Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp

08/08/2008
Tháng 9/2008 bắt đầu điều tra, khảo sát thực trạng tổ chức và hoạt động giám định tư pháp trên toàn quốc; Xúc tiến xây dựng Luật Giám định tư pháp. Là nội dung buổi làm việc sáng ngày 7/8/2008 của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên với Vụ Bổ Trợ tư pháp.

Với vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giám định tư pháp, Bộ Tư pháp đã có những đóng góp đáng kể để xây dựng một hành lang pháp lý ổn định cho công tác giám định tư pháp, góp phần củng cố sự phát triển, cũng như vai trò của công tác này đối với hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, hoạt động giám định tư pháp có phạm vi rất rộng, liên quan tới rất nhiều các Bộ, ngành chuyên môn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành này với nhau, cũng như với Bộ Tư pháp trong vai trò quản lý Nhà nước. Thực tiễn hiện nay cho thấy, công tác giám định tư pháp đang gặp rất nhiều khó khăn như: cơ chế hoạt đồng chồng chéo, nhân lực mỏng và yếu, thiếu thốn kinh phí hoạt động, cơ chế bồi dưỡng, đãi ngộ giám định viên quá lạc hậu...Vì vậy, việc xây dựng một Đề án để đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác giám định, tiến tới nâng Pháp lệnh Giám định tư pháp thành Luật Giám định tư pháp là việc làm rất cần thiết lúc này.

Trong năm 2008, Vụ Bổ Trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã xúc tiến một số việc liên quan tới chế độ bồi dưỡng cho giám định tư pháp, khung phí giám định, cơ chế phối hợp giữa các ngành liên quan...Cụ thể, đối với lĩnh vực văn bản pháp quy, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chế độ bồi dưỡng cho giám định tư pháp (bao gồm giám định viên và người giúp việc cho giám định viên); đề xuất Bộ Nội vụ sửa đổi Thông tư 05 về phụ cấp trách nhiệm cho giám định viên trên cơ sở các ý kiến đã tập hợp từ cơ quan giám định của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; và đốc thúc các bên liên quan hoàn tất việc xây dựng khung phí giám định. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng sẽ có chương trình làm việc với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TANNDTC, VKSNDTC để hình thành một cơ chế phối hợp trách nhiệm  nhằm  xây dựng hệ thống giám định thông suốt, hiệu quả, phục vụ hoạt động tố tụng.

Phục vụ cho công tác xây dựng Luật Giám định tư pháp, thời gian tới, Ban soạn thảo sẽ được hình thành và ra mắt cùng với đề cương, kế hoạch xây dựng luật để đảm bảo kế hoạch tháng 6/2009, sẽ có dự thảo Luật Giám định tư pháp tương đối hoàn chỉnh và các tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh kèm theo, chuẩn bị cho việc trình Quốc hội xem xét vào năm 2010.

Vừa qua, Viện Pháp y quốc gia và Viện Pháp y tâm thần đã có công văn gửi tới Bộ Tư pháp kiến nghị về việc các địa phương bổ nhiệm giám định viên không đủ chất lượng và tình trạng thiếu trang thiết bị của các cơ sở giám định. Về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã có chỉ đạo Vụ Bổ trợ tư pháp làm việc với 2 Viện Pháp y xác định rõ những địa phương làm không tốt, để có công văn chấn chỉnh. Song song, việc rà soát chất lượng giám định viên cũng sẽ được tiến hành theo các tiêu chí đã được pháp luật quy định để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng như đào thải dần những người không có khả năng đáp ứng.

Cũng trong buổi làm việc, Vụ Bổ trợ Tư pháp cũng đã trình lãnh đạo Bộ kế hoạch điều tra, khảo sát thực trạng tổ chức và hoạt động giám định tư pháp  trên toàn quốc nhằm phục vụ cho việc xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp và Luật Giám định tư pháp. Thời gian khảo sát dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2008.

Xuân Hoa