​Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

03/07/2025
​Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Ngày 03/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (Quyết định số 14) giai đoạn 2020-2025.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Đồng Nai….

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh nguy cơ phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế là không thể tránh khỏi trong bối cảnh đất nước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng. Do vậy, công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm duy trì môi trường đầu tư minh bạch, ổn định và bảo vệ tốt các lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức của Việt Nam.  

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận trên tinh thần cởi mở, thẳn thắn về các kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc gặp phải sau 05 năm thi hành Quyết định 14.

Về những kết quả đạt được, các đại biểu nhất trí cho rằng công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo Quyết định 14 những năm qua đã nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương. Về nhận thức, các Bộ, ngành, địa phương cơ bản đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; quan tâm chủ trì, phối hợp để xử lý các vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài, cảnh báo sớm khả năng phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế và chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ tham gia công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Công tác phòng ngừa phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế đã được các Bộ, ngành địa phương chú trọng hơn giai đoạn trước đây. Một số Bộ, ngành, địa phương đã chủ động kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, triển khai các hoạt động phòng ngừa, cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đã từng bước đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả trong quá trình xử lý các vụ kiện đầu tư quốc tế. Các tổ công tác liên ngành sau khi được thành lập phát huy tốt vai trò hỗ trợ cơ quan chủ trì trong xem xét, thực hiện các nhiệm vụ để giải quyết các vụ kiện. Một số Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng quy chế riêng về việc tham gia phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
 

 
Tuy vậy, công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong những năm qua cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 14 còn hẹp, một số quy định chưa thực sự rõ ràng, thuận lợi khi triển khai thực hiện; một số quy định về xác định cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ; nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế còn hạn chế… 

Các khó khăn, vướng mắc này chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân khách quan như sự gia tăng nhanh chóng và ngày càng phức tạp của các tranh chấp đầu tư quốc tế trên phạm vi toàn cầu và ở những quốc gia tiếp nhận đầu tư như Việt Nam; hầu hết các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam chưa có kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có để giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân chủ quan được chỉ ra như một số cơ quan, địa phương chưa hiểu đúng, đầy đủ về bản chất của tranh chấp đầu tư quốc tế; tâm lý e ngại của các cơ quan, địa phương trong việc chủ trì giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế phức tạp, nhạy cảm hay một số cơ quan, địa phương chưa tích cực, chủ động trong tham gia phối hợp giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế theo Quyết định số 14.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế như nghiêm túc, chủ động hơn trong thực hiện các quy định của Quyết định số 14, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý đầu tư, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế; tích cực chủ động trong giải quyết các vướng mắc, khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài và cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế…. Đặc biệt, các đại biểu cũng nhấn mạnh cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế để sớm bổ sung các quy định cần thiết về xác định cơ quan chủ trì, hòa giải, thương lượng, thi hành phán quyết trọng tài, quyết định giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, nguồn lực phục vụ công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế./.