Giải quyết tranh chấp SHTT - Kỹ năng, kinh nghiệm từ hoạt động nghề nghiệp thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư

24/04/2025
Giải quyết tranh chấp SHTT - Kỹ năng, kinh nghiệm từ hoạt động nghề nghiệp thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư
Sáng 23/4/2025, Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ - Kỹ năng và kinh nghiệm từ hoạt động nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư”. Hội thảo là hoạt động hưởng ứng Kế hoạch chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
Dự Hội thảo có PGS. TS. Vũ Thị Hồng Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát; PGS. TS. Bùi Thị Huyền - Trưởng Bộ môn Luật TTDS Trưởng Đại học Luật Hà Nội; TS. Lê Quang Vinh - Công ty Sở hữu trí tuệ Bross&Partners; ThS. Dương Vân Anh - Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội. Phía Học viện Tư pháp có NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; TS. Ngô Thị Ngọc Vân - Phó Trưởng Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; TS. Đồng Thị Kim Thoa - Phó Trưởng Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; TS. Nguyễn Thị Vân Anh - Phó trưởng Khoa Đào tạo Luật sư; ThS. Nguyễn Thị Minh Huệ - Phó trưởng Khoa Đào tạo Luật sư; TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Trị sự Tạp chí Nghề luật. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của các giảng viên thỉnh giảng, giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp và học viên các lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tham dự trực tiếp tại Hà Nội và tham dự trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams ở Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng chào mừng và cảm ơn các đại biểu đã đến tham dự hội thảo tại Học viện Tư pháp. Học viện Tư pháp là cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư - những chức danh trực tiếp giải quyết, kiểm sát việc giải quyết và tham gia giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ. Học viện Tư pháp nhận thấy việc nâng cao kiến thức và trang bị các kỹ năng chuyên sâu cho giảng viên, học viên về những nội dung liên quan đến giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ là cần thiết, qua đó nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp về sở hữu trí tuệ cho Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo “Giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ - Kỹ năng và kinh nghiệm từ hoạt động nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư” tạo diễn đàn khoa học để trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn, giảng viên, học viên Học viện Tư pháp về thực tiễn giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng đề nghị các đại biểu tích cực đóng góp ý kiến, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong giải quyết, tham gia giải quyết, kiểm sát việc giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
Từ tình hình thực tiễn, các đại biểu là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nhận định, tranh chấp về sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc các chủ thể được chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ giao quyền sở hữu trí tuệ. Những tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, cơ quan, tổ chức mà còn tác động sâu rộng đến nền kinh tế và toàn xã hội. Việc giải quyết các vụ việc có liên quan đến sở hữu trí tuệ thông qua con đường Tòa án vẫn còn bất cập. Thực tiễn giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ cho thấy, việc đánh giá, phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh giá thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra còn nhiều khó khăn. Hiệu quả của quá trình giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ phụ thuộc rất nhiều vào năng lực giải quyết và tham gia giải quyết của các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên - với vai trò là người tiến hành tố tụng, luật sư - với vai trò là người tham gia tố tụng, có thể với vị trí tố tụng là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người đại diện theo ủy quyền của đương sự (chủ thể có quyền và lợi ích trực tiếp bị xâm phạm trong các tranh chấp về sở hữu trí tuệ).
 

Từ thực tiễn đó, các đại biểu tham dự Hội thảo chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm trong giải quyết, tham gia giải quyết và kiểm sát giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ từ góc nhìn nghề nghiệp, đồng thời cũng đưa ra những kiến nghị góp phần giải quyết loại tranh chấp này đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự cũng như xác định rõ những yêu cầu đặt ra trong hoạt động đào tạo đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Học viện Tư pháp có thể cân nhắc những ý kiến gợi mở của các đại biểu để sửa đổi, bổ sung và triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và chương trình đào tạo nghề luật sư.
Thanh Hương