Công tác thanh tra 9 tháng đầu năm của Thanh tra Bộ Tư pháp

15/10/2008
Công tác thanh tra 9 tháng trong năm 2008 của Thanh tra Bộ Tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực và đã hoàn thành nhiều cuộc thanh tra giải quyết khiếu nại đột xuất, giải quyết cơ bản các vụ việc bức xúc, nổi cộm, kéo dài, phát hiện ra nhiều sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa và khắc phục. Thanh tra Bộ đã có nhiều kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập của hệ thống pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực quản lý của ngành Tư pháp. Sau đây là tình hình thực hiện công tác 9 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 3 tháng cuối năm 2008 của Thanh tra Bộ Tư pháp

Phần 1
TÌNH HÌNH CÔNG TÁC 9 THÁNG ĐẦU NĂM 

Thực hiện Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/1/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2008 và Kế hoạch công tác năm 2008 của Thanh tra đã được Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 48/QĐ-BTP ngày 16/01/2008 và định hướng chương trình công tác năm 2008 của Thanh tra Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2008, Thanh tra Bộ đã triển khai đồng loạt, có hiệu quả nhiều hoạt động trên một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của ngành.

Khối lượng công việc mà Thanh tra Bộ đã thực hiện trong 9 tháng qua là rất nhiều so với các năm trước, bao gồm cả công tác thanh tra theo kế hoạch, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và một số công tác khác, trong đó, đặc biệt là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một mặt, do một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp phát sinh vào cuối năm 2007 chưa được giải quyết xong, mặt khác, trong 9 tháng đầu năm 2008, số vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp cần thanh tra, xác minh cũng phát sinh nhiều hơn hẳn so với các năm trước, vì vậy, Thanh tra Bộ đã phải tập trung nhiều cho công tác này. Ngoài ra, công tác báo cáo các loại cũng chiếm một phần đáng kể trong công tác của Thanh tra Bộ trong 9 tháng qua.

Có thể nói, 9 tháng đầu năm 2008 tiếp tục khẳng định sự chuyển biến tích cực của Thanh tra Bộ trên các phương diện: hoàn thiện thể chế, củng cố tổ chức, thực hiện nhiệm vụ thanh tra và tự chủ về chi tiêu tài chính.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2008, Thanh tra Bộ đã thực hiện được các công việc sau:

I. Công tác thanh tra

Ngày 16/01/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 49/QĐ-BTP phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2008 của Thanh tra Bộ, trong đó, Thanh tra Bộ dự kiến triển khai 12 đoàn thanh tra theo kế hoạch (thanh tra về nghiệp vụ thi hành án dân sự và trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của Trưởng thi hành án dân sự cấp tỉnh – 02 đoàn; thanh tra về xây dựng cơ bản và sử dụng ngân sách Nhà nước – 02 đoàn; thanh tra về công tác kết hôn có yếu tố nước ngoài – 02 đoàn; thanh tra về công tác nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài – 02 đoàn; thanh tra chuyên ngành về công tác bán đấu giá tài sản – 02 đoàn; thanh tra công tác luật sư, tư vấn pháp luật – 02 đoàn). Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, do số cuộc thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng đột biến nên Thanh tra Bộ chỉ triển khai được 5 đoàn thanh tra theo kế hoạch (đạt 41,6% kế hoạch của cả năm) và tham gia 01 đoàn công tác trong lĩnh vực con nuôi có yếu tố nước ngoài tại tỉnh Phú Thọ, tham gia 01 đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ tổ chức, cụ thể như sau:

1 - Tiến hành thanh tra về công tác thi hành án dân sự và trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 62/QĐ-TTR ngày 14/4/2008 của Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp. Ngày 20/8/2008, Chánh Thanh tra đã ký Kết luận thanh tra số 02/KL-TTR;

2 -  Tiến hành thanh tra chuyên ngành về công tác Luật sư, tư vấn pháp luật tại thành phố Hà Nội theo Quyết định số 63/QĐ-TTR ngày 14/4/2008 của Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp. Hiện nay, Đoàn thanh tra đang hoàn thiện Báo cáo kết quả thanh tra;

3 - Tiến hành thanh tra việc bán đấu giá tài sản tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 89/QĐ-TTR ngày 08/5/2008 của Chánh thanh tra Bộ Tư pháp. Ngày 28/8/2008, Chánh Thanh tra đã ký Kết luận thanh tra số 03/KL-TTR;

4 - Thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản trụ sở Thi hành án dân sự quận Kiến An và Thi hành án dân sự huyện Thuỷ Nguyên thành phố Hải Phòng theo Quyết định số 128/QĐ-TTR ngày 11/6/2008 của Chánh thanh tra. Hiện nay, đang hoàn thiện Kết luận thanh tra;

5 - Thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về công tác Luật sư, tư vấn pháp luật tại thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số140/QĐ-TTR ngày 20/6/2008 của Chánh thanh tra. Hiện nay, đang hoàn thiện Báo cáo kết quả thanh tra; 

II. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong 9 tháng đầu năm 2008, Thanh tra Bộ Tư pháp luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc tiếp công dân thực hiện theo đúng Quy chế tiếp công dân của cơ quan Bộ Tư pháp. Lãnh đạo Bộ thường xuyên bố trí lịch để nghe Thanh tra Bộ báo cáo về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành các thủ tục để xây dựng Phòng tiếp công dân mới của Bộ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác tiếp công dân.

1. Tình hình công tác tiếp dân

Nhìn chung, 9 tháng đầu năm 2008, số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Phòng tiếp công dân của Bộ Tư pháp có chiều hướng tăng hơn hẳn so với năm 2007, đặc biệt là số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Tính đến ngày 15/9/2008, Thanh tra Bộ Tư pháp cùng các đơn vị chức năng của Bộ đã tiếp 854 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và có một số yêu cầu khác (tăng 89% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 680 lượt công dân đến khiếu nại những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, chiếm 79,6%  và tăng 107,3% so với cùng kỳ năm trước (thi hành án dân sự: 614 lượt -  chiếm 90,3%; hành chính tư pháp: 16 lượt - chiếm 2%; Bổ trợ tư pháp: 6 lượt; Con nuôi có yếu tố nước ngoài: 5 lượt; Trợ giúp pháp lý: 3 lượt; các lĩnh vực khác: 30 lượt). Còn lại là công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh những nội dung không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp (chủ yếu là khiếu nại bản án, tranh chấp đất đai) chiếm 20,4% (tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước).

Từ đầu năm đến nay, đã có 02 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người. Đặc biệt, ngày 28/5/2008, đoàn khiếu nại gồm 78 người đại diện cho nhân dân xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây đã đến Phòng tiếp công dân của cơ quan Bộ Tư pháp để khiếu nại đối với bài báo đăng ngày 07/5/2008 (số báo 110) của báo Pháp luật Việt Nam. Lãnh đạo Thanh tra Bộ và Lãnh đạo Báo pháp luật Việt Nam đã cùng tiếp đại diện đoàn khiếu kiện trên.

Các trường hợp khiếu nại, tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đều được cán bộ của Thanh tra Bộ thường trực tại Trụ sở tiếp công dân của Bộ và cán bộ của Vụ, Cục chức năng tiếp và lắng nghe công dân trình bày, tiếp nhận đơn và chuyển đến các đơn vị chức năng xử lý theo thẩm quyền. Các trường hợp khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, cán bộ tiếp dân đã kịp thời hướng dẫn công dân đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các cán bộ được phân công làm công tác tiếp dân tại Trụ sở tiếp công dân của Bộ luôn thể hiện tốt trách nhiệm, có thái độ đúng mực khi tiếp công dân.

Thực hiện Quy chế tiếp công dân của cơ quan Bộ Tư pháp, hàng tháng, Lãnh đạo Bộ đều dành thời gian làm việc với Thanh tra Bộ, Cục Thi hành án dân sự để nghe Thanh tra Bộ báo cáo các trường hợp công dân đến khiếu nại và đăng ký được gặp Lãnh đạo Bộ trước khi Lãnh đạo Bộ tiếp công dân. Trong 9 tháng đầu năm 2008, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã trực tiếp tiếp 15 lượt công dân.

Qua công tác tiếp dân 9 tháng đầu năm 2008 cho thấy: số vụ việc có tính phức tạp, gay gắt ngày càng gia tăng và đều thuộc lĩnh vực thi hành án dân sự. Mặc dù, khiếu nại đông người không nhiều nhưng tính chất của mỗi vụ việc phức tạp và gây ảnh hưởng về an ninh trật tự. Đặc biệt, bắt đầu xuất hiện một số vụ việc có hiện tượng các đương sự dẫn dắt, liên kết nhau, có sự giúp sức, chỉ dẫn trong quá trình khiếu nại, tố cáo. Một số trường hợp mặc dù đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng vẫn có thái độ rất quá khích, có hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm cán bộ tiếp công dân, cán bộ lãnh đạo, gây mất trật tự, vi phạm Nội quy phòng tiếp công dân. Gần đây có hiện tượng công dân khiếu nại bản án (không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp) vẫn đến nhà riêng của Lãnh đạo Bộ để đưa đơn khiếu kiện.

2. Tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

a - Tình hình khiếu nại, tố cáo

Tính đến hết ngày 15/9/2008, Thanh tra Bộ Tư pháp đã tiếp nhận 1767 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó có 820 đơn thuộc lĩnh vực quản lý của ngành (chiếm 46,4%), trong đó chủ yếu là đơn thư khiếu nại về thi hành án dân sự là 737 đơn (chiếm 90%) và 947 đơn không thuộc thẩm quyền của ngành Tư pháp (chiếm 53,6%). So với 9 tháng cùng kỳ năm 2007, số đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân Thanh tra Bộ nhận được tăng khoảng 25%, trong đó, riêng đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của ngành tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2008, số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngày càng tăng, tính chất các vụ việc cũng ngày càng phức tạp, căng thẳng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Thanh tra, đến nay hầu hết những vụ khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài đã được giải quyết. Số vụ việc Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 9 tháng đầu năm 2008 là 25 vụ việc, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2007.

b - Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo

*Đối với đơn thư khiếu nại thuộc lĩnh vực quản lý của ngành : Đơn thư này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thi hành án (90%).

Đối với đơn thư thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án địa phương, căn cứ Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ đã chuyển Cục Thi hành án dân sự giải quyết theo thẩm quyền.

Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, sau khi nghiên cứu, Thanh tra Bộ kiến nghị Lãnh đạo Bộ giao Thanh tra chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức xác minh làm rõ để kiến nghị giải quyết. Kết quả cụ thể thể hiện tại phụ lục đính kèm.

Nhìn chung, hầu hết các kết luận thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Thanh tra Bộ đều kết luận rõ những sai phạm của người bị khiếu nại, tố cáo. Đã kiến nghị Lãnh đạo Bộ xem xét, xử lý một cách kiên quyết về trách nhiệm, sai phạm của một số cán bộ.

*Đối với đơn thư khiếu nại không thuộc thẩm quyền: Trong số 947 đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền, phần lớn là đơn khiếu nại về nội dung bản án, đất đai, nhà ở, khiếu nại việc giải quyết chế độ không đúng cho một số đối tượng...Việc xử lý loại đơn thư này, Thanh tra Bộ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hiện hành. 

