Hội thảo "Đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã – Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế"

22/08/2008
Trong hai ngày 21 và 22 tháng 8 năm 2008, được sự đồng ý Bộ trưởng Bộ Tư pháp và với sự hỗ trợ của của Ban Điều phối Chương trình thực thi pháp luật bảo vệ động, thực vật hoang dã của các nước ASEAN (viết tắt là ASEAN-WEN), Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo "Đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã – Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế" tại thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình, Việt Nam.

Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam:

- Ở trung ương có đại diện của: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Tư pháp; Tổng Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an; Văn phòng Interpon Việt Nam; Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan quản lý CITES; Cục điều tra, chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Việt Nam, Bộ Tài chính;

- Ở địa phương có đại diện của các cơ quan Tư pháp như: Công an; Tư pháp, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An là các địa phương có nhiều điểm nóng về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Về phía nước ngoài có đại diện của tổ chức ASEAN-WEN, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam và các quan sát viên của một số nước thành viên tổ chức ASEAN-WEN.

Mục đích của Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, tư pháp, nghiên cứu, giảng dạy và những người đang hoạt động thực tiễn trong các cơ quan về bảo vệ môi trường nói chung và đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan tới bảo vệ động, thực vật hoang dã nói riêng, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh phòng chống các loại tội phạm này trên thế giới, đặc biệt là giữa các nước trong khối ASEAN.

          Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung chủ yếu sau đây:

          - Giới thiệu về công ước CITES và về tổ chức, hoạt động của Mạng lưới Thực thi pháp luật về Động, Thực vật hoang dã ASEAN. Sự cần thiết của các biện pháp tư pháp và tố tụng hiệu quả nhằm thiết lập tiền lệ cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã; 

          - Trao đổi kinh nghiệm của các nước thành viên ASEAN-WEN trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã;

- Trao đổi kinh nghiệm hoạt động đấu tranh và phòng chống tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã của Việt Nam. Nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại và xác định nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại đó mà trọng tâm là hoạt động của các cơ quan Tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử và các cơ quan, tổ chức hỗ trợ khác);

          - Đề xuất các giải pháp khả thi, đồng bộ, huy động được sự tham gia rộng rãi nhất của xã hội vào hoạt động bảo vệ và phòng chống tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã nói riêng và bảo vệ đa dạng sinh học nói riêng ở Việt Nam và trên thế giới. 

          Các nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo và kinh nghiệm đấu tranh và phòng chống tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã của các nước thành viên ASEAN và của Mỹ sẽ góp phần khẳng định cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc sửa đổi, bổ sung các quy định tương ứng trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan trong thời gian tới. Mặt khác, Hội thảo cũng là dịp để các nhà nghiên cứu, quản lý, hoạt động thực tiễn  trao đổi, chia sẻ để tạo ra sự nhận thức thống nhất của các cơ quan, cán bộ có thẩm quyền trong việc đấu tranh và phòng chống tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã, cũng như đề xuất cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền giữa các nước thành viên ASEAN-WEN và thành viên công ước CITES.

BTC Hội thảo