Thực hiện Quyết định số 2094/QĐ-BTP ngày 06/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn công tác tại Hàn Quốc trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, trong các ngày từ 19 đến 23 tháng 11 năm 2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức đoàn công tác tại Hàn Quốc. Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do ông Phan Đăng Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp làm trưởng Đoàn. Tham gia Đoàn công tác còn có thành viên từ Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Văn phòng Bộ.
Tại Hàn Quốc, Đoàn công tác đã có các buổi làm việc với cơ quan liên quan đến lĩnh vực trẻ em (Trung tâm quốc gia về quyền trẻ em), lĩnh vực nuôi con nuôi (Bộ Y tế và phúc lợi) nhằm trao đổi, đánh giá kết quả hợp tác nuôi con nuôi giữa hai nước trong thời gian qua; chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc cũng như thực tiễn giải quyết nuôi con nuôi; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam trong việc chuẩn bị gia nhập Công ước La Hay và triển khai thực hiện Công ước sau khi gia nhập; kiểm tra tình hình phát triển, hòa nhập của trẻ em Việt Nam đã được giải quyết cho làm con nuôi tại Hàn Quốc.
Về việc giải quyết nuôi con nuôi quốc tế, Hàn Quốc đã ký Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, nhưng chưa phê chuẩn. Dự kiến, Hàn Quốc sẽ phê chuẩn Công ước vào tháng 8/2025. Từ tháng 7 năm 2025, Hàn Quốc sẽ thực hiện quy định pháp luật mới về nuôi con nuôi, trong đó Bộ Y tế sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề con nuôi quốc tế. Đạo luật mới này điều chỉnh kỹ lưỡng về vấn đề con nuôi quốc tế nhằm để triển khai Công ước La Hay tại Hàn Quốc.
Một trong những điểm mới của đạo luật này là trẻ em nước ngoài dù có sống trên lãnh thổ Hàn Quốc thì cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cũng không ra phán quyết cho phép công dân Hàn Quốc nhận trẻ em làm con nuôi. Trong khi đó, theo quy định pháp luật hiện hành, nếu trẻ em nước ngoài sống trên lãnh thổ Hàn Quốc trong một khoảng thời gian nhất định thì cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc sẽ ban hành văn bản cho phép công dân Hàn Quốc nhận trẻ em làm con nuôi, sau đó trẻ em sẽ được thực hiện thủ tục nhập quốc tịch Hàn Quốc và hưởng đầy đủ quyền lợi của công dân Hàn Quốc. Đây là một trong những lý do dẫn đến nhiều trẻ em Việt Nam được giải quyết cho làm con nuôi công dân Hàn Quốc nhưng không được tiến hành thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Trung tâm quốc gia về quyền trẻ em của Hàn Quốc. Trung tâm này có chức năng thực hiện toàn bộ các chính sách và chương trình liên quan đến phúc lợi và quyền của trẻ em, góp phần vào tăng cường chất lượng cuộc sống của trẻ em Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em bảo đảm các giá trị cốt lõi như: sự tham gia của trẻ em; công bằng, lấy trẻ em làm trung tâm, chuyên nghiệp và minh bạch. Đối với những trẻ em cần được chăm sóc thay thế, Trung tâm quốc gia về quyền trẻ em sẽ cung cấp môi trường hỗ trợ, nơi trẻ em có thể sống trong môi trường giống như môi trường gia đình thông qua việc: đào tạo các nhân viên của các cơ sở nuôi dưỡng; đào tạo kỹ năng làm cha mẹ bảo trợ; hỗ trợ tìm cha mẹ bảo trợ…
Đoàn công tác cũng đã có buổi trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc về các vấn đề liên quan đến nuôi con nuôi, quốc tịch của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi tại Hàn Quốc. Theo thông tin do Đại sứ quán cung cấp, trong thời gian vừa qua, Đại sứ quán không nhận được yêu cầu nào liên quan đến việc ghi chú việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Đại sứ quán vẫn nhận được yêu cầu thực hiện thủ tục thôi quốc tịch của trẻ em Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc giải quyết cho làm con nuôi của công dân Hàn Quốc (chủ yếu là các trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ).
Về tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi tại Hàn Quốc: Theo chương trình làm việc, Đoàn công tác đã đến thăm một số gia đình nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Đa số các trường hợp trẻ em thuộc diện lớn tuổi, được cha dượng/cô ruột nhận làm con nuôi. Đoàn công tác đã trò chuyện, trao đổi với trẻ em và gia đình. Qua đó cho thấy trẻ em hoà nhập tốt với môi trường gia đình mới, do trẻ em được tiếp tục sống cùng người thân (mẹ đẻ hoặc cô, dì). Tuy nhiên, do trẻ em lớn tuổi nên gặp một số khó khăn trong việc học ngôn ngữ, đặc biệt là những trẻ em được nhận làm con nuôi trong thời kỳ Covid-19. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của cha, mẹ nuôi (có trẻ em được cha nuôi dạy tiếng Hàn Quốc đều đặn 2 giờ/ngày) và nhà trường, hầu hết trẻ em có tiến bộ rõ rệt và thể hiện sự hài lòng với cuộc sống mới. Các gia đình được Đoàn công tác đến thăm đã rất xúc động, đánh giá cao sự quan tâm của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đối với sự phát triển của trẻ em được nhận làm con nuôi ở nước ngoài.
Kết thúc chuyến công tác, Đoàn công tác cảm nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt, chu đáo của các cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc. Các cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc mong muốn sẽ tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong trình lĩnh vực nuôi con nuôi, đặc biệt là sau khi Hàn Quốc trở thành thành viên của Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Thay mặt Đoàn công tác, ông Phan Đăng Kiên gửi lời cảm ơn các cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc, các gia đình cha mẹ nuôi đã dành thời gian đón tiếp, trao đổi với Đoàn và mong muốn sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thực thi hiệu quả Công ước La Hay số 33.