Ngành Tư pháp qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW

13/10/2008
Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (NQ49), vị thế của Bộ Tư pháp nói riêng, ngành Tư pháp nói chung đã ngày càng được khẳng định và nâng cao. Tuy nhiên, trong tiến trình này, ngành Tư pháp cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là khi tổ chức thực hiện các đề án, nhiệm vụ cải cách theo NQ49.

Gần 20 đề án được triển khai

Khối lượng các nhiệm vụ, đề án được giao cho Bộ, ngành Tư pháp thực hiện và phải hoàn thành suốt 3 năm qua là quá lớn, trong khi nhiệm vụ chuyên môn hàng năm của Bộ đã luôn ở tình trạng quá tải. Theo NQ49 và Kế hoạch số 05-KH/CCTP ngày 22/2/2006 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ, các nhiệm vụ được giao cho Bộ Tư pháp tập trung vào 6 lĩnh vực chính, bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực cải cách tư pháp; Nâng cao chất lượng hoạt động và hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự; Xây dựng và hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp; Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật và các chức danh tư pháp; Bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, cơ quan .thi hành án dân sự; Tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp

Trên cơ sở NQ49 và Kế hoạch số 05, Bộ Tư pháp đã triển khai được 18 Đề án. Cụ thể, ở nhiệm vụ thứ 2 có 3 đề án là “Đổi mới chính sách tiền lương chế độ đãi ngộ đối với Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức thi hành án”, “Thí điểm tổ chức thừa phát lại tại TP.HCM” và Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án”. Nhiệm vụ thứ 3 có 2 đề án về luật sư (“Thành lập Tổ chức luật sư toàn quốc, “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008 – 2010”) và 1 đề án về giám định tư pháp (“Xây dựng cơ chế và tổ chức thí điểm thực hiện việc thu hút các cơ quan, tổ chức chuyên môn, các chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động giám định tư pháp”). Với nhiệm vụ thứ 4 có 3 đề án là “Đổi mới cơ chế thu hút, tuyển chọn và đổi mới chế độ chính sách đối với cán bộ thuộc ngành tư pháp”, “Nâng cao năng lực đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội để trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh  tư pháp”. Còn nhiệm vụ thứ 5 có 2 đề án, gồm “Đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ quan thuộc ngành Tư pháp” và “Xây dựng kho vật chứng cơ quan Thi hành án dân sự địa phương”. Nhiệm vụ cuối cùng cũng có 2 đề án là Ký kết, gia nhập các Điều ước quốc tế về tư pháp” và Hiệp định khung về tương trợ tư pháp”. Ngoài ra, có 4 đề án liên quan khác và trong đó, số đề án được phê duyệt không nhiều (mới thông qua 2 đề án về luật sư, 1 đề án về bảo đảm cơ sở vật chất cho cơ quan thi hành án dân sự...)

Cơ sở pháp lý lại thiếu

Một số nhiệm vụ cải cách trong NQ49 được đặt ra và yêu cầu thực hiện trong tình trạng “vừa thiết kế, vừa thi công”, vừa nghiên cứu vừa triển khai khi cơ sở pháp lý cho việc thực hiện còn rất thiếu. Chẳng hạn, một nhiệm vụ rất quan trọng có tính chiến lược được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện theo Kế hoạch số 05 là xây dựng quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020. Việc triển khai nhiệm vụ trên gặp 2 khó khăn, vướng mắc chính. Trước hết, thiết kế tổng thể bộ máy nhà nước, mô hình thực hiện sự phân công và phối hợp giữa  các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp cho giai đoạn quy hoạch mới đang trong giai đoạn phác thảo cùng với tiến trình dự thảo Cương lĩnh phát triển đất nước (bổ sung) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Chiến lược phát triển của mỗi ngành (toà án, kiểm sát/công tố, điều tra, tư pháp/thi hành án...) đều đang ở giai đoạn nghiên cứu riêng của mỗi ngành, trong lúc giữa các chiến lược đó có mối quan hệ rất chặt chẽ, cần phải được đặt vào thiết kế chung trước khi mỗi ngành bắt tay vào lập quy hoạch các nguồn lực cho sự phát triển chiến lược riêng. Do vậy, về mặt phương pháp luận, việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020 đúng thời hạn là bất khả thi. Thứ nữa, việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển các cơ quan/ ngành tư pháp chưa có đầy đủ các quy định cần thiết và cách thức đầu tư kinh phí cũng chưa phù hợp (hiện mới chỉ phê duyệt kinh phí cho việc lập quy hoạch cơ sở vật chất, trụ sở của các cơ quan tư pháp). Mặc dù trong báo cáo kết quả phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp ngày 4/8/2006 đã nêu rõ: “Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp kiến nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan tư pháp TƯ, sớm xây dựng quy định về phương thức sử dụng kinh phí phục vụ cho quy hoạch phát triển các ngành tư pháp cũng như cho việc giám sát thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp...”. Nhưng, đến nay Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa có hướng dẫn nào về việc sử dụng kinh phí cho các hoạt động thuộc Chiến lược cải cách tư pháp. Vì thế, kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ phải huy động từ những nguồn khác nhau, vừa tản mạn, không đúng tầm nhiệm vụ, vừa làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ và kế hoạch triển khai các hoạt động cải cách có tính dài hạn của ngành.

Không những thế, có những vấn đề rất mới thuộc các đề án vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành, đòi hỏi phải sửa đổi nhiều đạo luật liên quan. Do đó, cần có  thời gian chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, kể cả soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý tạm thời cho việc triển khai nhiệm vụ. Ví dụ như các Đề án “Thí điểm mô hình thừa phát lại tại TP.HCM”, Đề án “Thu hút sự tham gia của các chuyên gia giỏi vào hoạt động động giám định tư pháp”, Đề án “Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án”...

Cẩm Vân