Cụ thể công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được tiến hành như sau: 

1 - Hoàn thành các thủ tục, kết thúc việc giải quyết đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Kim Oanh, trú tại thành phố Biên Hoà, Đồng Nai và một số công dân khác tố cáo một số cán bộ Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp có biểu hiện tiêu cực. Ngày 08/5/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Kết luận thanh tra giải quyết tố cáo số 1355/KL-BTP và ngày 20/5/2008, Bộ Tư pháp đã tổ chức công bố Kết luận thanh tra này;

2 - Hoàn thành các thủ tục, kết thúc dứt điểm việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Này, trú tại thôn Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận về thi hành án dân sự. Ngày 24/4/2008, Chánh thanh tra Bộ Tư pháp đã ký Kết luận thanh tra số 01/KL-TTR. Ngày 27/6/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định giải quyết khiếu nại số 1205/QĐ-BTP;

3 -  Hoàn thành việc xem xét lại quá trình giải quyết khiếu nại của bà Lưu Thị Phương trú tại 513 Thuỵ Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Ngày 16/5/2008, Bộ Tư pháp đã tổ chức công bố kết quả, giải quyết dứt điểm vụ việc;

4 - Hoàn thành việc xem xét lại toàn bộ quá trình giải quyết để ra thông báo giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với khiếu nại của bà Vũ Kiều Trinh trú tại phố Xuân Viên, Sa Pa, Lào Cai về thi hành án dân sự. Tổ chức công bố Thông báo kết luận số 1512/TB-BTP ngày 21/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc giải quyết khiếu nại của bà Vũ Kiều Trinh; 

5 - Hoàn thành việc thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo của ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Trưởng Thi hành án dân sự thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh tố cáo ông Vũ Văn Vân, Trưởng thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh theo Quyết định số 206/QĐ-TTR ngày 16/11/2007 của Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp; Ngày 16/7/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Kết luận số 2211/KL-BTP giải quyết tố cáo. Ngày 01/8/2008, được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh công bố Kết luận thanh tra;

  6- Hoàn thành việc thanh tra giải quyết khiếu nại của ông Khúc Hoàng và bà Hoàng Thị Hải trú tại 19A Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội về thi hành án dân sự theo Quyết định số 1880/QĐ-BTP ngày 22/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ngày 26/6/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Kết luận số 2015/KL-BTP giải quyết khiếu nại;

7 - Hoàn thành việc thanh tra giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Trấn, trú tại số nhà 141, tổ 42, ngõ 69A Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội về thi hành án dân sự. Ngày 26/6/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Kết luận số 2014/KL-BTP giải quyết khiếu nại;

8 - Hoàn thành việc xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Thanh Liêm trú tại 323/7 tỉnh lộ 19, thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh khiếu nại về việc từ chối cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Qua xác minh, Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ trưởng bác đơn khiếu nại, ngày 28/4/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định 818/QĐ-BTP giải quyết khiếu nại;

9 - Hoàn thành việc kiểm tra đối với Thi hành án dân sự huyện Tân Châu, Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh trong việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Công Nè, trú tại 027 đường Ngô Gia Tự, khu phố 1, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh khiếu nại về thi hành án. Đoàn kiểm tra đã có báo cáo số 188/BC-ĐKTR ngày 05/8/2008 kiến nghị việc giải quyết khiếu nại. Ngày 16/9/2008, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 2934/BTP-TTR trả lời đơn của ông;

10 – Hoàn thành việc thanh tra đối với Thi hành án dân sự thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau về việc thi hành Quyết định công nhận sự thoả thuận số 66/QĐ-HGT ngày 25/10/1997 của Toà án nhân dân thị xã Cà Mau theo Quyết định số 98/QĐ-TTR ngày  19/5/2008 của Chánh thanh tra Bộ Tư pháp để giải quyết khiếu nại của bà Lâm Thị Mỹ Hạnh. Đoàn thanh tra đã có Báo cáo số 190/BC-ĐTTR ngày 08/8/2008 kiến nghị việc giải quyết khiếu nại. Ngày 17/9/2008, Chánh Thanh tra đã ký kết luận thanh tra số 04/KL-TTR. Ngày 19/9/2008, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 1819/QĐ-BTP xử lý kiến nghị tại Kết luận thanh tra nêu trên, trong đó đã giao Cục trưởng Cục THADS chỉ đạo và tổ chức thực hiện các kiến nghị tại Kết luận thanh tra số 04/KL-TTR;

