Họp Hội đồng thẩm định Hồ sơ dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

01/07/2025
Họp Hội đồng thẩm định Hồ sơ dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Ngày 1/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định Hồ sơ dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Nguyễn Thị Hạnh chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo tại cuộc họp, ngày 30/3/2021, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Sau 03 năm triển khai thi hành Luật, công tác phòng, chống ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy được bảo đảm chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo triển khai quyết liệt, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, bảo đảm tính xuyên suốt giữa hoạt động giảm cung với giảm cầu trong phòng, chống ma túy, thay đổi căn bản, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó, thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy đã được chuyển từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ Công an. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo mới của Đảng, Nhà nước và phù hợp với sự thay đổi của cơ quan chủ trì quản lý công tác này.
Quá trình tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống ma túy trong những năm qua đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc nhất định và phát sinh những vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục, giải quyết và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên thực tế.
Chẳng hạn như, khái niệm “tiền chất” là các hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy chưa sát thực tế; việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy còn nhiều khó khăn, thiếu chế tài cưỡng chế khi họ không chấp hành xét nghiệm. Công tác xác định tình trạng nghiện ma túy gặp vướng mắc do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất và biểu hiện nghiện ma túy ngày càng phức tạp.
Cai nghiện ma túy - cả tự nguyện và bắt buộc - chưa hiệu quả, thiếu đồng bộ, trong khi quản lý sau cai nghiện còn buông lỏng, dễ dẫn đến tái nghiện. Sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật Phòng, chống ma túy với các luật khác vẫn chưa được bảo đảm, chưa thực sự thuận lợi trong thi hành.
Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là cần thiết, khi chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy về Bộ Công an, để thể chế đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống ma túy, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Quỳnh Mai, đại diện Bộ Y tế nêu ý kiến, về việc bỏ cụm từ “các chất dạng thuốc phiện” trong “điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế” thì hiện nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, chỉ có thuốc thay thế điều trị nghiện áp dụng cho các chất dạng thuốc phiện. Hiện chưa có thuốc thay thế cho các loại ma túy tổng hợp hoặc ma túy mới. Vì vậy, đề nghị giữ lại cụm từ này như trong Luật hiện hành để đảm bảo chính xác về mặt chuyên môn và phù hợp với thực tiễn điều trị.
Ngoài ra, bà Mai cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ căn cứ khoa học, dữ liệu thực tiễn về thời gian cai nghiện ma túy 24 tháng cho lần đầu và 36 tháng cho lần sau đối với cả cai nghiện tự nguyện và bắt buộc. Đồng thời, cũng cần chỉ rõ mỗi giai đoạn trong quy trình cai nghiện cần bao nhiêu thời gian tối thiểu để bảo đảm hiệu quả điều trị và hạn chế nguy cơ tái nghiện.
Bà Lê Thị Thu Oanh, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ sự băn khoăn về việc tại các cơ sở cai nghiện tư nhân, đặc biệt với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi, liệu có được đảm bảo quyền học tập như ở trường giáo dưỡng hay không. Đồng thời, đề nghị bổ sung việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao trong quá trình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện - những yếu tố có vai trò quan trọng trong phục hồi tâm lý, tăng hiệu quả điều trị và phòng ngừa tái nghiện.
Về nội dung học nghề trong thời gian cai nghiện, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần làm rõ người cai nghiện sẽ được học ở trình độ nào (sơ cấp, trung cấp…), có được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành hay không, để tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng.
Kết luận cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn thiện hồ sơ; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật. 
Châu Dương