Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên thăm và làm việc tại Hungary

30/09/2008
Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên thăm và làm việc tại Hungary
Tiếp theo chuyến thăm Hàn Quốc từ ngày 15 đến hết ngày 18 tháng 9 năm 2008, đoàn cán bộ tư pháp do Thứ trưởng Hoàng Thế Liên dẫn đầu tiếp tục thăm và làm việc tại Hungary trong thời gian từ 19 đến 26 tháng 9 năm 2008.

Trong một tuần ở thăm Hungary, đoàn đã gặp Quốc Vụ Khanh Bộ Tư pháp Hungary, Chủ tịch Uỷ ban Hiến pháp và Tư pháp Quốc hội Hungary, Chủ tịch và Tổng Thư ký Hiệp hội luật sư Hungary, Quyền Chánh án Toà án tối cao Hungary, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao, Vụ trưởng Chính sách thương mại Bộ Kinh tế và Phát triển Hungary,  Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Budapest và một số quan chức cấp cao khác của Chính phủ Hungary.  

Qua các cuộc gặp gỡ với các thành viên Đoàn,  các cán bộ pháp luật và tư pháp Hungary đã trao đổi về tiến trình cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp ở Hungary kể từ khi sửa đổi Hiến pháp vào năm 1989 và cải cách thể chế chính trị năm 1990 tới nay. Từ khi Hiến pháp 1989 có hiệu lực, Nhà nước Hungary trở thành nhà nước cộng hoà nghị viện, với các nhánh quyền lực được phân chia và hoạt động độc lập với nhau. Hệ thống các văn bản pháp luật của Hungary theo đó cũng được sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với các cải cách về thể chế và chính trị và đáp ứng với các yêu cầu gia nhập Liên minh châu Âu.  

Một điểm mới trong việc cải cách hệ thống pháp luật ở Hungary là việc thành lập Toà án hiến pháp (được thành lập theo Điều 1 Hiến pháp 1989). Cũng giống như tính chất của nhiều Toà án Hiến pháp của một số  nước khác trên thế giới, Toà án Hiến pháp Hungary có chức năng giải thích Hiến pháp; quy định các tiêu chuẩn quy phạm và giám sát tính hợp hiến của các đạo luật; hài hoà hoá những khác biệt giữa luật quốc tế và luật trong nước; đưa ra quyết định đối với các thách thức/phản đối liên quan đến hiến pháp; xác định các hành vi vi phạm hiến pháp; đưa ra quyết định đối với những tranh cãi về thẩm quyền; đề ra các trách nhiệm nhà nước của người đứng đầu nhà nước và các quan chức nhà nước khác; và xác định phạm vi thẩm quyền của các vùng và địa phương và giải thích những hạn chế về trưng cầu dân ý. Toà án Hiến pháp là diễn đàn duy nhất ở Hungary nơi có thể đưa ra các quyết định có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả mọi người. Không có một cơ chế trong nước nào có thể kháng nghị hoặc đề nghị phúc thẩm đối với các quyết định của Toà án Hiến pháp. Tuy nhiên, Toà án Hiến pháp chỉ xem xét tính hợp hiến của các quy định của pháp luật mà không can thiệp vào việc xem xét lại các vụ án do Toà án thông thường xét xử. Theo đánh giá của các chuyên gia pháp luật Hungary, chất lượng làm luật ở Hungary tương đối tốt vì từ khi thành lập tới nay, Toà án Hiến pháp mới đưa ra khoảng 100 phán quyết trong khi hàng năm có vài ngàn văn bản quy phạm pháp luật do các cấp ban hành.  

Cùng với việc thành lập Toà án Hiến pháp, trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp, Hungary đã thành lập Hội đồng tư pháp tối cao do Chánh án Toà án tối cao làm chủ tịch và các thành viên là các thẩm phán có uy tín, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao, Chủ tịch Hiệp hội luật sư toàn quốc. Hội đồng tư pháp tối cao có vai trò rất lớn trong quá trình tuyển chọn và bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Về hoạt động và công tác quản lý luật sư, ông Chủ tịch Hiệp hội luật sư cho biết, cải cách chính trị, thể chế và cải cách kinh tế là những yếu tố cơ bản để tiến hành cải cách pháp luật và tư pháp.  Trong quá trình cải cách này, vai trò của luật sư là rất quan trọng, Luật Luật sư đã trao cho Hiệp hội luật sư quyền việc xây dựng quy chế hoạt động của luật sư, quy chế đạo đức nghề nghiệp và cấp chứng chỉ hành nghề cũng như đưa ra các quyết định miễn nhiệm, kỷ luật đối với các luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Cuộc gặp với Hiệp hội luật sư Hungary cho thấy việc mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý cho luật sư nước ngoài là có lợi cho việc phát triển nghề luật sư tại Hungary  khi học hỏi được nhiều từ các luật sư và công ty luật nước ngoài và các lo ngại về việc luật sư nước ngoài thống trị thị trường dịch vụ pháp lý đã được giải toả, các luật sư Hungary  hiện nay đã hoàn toàn làm chủ thị trường trong nước. Các thông tin liên quan đến cách thức tổ chức hoạt động của Hiệp hội luật sư mà đoàn thu nhận được sẽ là những kinh nghiệm hay cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và kiện toàn tổ chức hoạt động của Hiệp hội Luật sư toàn quốc ở Việt Nam tới đây.  

