Ngày 26/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Tăng cường phân cấp, phân quyền và chuyên nghiệp hoá công tác xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nhấn mạnh, việc phân cấp, phân quyền và chuyên nghiệp hoá trong xây dựng pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Những yếu tố này đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tốc độ phản ứng với các vấn đề phát sinh trong xã hội.
Cụ thể, phân cấp, phân quyền giúp xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Qua đó mỗi cấp, mỗi cơ quan có thể ra quyết định nhanh chóng, không phụ thuộc vào cơ quan cấp trên, tăng tính hiệu quả, linh hoạt trong quản lý.
Đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.
Cùng với việc phân cấp, phân quyền, chuyên nghiệp hoá trong xây dựng pháp luật cũng là yếu tố cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, hiệu quả của hệ thống pháp luật, giúp nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Sự chuyên nghiệp hoá trong xây dựng pháp luật cũng góp phần thúc đẩy minh bạch, đảm bảo kiểm soát quyền lực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; đảm bảo tính công bằng, khả thi của các quy định pháp luật.
Trên tinh thần đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm tới công tác phân cấp, phân quyền và chuyên nghiệp hoá công tác xây dựng pháp luật. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo phải “phân định rõ khâu xây dựng chính sách và quy phạm hoá chính sách. Nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo VBQPPL tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ thống nhất”. Đồng thời quy định trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu trong từng khâu của quá trình soạn thảo, thẩm định, trình, thẩm tra, xây dựng chính sách và ban hành VBQPPL. Tại Nghị quyết số 188/NQ-CP ngày 11/10/2024 về Phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 9 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh “tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Thực hiện các chỉ đạo trên, Bộ Tư pháp đã khẩn trương tham mưu với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL để cụ thể hoá các tư duy, quan điểm mới trong xây dựng pháp luật.
Đồng chí Trần Anh Đức đề nghị các chuyên gia, đại diện cơ quan Trung ương, địa phương, người làm công tác pháp chế dự Hội thảo chia sẻ thực trạng phân cấp, phân quyền trong xây dựng pháp luật và khó khăn, vướng mắc trong khâu quy phạm hoá chính sách; từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ gắn với việc sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL.
Đồng chí Trần Văn Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trình bày tổng quan về phân cấp, phân quyền và chuyên nghiệp hóa trong xây dựng pháp luật.
Về việc phân cấp, phân quyền từ Trung ương xuống địa phương, đại diện Sở Tư pháp Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ theo thẩm quyền và các nhiệm vụ được Trung ương phân cấp theo quy định. Việc phân cấp đã phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời tiết kiệm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực; tăng chỉ số tính cạnh tranh, chỉ số hài lòng của nền hành chính nhà nước. Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện một số nội dung được UBND tỉnh phân cấp còn khó khăn, lúng túng; việc phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng trong thực hiện nội dung được phân cấp có lúc, có lĩnh vực chưa chặt chẽ dẫn đến hiệu quả công việc chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Đại diện Sở Tư pháp Bắc Giang.
Trong bối cảnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương, đồng chí đề xuất tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan, trong đó cần đánh giá các yếu tố đặc thù của địa phương khi thực hiện phân cấp, phân quyền. Cùng với đó, cũng cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan của bộ máy nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.
Đại diện Bộ Công an.
Về việc chuyên nghiệp hoá công tác xây dựng pháp luật, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, bên cạnh việc tuân thủ Luật Ban hành VBQPPL, công tác xây dựng, ban hành VBQPPL trong công an nhân dân còn được thực hiện thông qua mô hình tập trung, thống nhất. Cụ thể, nếu nội dung văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều đơn vị hoặc những văn bản phức tạp, cần thiết ban hành sớm thì Bộ trưởng giao Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp chủ trì. Nếu nội dung của văn bản có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị nào thì Bộ trưởng giao đơn vị đó chủ trì; Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thẩm định, tham gia, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ trì trong quá trình soạn thảo văn bản và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ xây dựng văn bản.
Qua quá trình thực hiện, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như: cần đặt công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng uỷ, lãnh đạo Bộ; tập trung nguồn lực, nhân lực, phân công những cán bộ có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, thực tiễn để làm công tác xây dựng pháp luật; phát huy tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” trong quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục xây dựng VBQPPL…
Ngoài ra, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về cơ sở pháp lý cho việc phân cấp, phân quyền; cách thức phân quyền giữa Trung ương và địa phương; việc kiểm soát vấn đề phân cấp, phân quyền…
Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận tại Hội thảo.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin