành tố tụng đã giải thích cho họ về quyền được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý. Việc cấp giấy tham gia tố tụng, thông báo lịch xét hỏi và lịch xét xử đã kịp thời hơn...
Để hoạt động phối hợp tốt hơn, các đại biểu đề nghị cần tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên và trợ giúp viên phap lý để phát huy vai trò của luật sư cộng tác viên, bởi vẫn còn có một số luật sư trình độ còn yếu, ý thức bảo vệ công lý chưa cao. Nhiều Luật sư khi tham gia tố tụng để bào chữa cho đối tượng trợ giúp pháp lý chưa làm hết trách nhiệm như khi bào chữa cho khách hàng là thân chủ của mình; chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, bản bào chữa còn sơ sài, chưa nêu và phân tích được các tình tiết giảm nhẹ để gỡ tội cho bị cáo. Kiến nghị sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự giao cơ quan điều tra có quyền yêu cầu Trung tâm cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên bào chữa trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự (bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự; bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất...) khi họ đồng ý điền đơn. Bổ sung Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa tại khoản 1 Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự.Đề nghị điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được phân công thụ lý án được cấp giấy tham gia tố tụng; biểu mẫu các hoạt động tố tụng thống nhất, đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, thuận lợi cho người tiến hành tố tụng. Định kỳ hàng quý, sáu tháng, năm: Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành yêu cầu thành viên Hội đồng báo cáo chất lượng của Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, người tiến hành tố tụng đã tham gia các vụ việc trợ giúp pháp lý để có thể đánh giá được chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, chất lượng tham gia phối hợp. Cục Trợ giúp pháp lý cần thường xuyên tổ chức tập huấn về trợ giúp pháp lý cho người tiến hành tố tụng và Luật sư; tổ chức hội thảo về các chuyên đề tham gia tố tụng trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính... để tăng số vụ việc được trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực này. Cộ công an, Viện kiểm sát, tòa án tối cao cần có công văn chỉ dạo theo ngành dọc để thống nhất các hoạt động, đông thời liên ngành cần hướng dẫn về vấn đề cán bộ của các ngành tố tụng tham gia cộng tác viên.
Vũ Hồng Tuyến - Cục Trợ giúp pháp lý