Cục Trợ giúp pháp lý và các nhà tài trợ đến thăm và làm việc với Trung tâm TGPL thành phố Hồ Chí Minh

17/10/2008
Cục Trợ giúp pháp lý và các nhà tài trợ đến thăm và làm việc với Trung tâm TGPL thành phố Hồ Chí Minh
Thực hiện kế hoạch của Dự án hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam, giai đoạn 2005-2009 trong 2 ngày 14/10 và 15/10/2008, Cục Trợ giúp pháp lý phối hợp với các nhà tài trợ đến thăm và làm việc với Trung tâm TGPL thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phần của đoàn: về phía các nhà tài trợ có Bà Elsa Hastad, Bí thư thứ nhất Sứ quán Thuỵ Điển, Ông Đỗ Quang Huy - Cán bộ Chương trình Dự án Sida; Ông Conilleau Jerome - Quản lý chương trình Dự án SCS, Ông Nguyễn Thành Hội - cán bộ Chương trình Dự án SCS; Bà Nguyễn Thu Thuỷ - Trưởng phòng Tài chính quản trị của SDC. Về phía Cục Trợ giúp pháp lý có Ông Vũ Hồng Tuyến - Phó Trưởng phòng Hành chính - tổng hợp. Về phía Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có Ông Hà Phước Tài: Phó Giám đốc Sở Tư pháp kiêm Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý, 02 Phó Giám đốc Trung tâm, 01 Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên là các Luật sư; tiếp xúc với 2 đối tượng đã được trợ giúp pháp lý; tham dự buổi trợ giúp pháp lý lưu động của Trung tâm trợ giúp pháp lý tại Trung tâm giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 10 biên chế. Hiện nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, cán bộ của Trung tâm, theo đó Trung tâm có 30 biên chế, 3 Chi nhánh tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè. Trung tâm ký hợp đồng với 838 cộng tác viên là cán bộ, công chức các cơ quan tại Thành phố, Luật sư, luật gia… Trong quý II/2008, Trung tâm đã thực hiện được 3.895 vụ việc cho 3.918 đối tượng, trong số các vụ việc đã thực hiện thì chủ yếu là tư vấn (3771 vụ), bào chữa (124 vụ)… Các vụ bào chữa chủ yếu do Luật sư là cộng tác viên thực hiện vì hiện nay, Trung tâm mới có 01 Trợ giúp viên pháp lý.

Theo báo cáo của Trung tâm, vụ việc các năm gần đây (2007, 6 tháng 2008) có giảm so với các năm trước. Số liệu vụ việc giảm không phải là do nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân giảm mà nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân là rất lớn. Nguyên nhân giảm là do Luật TGPL có hiệu lực từ 1/1/2007 quy định về đối tượng trợ giúp pháp lý rất cụ thể, chính xác hơn, thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, thanh toán vụ việc cũng chặt chẽ hơn nên khi người dân đến mà không đủ thủ tục thì cộng tác viên không ghi vào sổ nên không được tính là 1 vụ việc. Các vụ việc trợ giúp pháp lý hiện nay là đúng luật, lập hồ sơ theo đúng trình tự. Những người đến Trung tâm mà không thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì Trung tâm giới thiệu họ lựa chọn Văn phòng Luật sư hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị xã hội… Trung tâm thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng rất chặt chẽ vì theo Luật TGPL, đối tượng có quyền rút yêu cầu trợ giúp pháp lý, thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý, kiện ra toà nếu gây thiệt hại cho đối tượng. Luật TGPL thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng v Nhà nước trong việc bảo vệ những người yếu thế, trẻ em, người dân tộc thiểu số và những đối tượng khác. Đối tượng đến đề nghị trợ giúp pháp lý về những lĩnh vực pháp luật khác nhau như: dân sự, đất đai, nhà, thừa kế… Phần lớn vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em là về lĩnh vực pháp luật hình sự, tố tụng hình sự (9 tháng 2008: Trung tâm đã thực hiện được 332 vụ việc bào chữa cho trẻ em, chiếm khoảng 2/3 số vụ việc tham gia tố tụng).

Trung tâm cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng của Thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp về trợ giúp pháp lý cho trẻ em: khi có trẻ em vi phạm thì cơ quan tố tụng giới thiệu cho Trung tâm từ giai đoạn tạm giam, tạm giữ hoặc khởi tố vụ án. Trung tâm cử Luật sư là cộng tác viên bằng hình thức ra quyết định cử Luật sư tham gia tố tụng từ khi tham gia khởi tố cho đến khi kết thúc vụ án, kể cả vụ án sang giai đoạn xét xử phúc thẩm. Nhiều vụ việc trẻ em bị nhục hình hoặc bị đối xử dã man trên báo, đài … Trung tâm cử Luật sư đi tìm hiểu vụ việc, đến gặp em, gia đình em bị xâm phạm, tiếp xúc với trường học, cơ quan tố tụng để có biện pháp giúp đỡ em. Trung tâm trợ giúp pháp lý phối hợp các Trung tâm có trẻ em bị khuyết tật như Trung tâm giáo dục thiếu niên… trên địa bàn thành phố để có kế hoạch giúp đỡ cho họ vì những Trung tâm này không có điều kiện bảo vệ về mặt pháp lý cho các em như vấn đề hộ khẩu, giấy khai sinh...

