Trong khuôn khổ chương trình lấy ý kiến đống góp cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 23/9/2008 Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia trong nước và nước ngoài về đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật. Đến dự Hội thảo có đông đủ đại diện pháp chế Bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Hội thảo tập trung lấy ý kiến về các vấn đề liên quan đến phạm vi, nội dung, thời gian, quy trình và cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đánh giá tác động.
Yêu cầu về đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật là một vấn đề mới lần đầu tiên được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, theo quy định của Luật này thì đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định phải có báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải có trách nhiệm tổ chức đánh giá tác động của dự thảo văn bản, xây dựng báo cáo và đăng tải các tài liệu này trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan chủ trì soạn thảo. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động phải nêu rõ các vấn đề cần giải quyết và các giải pháp đối với từng vấn đề đó; chi phí, lợi ích của từng giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp. Theo các chuyên gia, nếu có một cơ chế thực hiện và giám sát tốt thì đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật đem lại những tác dụng rất lớn không những tăng cường tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật mà còn giúp cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để có thể đánh giá tác động có hiệu quả, Dự thảo Nghị định sẽ quy định chi tiết hơn các vấn đề này.
Tại Hội thảo các đại biểu đã đặt ra một số vần đề cần cân nhắc tiếp như có cần thiết phải có đánh giá tác động đối với tất cả luật, pháp lệnh, nghị định không hay chỉ đặt ra đối với những văn bản có tác động tới các nhóm trong xã hội; các thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có cần áp dụng đánh giá tác động không; nội dung của đánh giá tác động bao gồm những vấn đề gì, quy trình thực hiện như thế nào… Theo các đại biểu thì việc đánh giá tác động chỉ nên yêu cầu đối với những văn bản có tác động tới toàn xã hội hoặc một nhóm quan hệ mà không nên đặt ra đối với tất cả các văn bản. Ngoài ra, có nhiều thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có phạm vi ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, do vậy cũng cần phải có đánh giá tác động, về thời điểm thích hợp để triển khai thực hiện đánh giá tác động cũng được các đại biểu quan tâm... Các chuyên gia nước ngoài cũng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam bằng việc đưa ra mô hình cơ quan đánh giá tác động văn bản QPPL ở một số nước như Hàn Quốc, Mexico, Ailen… Theo chuyên gia nước ngoài thì đánh giá tác động là một quá trình dựa vào bằng chứng để quyết định có cần ban hành văn bản pháp luật hay không, do vậy phải đánh giá tác động một cách toàn diện trong mối quan hệ với sự biến đổi của kinh tế, chính trị, xã hội… theo kinh nghiệm của một số nước để đảm bảo cho quy trình đánh giá tác động có hiệu quả thì đánh giá tác động phải đặt dưới sự giám sát của một cơ quan chuyên trách độc lập ở Trung ương. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu thế nào là chất lượng và phải đưa ra các tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng cũng như quy trình quản lý chất lượng trong đánh giá tác động.
Đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật không phải là vấn đề mới mẻ trên thế giới, mà đã được một số nước áp dụng từ năm 1971 như một biện pháp chống lạm phát, tuy nhiên với tác dụng to lớn mà biện pháp này mang lại đã trở thành biện pháp không thể thiếu của các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, yêu cầu về đánh giá tác động đối với văn bản quy phạm pháp luật trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 được coi là một dấu móc quan trọng trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, các nhà làm luật hi vọng với những yêu cầu của đánh giá tác động sẽ góp phần nâng cao chất lượng văn bản luật của Việt Nam trong tương lai.
Trần Thị Tuý