Hoạt động hoà giải cơ sở: “Danh có chính, ngôn mới thuận”

06/08/2008
Hoạt động hoà giải cơ sở: “Danh có chính, ngôn mới thuận”
Hôm qua, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Dự án phát triển tư pháp và sự tham gia từ cơ sở (JUDGE) đã tổ chức Hội thảo về hoà giải cơ sở phục vụ cho việc xây dựng Dự án Luật Hoà giải. Đông đảo đại diện các cơ quan TW, tư pháp địa phương và đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác hoà giải đã tham dự và đóng góp ý kiến.

Dẫn đề Hội thảo, ông Nguyễn Tất Viễn - Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp cho biết: số liệu thống kê chưa đầy đủ đến tháng 4/2007 cả nước có gần 120 ngàn tổ hoà giải với gần 600 ngàn hoà giải viên. Trung bình mỗi năm các tổ hoà giải hoà giải thành khoảng 1 triệu vụ mâu thuẫn. Đánh giá cao những đóng góp của các hoà giải viên nhưng ông Viễn cũng cho rằng hoạt động của các tổ hoà giải hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế.

Đồng tình với nhận định của ông Viễn, ông Dương Khánh, quyền Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hoá nêu lên thực tế ở địa phương mình: các tổ hoà giải tự hình thành mà không qua một “cơ chế” bầu bán gì cả. Ông Khánh đặt vấn đề: nhà nước có nên can thiệp vào hoạt động hoà giải hay không? Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh hoà giải cơ sở cho thấy rằng hoà giải là một hình thức tự quản, sự tham gia của các hoà giải viên là tự nguyện. Tuy nhiên, công tác hoà giải chỉ thực sự có hiệu quả khi chúng ta “chuyên nghiệp hoá” đội ngũ này. Tức là hoà giải viên phải là người có kiến thức pháp lý (mà không chỉ cần sự nhiệt tình như hiện tại). Muốn vậy nhà nước phải đứng ra quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ, trả lương cho họ giống như những trợ giúp viên pháp lý.

Các hoà giải viên được hoà giải những loại việc nào? Đây là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong cuộc hội thảo nói trên. Theo quy định hiện hành, thì chỉ những mâu thuẫn xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư, hoà giải viên mới có quyền “được” hoà giải. Tuy nhiên, ông Dương Khánh cho rằng: không nên đặt vấn đề cấm hoà giải. Bởi mục đích của hoà giải là làm cho mâu thuẫn giữa các bên bớt phần căng thẳng. Còn tuỳ mức độ và loại việc cơ quan pháp luật vẫn có thể vào cuộc mà không câu nệ việc đó đã được hoà giải hay chưa.

Cùng ý kiến với ông Khánh, ông Phạm Minh Tuấn - Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Khu vực II) lại phân tích: cần hiểu thế nào là “mâu thuẫn, xích mích nhỏ”, khái niệm nhỏ ở đây không phù hợp bởi cùng một sự việc nhưng đối với người này là nhỏ nhưng người khác lại là lớn. Ông Tuấn đặt vấn đề: các hoà giải viên phải “chính danh” chứ không thể là “thường dân” như hiện tại. Phải có chức phận thì lời nói của anh mới có trọng lượng, mới được người khác tin.

“Nhưng muốn chính danh thì phải qua quy trình bầu bán công khai, tức là phải được dân bầu và công nhận”, ông Trần Ngọc Nhẫn - Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam góp ý. Và để làm được điều này thì tổ trưởng Tổ dân phố cần phối hợp với Ban công tác mặt trận giới thiệu và bầu tổ viên theo đúng quy định của pháp luật về bầu tổ viên tổ hoà giải.

Về phạm vi hoà giải, ông Nhẫn cho rằng, chỉ nên “khoanh vùng” một số loại việc, còn các vi phạm như tranh chấp lao động, thương mại, vi phạm hành chính…thì để các văn bản pháp luật khác điều chỉnh (vì những việc này không mang tính tình làng nghĩa xóm, không nằm trong phạm vi hoà giải ở cơ sở).

Liên quan đến phạm vi hoà giải, cũng trong hội thảo ngày hôm qua, các đại biểu đã tập trung phân tích làm rõ các vấn đề như ai là người tiến hành hoà giải, phạm vi hoà giải đến đâu, hiệu lực của quyết định hoà giải như thế nào…?

Thu Hằng