Tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023- 2027 của Bộ Tư pháp được ban hành kèm theo Quyết định số 2306/QĐ-BTP ngày 02/10/2023, ngày 28/11/2024, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của đại diện các Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, Cục Thuế, Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) - chủ trì Hội nghị đã nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực của cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp về chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích công cộng và thúc đẩy phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc tổ chức Hội nghị này sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, từ đó nâng cao nhận thức, năng lực của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp đã trình bày chuyên đề “Một số vấn đề chung về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm”, với các nội dung: mối liên hệ giữa xử phạt vi phạm hành chính và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính liên quan đến các lĩnh vực trong phạm vi Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023- 2027: đầu tư, lao động, môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ quyền của nhóm người dễ bị tổn thương.
Nhằm giúp các đại biểu nắm được những vấn đề cơ bản, chung nhất, những điều cần lưu ý khi cơ quan, người có thẩm quyền thực thi công vụ, nhiệm vụ về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm, ông Nguyễn Hoàng Việt – Trưởng phòng, Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp đã chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề “Các quy định cần lưu ý khi thực hiện thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm”.
Đi sâu vào từng lĩnh vực, ông Kiều Dương – Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã giới thiệu chuyên đề “Nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi trong lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm” và bà Lê Thị Lan Anh – Trưởng phòng Phòng Thanh tra tài nguyên và môi trường miền Bắc, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày chuyên đề “Nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi trong lĩnh vực môi trường liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm”.
Cũng tại Hội nghị, các báo cáo viên đã nhận được rất nhiều ý kiến, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc từ các đại biểu trong quá trình thực hiện hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trên thực tế tập trung vào các lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,… Hội nghị đã cùng thảo luận để đưa ra những hướng giải quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó.
Kết thúc Hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hà đã nhấn mạnh rằng các chuyên đề được trình bày bởi các báo cáo viên đã trang bị cho các đại biểu, đặc biệt là những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, những kiến thức chuyên sâu và thực tiễn trong việc thực thi công vụ. Các nội dung này không chỉ giúp nâng cao năng lực xử lý các vi phạm hành chính mà còn đảm bảo việc áp dụng pháp luật trong thực tế được chính xác và hiệu quả. Qua đó, các cơ quan nhà nước và cán bộ có thẩm quyền sẽ thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính một cách đồng bộ, thống nhất và đúng đắn, góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia giai đoạn 2023-2027, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững và bảo vệ quyền lợi cộng đồng. Bà Nguyễn Thanh Hà cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới các đại biểu đã nhiệt tình tham dự và đóng góp ý kiến trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị. Sự tham gia tích cực của các đại biểu không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với các vấn đề liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm, mà còn giúp tạo ra một không gian trao cởi mở và thiết thực. Những câu hỏi, ý kiến và phản hồi từ các đại biểu đã góp phần làm phong phú thêm các chuyên đề của các báo cáo viên, đồng thời giúp làm rõ hơn những vấn đề quan trọng trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Bà cũng nhấn mạnh rằng sự tham gia của các đại biểu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình hành động quốc gia, thúc đẩy việc hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm phát triển kinh doanh bền vững tại Việt Nam./.