Thúc đẩy sự phát triển bền vững của ứng dụng năng lượng nguyên tử trong môi trường an toàn, an ninh

18/07/2024
Thúc đẩy sự phát triển bền vững của ứng dụng năng lượng nguyên tử trong môi trường an toàn, an ninh
Ngày 18/7, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, qua 15 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã phát huy vai trò to lớn trong việc thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động đó. Hành lang pháp lý về năng lượng nguyên tử ngày càng được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ứng dụng kỹ thuật bức xạ, kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác; góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực khoa học – công nghệ, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật này đã tạo hành lang pháp lý để củng cố và hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh cho nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và không phổ biến hạt nhân nhằm mục tiêu phát triển an toàn và bền vững các ứng dụng năng lượng nguyên tử.
 

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, thi hành Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế như: chưa chú trọng đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử; quy định về cấp giấy phép, cấp đăng ký, chứng chỉ chưa phù hợp; chưa có quy định về chính sách dài hạn của quốc gia trong quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng…
Vì vậy, việc xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) là cần thiết nhằm bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; thúc đẩy sự phát triển bền vững của ứng dụng năng lượng nguyên tử trong môi trường an toàn, an ninh. Cùng với đó, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ góp phần khẳng định vai trò quan trọng của năng lượng nguyên tử vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường và tăng cường hội nhập quốc tế.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận các nội dung của đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Theo đó, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã quy định “Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước”. Do đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 theo hướng bỏ các quy định về cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia.
 

Đại diện Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, tách các quy định liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành thành một điều khoản riêng. Còn đại diện Bộ Giao thông vận tải đề nghị cơ quan chủ trì bổ sung báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực thi Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; qua đó làm rõ các kết quả đã đạt được và vướng mắc, bất cập trong thực tế.
 

Đại diện Bộ Tài chính.

Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến giải trình của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo và hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định.
 
Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề nghị Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) theo 6 chính sách, gồm: Thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử (1); bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân (2); bổ sung, hoàn thiện quy định về không phổ biến hạt nhân và thanh sát hạt nhân (3); tăng cường quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng (4); hoàn thiện quy định về ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân (5); hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (6).
Anh Thư - Trung tâm Thông tin