11 - Tiến hành thanh tra xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại của vợ chồng ông Võ Văn Học và bà Huỳnh Thị Nga trú tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi về thi hành án dân sự. Ngày 13/8/2008, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan liên quan để tiếp tục giải quyết khiếu nại của vợ chồng ông Võ Văn Học, bà Huỳnh Thị Nga và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ;

12 – Hoàn thành việc xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh Bình, công tác tại Phòng Công chứng nhà nước số 1, tỉnh Bình Định. Đoàn thanh tra đã kết thúc cuộc xác minh. Đương sự đã tự nguyện rút đơn khiếu nại;

13 - Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang để giải quyết  khiếu nại của bà Cao Quế Hoa trú tại 18/548 khu phố 3, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Công văn số 1412/VPCP-V.II ngày 05/3/2008 của Văn phòng Chính phủ;

 14 - Xác minh việc giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự của ông Dương Quang Biên và bà Mạc Thị Cương, trú tại xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ. Thanh tra Bộ đã có báo cáo trình Lãnh đạo Bộ, kiến nghị Lãnh đạo Bộ chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự thực hiện triệt để, nghiêm túc Thông báo kết quả cuộc họp liên ngành số 236/TP-THA ngày 25/01/2005 của Bộ Tư pháp và Quyết định giải quyết khiếu nại số 484/THA-NVII ngày 20/7/2005 của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự;

15 - Xem xét, xác minh ban đầu đối với đơn khiếu nại của Công ty TNHH 27-7 Quảng Ninh về việc Thi hành án dân sự thị xã Uông Bí không thi hành đúng bản án số 02/KTST ngày 06/9/2004 của TAND tỉnh Quảng Ninh. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự phối hợp Thanh tra Bộ kiểm tra để giải quyết dứt điểm khiếu nại này theo đề nghị của Thanh tra Bộ. Hiện nay, Cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với Thanh tra Bộ đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo Thi hành án dân sự thị xã Cẩm Phả, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh thực hiện triệt để bản án số 02/KTST ngày 06/9/2004 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh;

16 - Tiến hành kiểm tra đối với Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An trong việc giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị Liên, trú tại khối phố 7, phường Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An khiếu nại việc cưỡng chế thi hành án của Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An đối với bà là không đúng pháp luật. Hiện nay, Đoàn Kiểm tra đang hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm tra;

17 - Xác minh đơn tố cáo đối với luật sư Đỗ Quang Vinh và Lê Thị Như Hương (Đoàn luật sư Hà Nội) đã sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 giả để thi vào Đại học Luật. Qua xác minh cho thấy: việc tố cáo đối với luật sư Lê Thị Như Hương là không có cơ sở, tuy nhiên luật sư Lê Thị Như Hương đã hoạt động ngoài lĩnh vực hành nghề và vi phạm đạo đức nghề luật sư, nhận thêm thù lao ngoài mức thoả thuận trong hợp đồng, Thanh tra Bộ đã có kiến nghị gửi Đoàn Luật sư Hà Nội có biện pháp xử lý đối với các hành vi của luật sư Nguyễn Thị Như Hương; việc tố cáo đối với luật sư Đỗ Quang Vinh, hiện nay Thanh tra Bộ đang chờ văn bản trả lời của Trường Đại học Luật Hà Nội để làm rõ thêm nội dung tố cáo;

18 -  Chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Bộ Tư pháp, Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ) kiểm tra việc thi hành án và bán đấu giá ngôi nhà số 36 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1276/QĐ-BTP ngày 08/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đoàn đã kết thúc việc kiểm tra tại địa phương, hiện đang hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm tra;

19 - Chủ trì, cùng Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Cục Thi hành án dân sự làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh An Giang để giải quyết dứt điểm khiếu nại của bà Hồ Thị Tha (tỉnh An Giang) theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng;

20 - Cử thanh tra viên phối hợp với Cục Thi hành án dân sự xác minh, giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự của ông Nguyễn Đăng Thanh trú tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ;

21 - Cử thanh tra viên tham gia Đoàn thanh tra liên ngành của Thanh tra Chính phủ xác minh, kết luận nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Bùi Thị Quy – Giám đốc Công ty TNHH rượu Vạn Phát, tỉnh Phú Yên;

