Pháp điển hoá, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và vấn đề về một văn bản sửa nhiều văn bản đã được các chuyên gia pháp luật trong nước bàn đến rất nhiều trong quá trình nghiên cứu tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng luật và thực thi pháp luật. Tuy nhiên, đây cũng là những nội dung được các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận rất sôi nổi trong buổi Toạ đàm sáng ngày 25 tháng 9 năm 2008.
Pháp điển hoá có thể được hiểu là việc tập hợp các văn bản pháp luật hiện hành thành bộ pháp điển theo từng chủ đề khác nhau, đây là hình thức cao nhất của hệ thống hoá pháp luật. Tác dụng của pháp điển hoá là nhằm thống nhất hệ thống pháp luật, nâng cao tính dễ tiếp cận, điều đó không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình áp dụng, tuân thủ pháp luật mà còn giúp cơ quan thẩm quyền trong việc quản lý nhà nước. Khoản 2 Điều 93 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Quy phạm pháp luật phải được rà soát, tập hợp, sắp xếp thành bộ pháp điển theo từng chủ đề. Việc pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định”. Tuy nhiên, để thực hiện được pháp điển hoá thì còn có rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu tiếp, đó là cơ quan nào thực hiện pháp điển hoá, thực hiện vào thời điểm nào, quy trình, kỹ thuật thực hiện ra sao… Theo ông Ngô Trung Thành – Văn phòng Quốc hội, mặc dù là một quy định bắt buộc nhưng để có thể pháp điển hoá thành công thì cần phải có kế hoạch từng bước cụ thể và phải do một cơ quan có thẩm quyền thực hiện, Bộ Tư pháp với chức năng “gác cổng” về pháp luật cho Chỉnh phủ, do vậy là cơ quan có điều kiện hơn về mặt chuyên môn để thực thi nhiệm vụ này. Theo ông Thành, kinh nghiệm của một số nước cho thấy có hai cách pháp điển là pháp điển theo định kỳ và pháp điển thường xuyên, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cho thấy nếu tiến hành thường xuyên thì sẽ cập nhật kịp thời hơn các văn bản mới đồng thời cũng tiết kiệm chi phí hơn. Một trong những tiêu chí để có thể thực hiện thành công pháp điển hoá là phải xác định một cách hợp lý chủ đề của bộ pháp điển, trong bài phát biểu của mình ông Thành cũng đưa ra đề xuất 40 chủ đề cụ thể theo hệ thống pháp luật Việt Nam.
Trong bài tham luận của mình, ông John Bentley, Cố vấn trưởng Dự án Start - Việt Nam cũng nêu một số kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong lịch sử pháp điển hoá của mình, ngoài việc chỉ ra các lợi ích mà pháp điển hoá mang lại, ông cũng khuyến nghị Việt Nam nên cân nhắc các yếu tố quyết định sự thành công của hệ thống pháp điển như các quy định nên được tổ chức sắp xếp lại bởi cơ quan ban hành văn bản; bộ pháp điển sẽ chỉ chứa các quy định có giá trị pháp lý lâu dài và được Quốc hội thông qua và công bố như một ấn phẩm Công báo đặc biệt; nó cũng được công bố rộng rãi trên mạng cho các đối tượng quan tâm sử dụng; cũng cần có một cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì Bộ pháp điển… Như vậy, với những tác dụng mà hoạt động pháp điển hoá mang lại thì như PGS.TS Nguyễn Đăng Dung Việt Nam có hơn 3.000 văn bản pháp luật được ban hành hằng năm thì nhu cầu về pháp điển hoá của chúng ta là rất lớn.
Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 92 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, theo đó văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản quy phạm pháp luật được hợp nhất về mặt kỹ thuật với văn bản được sửa đổi, bổ sung. Như vậy, theo quy định này thì xét về bản chất việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật chỉ là hoạt động kỹ thuật được thực hiện khi sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng như vấn đề về pháp điển hoá, để có thể triển khai được quy định này thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải quy định rõ về thẩm quyền, thời điểm, trình tự thủ tục hợp nhất và hiệu lực của văn bản hợp nhất. Tại Toạ đàm ông John Bentley cũng góp ý một số vấn đề liên quan đến nội dung này, về thời điểm hợp nhất thì theo ông nên thực hiện khi dự thảo văn bản sửa đổi, tức là thực hiện trước khi ban hành văn bản sửa đổi, khi văn bản sửa đổi có hiệu lực thì văn bản hợp nhất cũng sẽ có hiệu lực theo. Hợp nhất theo cách này sẽ giúp cho công tác rà soát văn bản nhanh hơn và loại bỏ trường hợp văn bản còn hiệu lực nhưng lại chứa các điều khoản đã bị thay thế, nó cũng giải quyết được câu hỏi cơ quan nào thực hiện việc hợp nhất, nếu thực hiện theo cách như trên thì rõ ràng cơ quan nào soạn thảo văn bản sửa đổi sẽ thực hiện hợp nhất văn bản là phù hợp nhất.
Một văn bản sửa nhiều văn bản không phải là vấn đề mới mẻ trên thế giới và đã được Việt Nam đề cập đến trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật để gia nhập WTO, trên thực tế Việt Nam cũng đã áp dụng (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng). Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên luật sửa nhiều luật được ghi nhận trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tại khoản 3 Điều 9 quy định một văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành. Theo ThS. Đỗ Hoàng Yến hiện này có nhiều cách tiếp cận khác nhau về kỹ thuật “luật sửa nhiều luật”, tuy nhiên để quy định này có khả thi thì khi xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên lưu ý đến phạm vi áp dụng và đề xuất xây dựng Dự án luật; quy trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua Dự án luật. Tại Toạ đàm các chuyên gia và đại biểu đã thảo luận sôi nổi về tên gọi của luật trong trường hợp văn bản đó sửa rất nhiều văn bản; kỹ thuật này có nên áp dụng thường xuyên không vì đây là quy trình khá phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành; cơ quan nào có thẩm quyền soạn thảo; hiệu lực và kỹ thuật soạn thảo dự án luật sửa nhiều luật sẽ như thế nào. Đa số các đại biểu đều cho rằng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định về vấn đề này là hợp lý trong điều kiện phát triển nhanh chống của hệ thống pháp luật, tuy nhiên để có thể triển khai được hiệu quả thì Bộ Tư pháp nên ban hành thông tư hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo luật sửa nhiều luật.
Trần Thị Tuý