Về hợp tác đào tạo pháp luật, trong buổi trao đổi với Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Budapest, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã nhấn mạnh những đóng góp của nhân dân và Chính phủ Hungary trong việc giúp đỡ Việt Nam đào tạo cán bộ trong thời gian qua. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên và Hiệu trưởng ĐHTH Budapest đã đề xuất mô hình hợp tác đào tạo và nghiên cứu pháp luật giữa ĐHTH Budapest và các cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật của Việt Nam, trong đó có chương trình đào tạo thạc sĩ về luật Liên minh châu Âu và Thương mại quốc tế và chương trình nghiên cứu so sánh quá trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam và Hungary. Liên quan đến công tác đào tạo chuyên gia pháp luật về thương mại quốc tế, Hungary đề cao tầm quan trọng của việc đào tạo chuyên môn này cả về số lượng và chất lượng. Đây là vấn đề mà tới nay so với nhiều nước khác thì Hungary  còn chưa theo kịp. Bạn cho rằng Việt Nam cần quan tâm ngay từ đầu công tác này bảo đảm cho hội nhập phục vụ tốt nhất cho lợi ích đất nước. 

Trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, Hungary là nước có nhiều kinh nghiệm tốt mà Việt Nam có thể học hỏi. Hungary  có tầm nhìn "xa" khi quyết định tham gia Hiệp định GATT ngay từ 1973 khi mà đất nước này còn đang xây dựng CNXH và là thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế các nước XHCN. Theo cách giải thích của phía Hungary  thì không có gì là mâu thuẫn giữa việc tham gia Hiệp định GATT trước đây và WTO hiện nay với việc thúc đẩy quan hệ thương mại XHCN trong khối SEV. Cuộc gặp tại Bộ Kinh tế và Phát triển Hungary  cho thấy một số kinh nghiệm của đất nước này trong hội nhập khu vực EU và WTO. Trước khi Hungary  gia nhập EU năm 2004 thì đất nước này xây dựng và thực hiện thể chế thương mại riêng và trong quá trình tham gia GATT và WTO thì đã phải làm khá nhiều công việc liên quan tới rà soát pháp luật, chính sách trong nước để bảo đảm phù hợp với nghĩa vụ của mình. Công việc rà soát pháp luật này mất nhiều thời gian, trên thực tế nhiều văn bản phải sau 5-7 năm mới thực hiện mới thấy không phù hợp. Phía Hungary  cũng cho rằng thực tế này có nhiều lý do, trong đó có việc tiến hành rà soát pháp luật ban đầu chưa được chuẩn; người rà soát pháp luật không hiểu rõ về các quy định của WTO. Kể từ khi gia nhập EU năm 2004, Hungary  không còn quyền điều chỉnh chính sách thương mại mà uỷ quyền cho Uỷ ban Châu Âu quy định. Chính vì vậy, việc hoạch định chính sách thương mại được diễn ra trong nội bộ khối EU là rất khó khăn. Bên cạnh đó, một công việc phải làm là việc rà soát pháp luật và điều chỉnh cho phù hợp với các quy định của EU là công việc Hungary đã và đang phải làm.  

Hungary  có các cơ chế khác nhau để bảo đảm tính phù hợp giữa pháp luật và chính sách trong nước với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế. Bộ Tư pháp và Bộ Kinh tế Hungary  thường xuyên tiến hành rà soát pháp luật để bảo đảm tương thích với các cam kết quốc tế của mình trước khi các đối tác nước ngoài có ý kiến. Trong xây dựng pháp luật thì các văn bản có liên quan tới WTO phải có ý kiến của Bộ Kinh tế Hungary . Mặc dù Hungary  không có quy định cứng về cơ chế phối hợp liên ngành (trừ việc thành lập một Uỷ ban liên ngành xem xét việc chấp nhận Hiệp định WTO), nhưng đã thành một thực tiễn là Bộ Tư pháp hay bộ ngành nào khác khi thấy có vấn đề liên quan tới WTO đều hỏi ý kiến Bộ Kinh tế. Đối với các văn bản có tính liên ngành rộng thì có lấy ý kiến rộng rãi. Các dự thảo luật phải được thảo luận tại cuộc họp các Thứ trưởng Bộ ngành liên quan trước khi trình ra Chính phủ. 

Tại Hungary  thì Bộ Kinh tế chỉ cho ý kiến đối với xây dựng luật liên quan tới WTO, còn các vấn đề liên quan tới pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật EU thì do Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao phụ trách. 

Các thông tin  cụ thể về chuyến thăm Hàn Quốc và Hungary sẽ được tập hợp đầy đủ hơn trong báo cáo tổng thể, dự kiến sẽ được chia sẻ tại một hội thảo được tổ chức trong thời gian sắp tới.

_________________________________________

Bài viết có liên quan:  

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên thăm và làm việc tại Hàn Quốc