22 - Thành lập Đoàn xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của ông Lê Mạnh Thắng và bà Lê Thị Tuyết trú tại số 10, đường La Thành, phường Lê Lợi, thành phố Sơn Tây đối với ông Lê Quang Tiến, Trưởng THADS tỉnh Hà Tây (nay là trưởng THADS thành phố Hà Nội) và ông Lê Hùng Mạnh, Chấp hành viên THADS thành phố Sơn Tây, Hà Nội theo Quyết định số 1427/QĐ-BTP ngày 8/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

23 - Thụ lý giải quyết đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Hoa – trú tại: thôn Minh Hồng, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đối với Quyết định giải quyết khiếu nại số 377/QĐGQKN-THA ngày 03/4/2008 của Cục THADS Bộ Tư pháp;

24 - Xem xét giải quyết đơn khiếu nại của bà Vương Thị Quy, trú tại xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh khiếu nại Quyết định số 53/QĐ-STP ngày 26/5/2008 của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh;

25 - Xem xét giải quyết đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Hợi, tạm trú tại số 10, ngã ba Đoan Xá, đường Phương Lưu, phường Đông Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng tố cáo UBND tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn không hợp pháp giữa ông Karl-Heinz Horst Bartky (quốc tịch Đức) với bà Lý Thị Hoà (quốc tịch Việt Nam). 

III. Công tác chống tham nhũng

Thanh tra Bộ là đơn vị có chức năng thực hiện phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng theo thẩm quyền. Trên cơ sở chức năng đó và Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng trong ngành Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 04/2006/QĐ-BTP ngày 12/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong 9 tháng đầu năm 2008, Thanh tra Bộ đã tập trung thực hiện các công việc như sau:

- Xây dựng và thực hiện Kế hoạch thanh tra tập trung vào một số lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như công tác thi hành án dân sự, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách ngành, công tác bán đấu giá tài sản, con nuôi có yếu tố nước ngoài, luật sư... Quá trình thực hiện thanh tra, Thanh tra Bộ đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót để khắc phục, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ của công chức;

          - Theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, làm đầu mối tổng hợp xây dựng các báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng;

- Tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2007 và triển khai nhiệm vụ năm 2008 của Bộ Tư pháp;

- Xây dựng văn bản về việc công khai, minh bạch trong giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Tổng hợp, xây dựng báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ. 

IV. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức cán bộ 

1- Công tác xây dựng, hướng dẫn, thực hiện pháp luật và nghiệp vụ thanh tra

- Đối với cán bộ, công chức cơ quan Thanh tra Bộ, Lãnh đạo Thanh tra Bộ thường xuyên phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật mới liên quan đến nghiệp vụ công tác thanh tra cũng như các quy định pháp luật chuyên ngành để toàn thể cán bộ, công chức đều vững về nghiệp vụ, am hiểu về pháp luật.

- Đối với Thanh tra các Sở Tư pháp, ngay từ đầu năm, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có văn bản số 14/BTP-TTr hướng dẫn Thanh tra các Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch công tác thanh tra năm 2008.

- Thanh tra Bộ thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ cho Thanh tra Sở qua điện thoại trực tiếp, công văn hướng dẫn hoặc thông qua trang Web của Bộ Tư pháp theo địa chỉ: http://nghiepvu.moj.gov.vn và nhận được nhiều thông tin phản hồi tích cực của các địa phương.

2 - Công tác tổ chức cán bộ

Trong 9 tháng đầu năm 2008, Thanh tra Bộ Tư pháp đã cử 04 đồng chí đi học lớp nghiệp vụ thanh tra cơ bản, 11 đồng chí đi học lớp quản lý hành chính chương trình chuyên viên. Ngoài ra, có 02 đồng chí đi học thạc sỹ tại nước ngoài, 04 đồng chí đang học thạc sỹ trong nước. Được Lãnh đạo Bộ bổ nhiệm thanh tra viên cho 02 đồng chí.

