Ngày 21/2, Cục Công nghệ thông tin tổ chức Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật”. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ; đại diện một số công ty về phát triển và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Phòng Chuyển đổi số, Cục Công nghệ thông tin chia sẻ về hiện trạng công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; giới thiệu cơ sở pháp lý, mục tiêu xây dựng của Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về pháp luật; một số chức năng của hệ thống CSDLQG về pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Phòng Chuyển đổi số, Cục Công nghệ thông tin phát biểu tại Toạ đàm.
Sau 10 năm đưa vào sử dụng, CSDLQG về pháp luật đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Tính đến 31/12/2024, các cơ quan ở trung ương và địa phương đã cập nhật được 145.067 văn bản QPPL. Trong đó, các cơ quan ở trung ương cập nhật được 44.361 văn bản, các cơ quan ở địa phương cập nhật được 100.706 văn bản. Thông tin của văn bản trên CSDLQG về pháp luật cơ bản thường xuyên cập nhật, bảo đảm chính xác, đầy đủ, tin cậy phục vụ nhu cầu tiếp cận và tra cứu của người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước (50.000 lượt truy cập/ngày). Quản lý hơn 240 tài khoản cấp trung ương và 601 tài khoản cấp địa phương tham gia biên tập, sử dụng và khai thác thông tin. Hệ thống đã hỗ trợ cơ bản việc đăng tải, cập nhật, tạo lập, quản lý dữ liệu và tra cứu, khai thác, sử dụng văn bản trên CSDLQG về pháp luật.
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, CSDLQG về pháp luật đã bộc lộ những hạn chế làm ảnh hưởng đến quá trình cập nhật, khai thác, sử dụng.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng đã chia sẻ các thông tin liên quan đến công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam và công tác theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc phụ trách Khối sản xuất, Công ty Hệ thống Thông tin FPT phát biểu tại Toạ đàm.
Tại Toạ đàm, ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc phụ trách Khối sản xuất, Công ty Hệ thống Thông tin FPT đã giới thiệu về nền tảng số pháp luật Việt Nam hiện nay, kinh nghiệm quốc tế về nền tảng số pháp luật, trong đó có hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi của Liên minh Châu Âu (EU) để phục vụ quá trình lập pháp, cụ thể:
Thứ nhất, CSDL Luật [EUR-Lex] - Luật, chỉ thị, quyết định, quy định, án lệ, công báo; Hiệp ước Đề xuất luật, báo cáo [COM - commission]; Tài liệu làm việc nội bộ (báo cáo tác động, báo cáo thực thi, báo cáo giải trình [SWD – staff working documents]); Dữ liệu được bóc tách, chuẩn hóa; Các chức năng tìm kiếm, tra cứu linh hoạt.
Thứ hai, Tra cứu luật thông minh [Chat-EUR-Lex] - Ứng dụng AI làm chatbot cho phép tra cứu thông minh, Hỏi/đáp pháp luật; Dữ liệu được bóc tách từ CSDL luật, từ đó huấn luyện và dựng mô hình thuật toán AI cho hỏi đáp. Hệ thống này đang trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm.
Thứ ba, Phản ánh, kiến nghị [Have-Your-Say] - Công bố các bản dự thảo, lấy ý kiến đóng góp online của người dân; Hiển thị công khai các ý kiến đóng góp; Công bố các thông tin về kế hoạch ban hành, thực thi dự kiến; Sử dụng tài khoản eID của các nước thành viên EU hoặc tài khoản mạng xã hội
Thứ tư, Công cụ soạn thảo [LEOS] - Công cụ soạn thảo VBPL, tài liệu giải trình; Nhiều người dùng, nhóm làm việc cùng soạn thảo, đóng góp ý kiến trên cùng văn bản; Quản lý phiên bản, so sánh thay đổi VBPL; Quản lý, áp dụng, kiểm soát mẫu văn bản pháp luật theo đúng thể thức quy định; Lưu trữ văn bản theo tiêu chuẩn, định dạng LegalDocML của EU.
Thứ năm, Theo dõi tiến trình xây dựng luật (4/2024) [Law-Tracker] - Theo dõi toàn bộ hồ sơ tiến trình hình thành 1 văn bản pháp luật gắn với mốc thời gian thực; Theo dõi các chương trình lập pháp được ưu tiên của EU, kế hoạch, tiến độ thực hiện của các chương trình; Tích hợp với dữ liệu từ CSDL luật EUR-Lex và hệ thống Lưu trữ điện tử.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Nam đã đề xuất Nền tảng số pháp luật cho Việt Nam trong thời gian tới.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu phát biểu kết luận Toạ đàm.
Trao đổi, thảo luận tại Toạ đàm, các đại biểu tham dự đã trình bày quan điểm và cho ý kiến về các nội dung như: xây dựng, nâng cấp và khai thác hệ thống CSDLQG về pháp luật; ứng dụng công nghệ AI trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật; xây dựng công cụ hỗ trợ soạn thảo, đảm bảo dữ liệu đầu vào, đầu ra, nghiên cứu về chức năng lọc các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, đảm bảo dữ liệu chuẩn hoá, chính xác, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đầy đủ, phù hợp;...
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Toạ đàm, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ và chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn; tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật trong thời gian tới.
Một số hình ảnh khác tại Toạ đàm:
N.H - Cổng TTĐT