Liên quan đến vấn đề giới: Trung tâm có cộng tác viên là các Luật sư nữ. Hiện Trung tâm đang đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm 1 Phó Giám đốc Trung tâm là nữ. Phụ nữ yêu cầu trợ giúp pháp lý, Trung tâm sẽ bố trí chuyên viên nữ tiếp họ. Trung tâm thực hiện phát tờ gấp liên quan quyền của phụ nữ, tổ chức tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động… Số vụ việc được trợ giúp pháp lý cho nam giới nhiều hơn nữ giới nhưng cũng không chênh lệch nhiều lắm, nguyên nhân là xuất phát từ tập quán, phong tục của người Việt ở phía Nam, đàn ông là trụ cột, do vậy vấn đề pháp lý dành cho những người đàn ông trong gia đình thực hiện. Trường hợp pháp luật quy định đích danh chính chủ là nữ giới thì phụ nữ mới đến Trung tâm xin trợ giúp pháp lý. Ở thành phố Hồ Chí Minh vấn đề bạo hành trong gia đình cũng có nhưng số người đến yêu cầu trợ giúp pháp lý tại Trung tâm chưa nhiều. Nguyên nhân: do phong tục tập quán, do người phụ nữ cam chịu tốt.

Về vấn đề nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng tác viên của Trung tâm: Năm 2008, Trung tâm tổ chức tập huấn về Luật TGPL, quy trình, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho chuyên viên, cộng tác viên; một số lớp tập huấn do Cục mở, Trung tâm cũng cử cán bộ tham dự. Năm 2008, Trung tâm tổ chức 3 lớp tập huấn cho cộng tác viên giới thiệu về Luật TGPL, quy trình, kỹ năng trợ giúp pháp lý. Trung tâm không tập huấn theo 1 kỹ năng riêng cho trẻ em mà trong phần giới thiệu về quy trình trợ giúp pháp lý chung, có phần giới thiệu về kỹ năng trợ giúp pháp lý trẻ em.

Tại buổi làm việc tại Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, đoàn đã tiếp xúc với 2 đối tượng đã được trợ giúp pháp lý là: Đào Vũ Long, 18 tuổi, làm công nhân may quần áo liên quan trộm cắp dây điện (tội phá hoại công trình an ninh quốc gia), đã xét xử 2 năm tù treo; Nguyễn Thị Thuỳ Linh, 17 tuổi, thợ cắt tóc phạm tội chiếu băng đĩa không lành mạnh (tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ), đã xét xử 6 tháng tù treo. Khi bị bắt giữ Long rất sợ, không biết là mình phạm tội. Sau nửa tháng mới được gặp Luật sư. Linh: bị bắt cũng rất sợ, biết mình phạm tội.Các đối tượng cho biết mình được Trung tâm cử Luật sư giúp đỡ (cơ quan điều tra thông báo đến Trung tâm và Trung tâm cử Luật sư bào chữa). Sau khi Luật sư giúp đỡ và làm việc với cơ quan điều tra, các đối tượng không bị áp dụng hình thức tạm giam mà  được tại ngoại. Đối tượng đều nhận thấy Luật sư giúp đỡ nhiệt tình, quan tâm, hỏi han và đã giúp các em bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tham gia buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại Trung tâm giáo dục, dạy nghề thiếu niên thành phố, Đoàn đã làm việc với lãnh đạo Trung tâm, quan sát trình tự thực hiện buổi lưu động và trực tiếp nghe Luật sư, chuyên viên của Trung tâm tư vấn cho các đối tượng. Phần lớn đối tượng được trợ giúp pháp lý ở đây là các trẻ em. Những vấn đề mà các em yêu cầu trợ giúp pháp lý chủ yếu liên quan đến vấn đề hộ tịch, làm giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, quyền của trẻ em… Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tiến hành phổ biến pháp luật về hộ tịch, quyền của trẻ em cho hơn 70 trẻ em, trong đó đã thực hiện tư vấn cho 38 trẻ em.

Khó khăn, vướng mắc hiện nay của Trung tâm là hiện nay trụ sở chật hẹp, Trung tâm chưa có Giám đốc chuyên trách (Giám đốc Trung tâm hiện nay do Phó Giám đốc Sở Tư pháp kiêm nhiệm), số lượng Trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế (1 người), Trợ giúp viên pháp lý chưa có điều kiện tham gia tố tụng…

Vũ Hồng Anh - Cục Trợ giúp pháp lý