Theo Quy chế tổ chức, hoạt động của Thanh tra Bộ được ban hành kèm theo Quyết định số 764/QĐ-BTP ngày 30/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tháng 5/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định bổ nhiệm 03 đồng chí Trưởng phòng và 04 đồng chí Phó trưởng phòng cho Thanh tra Bộ. Do vậy, công tác tổ chức, hoạt động của Thanh tra Bộ đã được hoàn thiện và củng cố một bước cơ bản.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tăng cường năng lực thanh tra ngành Tư pháp” làm cơ sở quan trọng cho việc kiện toàn lực lượng và nâng cao năng lực hoạt động cho thanh tra toàn ngành Tư pháp.

3. Đánh giá số lượng, chất lượng công chức thanh tra thuộc phạm vi quản lý của ngành

- Nhìn chung, số lượng công chức thanh tra của ngành Tư pháp hiện nay còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu công tác cũng như chưa đảm bảo theo quy định của Luật Thanh tra và Nghị định số 74/2006/NĐ-CP ngày 1/8/2006 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động thanh tra Tư pháp. Đối với Thanh tra Bộ Tư pháp, với biên chế được giao hiện nay là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu công tác của đơn vị. Do thường xuyên có khoảng 3-4 đồng chí đi học sau đại học, 01 đồng chí đã cao tuổi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên không tham gia được các đoàn thanh tra, 01 đồng chí chuyên trách công tác kế toán. Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn.

- Về chất lượng: Tuy biên chế công chức làm công tác thanh tra còn hạn chế nhưng trong 9 tháng qua, cán bộ, công chức Thanh tra Bộ Tư pháp và Thanh tra các Sở Tư pháp đã luôn cố gắng học hỏi, nâng cao nghiệp vụ, trau dồi kiến thức chuyên môn để thực hiện kế hoạch đề ra, công tác thanh tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và tương đối có chất lượng. 

V. Công tác khác

- Hướng dẫn Thanh tra các Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2008; Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra Sở bằng công văn, điện thoại trực tiếp và bằng các bài viết hướng dẫn nghiệp vụ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (http://nghiepvu.moj.gov.vn);

- Xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý tài sản công của đơn vị;

- Tiếp tục thực hiện đề án tăng cường năng lực Thanh tra Tư pháp;

- Tổng hợp, xây dựng Báo cáo gửi Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực Thi hành án dân sự và hành chính tư pháp theo Nghị quyết số 592/NQ-UBTVQH12 ngày 4/3/2008 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

- Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ký văn bản chỉ đạo một số đơn vị thuộc Bộ và Thi hành án dân sự các cấp phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo Tư pháp năm 2008 theo công văn số 301/VKSTC-V7 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 19/2/2008;

- Tổng hợp, xây dựng báo cáo chuyên đề, phục vụ tổ chức Hội nghị công tác phòng, chống tham nhũng năm 2007 và triển khai nhiệm vụ năm 2008 của Bộ Tư pháp;

- Xây dựng báo cáo kết quả kê khai, xác minh, kết luận, công khai kết quả xác minh tài sản và thu nhập năm 2008 của Bộ Tư pháp;

- Góp ý một số dự thảo văn bản, Đề án như: Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; Quy trình nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Chính phủ; Giải quyết khiếu nại hành chính trong quân đội; Chiến lược phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ…

          - Báo cáo kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2008 theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ (từ 15/12/2007 - đến 15/8/2008);

- Báo cáo giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 – 2010;

- Tổng hợp tình hình, kết quả thụ lý giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về công tác THADS trong phạm vi thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Lãnh đạo Bộ giao. 

VI. Đánh giá kết quả thực hiện công tác thanh tra

Từ những kết quả đã đạt được như trên, có thể khẳng định trong 9 tháng đầu năm 2008, Thanh tra Bộ đã thực hiện và hoàn thành một khối lượng công việc tương đối lớn. Thanh tra Bộ Tư pháp đã luôn chủ động trong việc chỉ đạo, điều hành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra trong ngành cũng như thực hiện quyền thanh tra của đơn vị, quản lý tốt công tác khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng.

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được như trên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác, Thanh tra Bộ vẫn còn một số điểm tồn tại cần khắc phục như: công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đảm bảo thời gian theo quy định của pháp luật; số lượng các cuộc thanh tra theo kế hoạch thực hiện trong 9 tháng còn hạn chế so với kế hoạch cả năm.

          Hạn chế này một phần là do nguyên nhân chủ quan, nhưng chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân khách quan như: thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hiện nay là quá ngắn so với yêu cầu thực tế, trong khi tính chất của các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng hầu hết là những vụ việc hết sức phức tạp, cần phải làm thật khách quan, thu thập chứng cứ và họp bàn liên ngành nên không đảm bảo thời gian như luật đã quy định; số lượng biên chế của Thanh tra không những của Bộ mà cả các Sở Tư pháp còn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, trong khi đó khối lượng công việc thanh tra chuyên ngành và thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng nhiều và phức tạp. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong 9 tháng đầu năm tăng đột biến, Thanh tra Bộ phải tập trung nhiều cho công tác này nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch. Bên cạnh đó, do là năm đầu tiên thực hiện tự chủ về chi tiêu tài chính, việc dự trù và bố trí kinh phí cho công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo còn bị động nên cũng phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch công tác của đơn vị nói chung.

          Ngoài ra, công tác tổng hợp, xây dựng các loại báo cáo mà Thanh tra Bộ phải làm trong 9 tháng qua là quá nhiều (khoảng trên 20 báo cáo). Hàng tháng Thanh tra Bộ đều phải tổng hợp để làm các loại báo cáo như: Báo cáo công tác thanh tra; Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng; Báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo về công tác tiếp dân và xử lý đơn thư;  Ngoài ra, còn có các loại báo cáo không thường xuyên khác như: Báo cáo gửi Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự và hành chính tư pháp; Báo cáo kết quả kê khai, minh bạch tài sản... Trong đó, có một số báo cáo liên quan đến nhiều đơn vị thuộc Bộ đòi hỏi phải có sự phối hợp báo cáo như: Báo cáo chống tham nhũng; Báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Báo cáo về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Tư pháp. Do phải chờ đợi các đơn vị có báo cáo mới tổng hợp để xây dựng báo cáo chung được, nhưng các đơn vị gửi báo cáo không thường xuyên, không gửi báo cáo hoặc gửi báo cáo chậm...nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung. 

Phần 2
KẾ HOẠCH CÔNG TÁC 3 THÁNG CUỐI NĂM 

1- Nhiệm vụ công tác thanh tra

- Tập trung hoàn thiện, kết thúc dứt điểm các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã tiến hành trong 9 tháng đầu năm;

- Xem xét, tiếp tục tiến hành một số Đoàn thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt;

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra tại các đơn vị là đối tượng thanh tra từ năm 2007 đến nay.

2- Nhiệm vụ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Tập trung hoàn thiện, kết thúc dứt điểm các vụ việc thanh tra, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo đã tiến hành trong 9 tháng đầu năm.

- Thành lập các đoàn thanh tra, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân:  theo yêu cầu thực tế.

- Thực hiện công tác thường trực tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi tới Bộ Tư pháp.

- Kết hợp thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính trực thuộc khi tiến hành các cuộc thanh tra nghiệp vụ.

3- Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

- Theo dõi, tổng hợp, xây dựng báo cáo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng hàng tháng, quý, năm theo yêu cầu của Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

4. Công tác khác

- Hoàn thành việc thực hiện Đề án nghiên cứu khoa học: “Tăng cường năng lực thanh tra ngành Tư pháp”.

- Thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.

            Trên đây là thông tin về công tác của Thanh tra Bộ để giúp Thanh tra Sở nắm tình hình và định hướng công tác cho 03 tháng cuối năm 2008.

Hoàng Quốc Hùng – Thanh tra Bộ   Tư pháp