Việt Nam tham dự kỳ họp 141 của Uỷ ban Nhân quyền, Liên hợp quốc

18/07/2024
Việt Nam tham dự kỳ họp 141 của Uỷ ban Nhân quyền, Liên hợp quốc
Thực hiện Kế hoạch đối ngoại cấp Vụ năm 2024 của Bộ Tư pháp và để chuẩn bị cho phiên đối thoại đánh giá Báo cáo quốc gia lần thứ tư của Việt Nam thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) dự kiến được tiến hành trong năm 2025, từ ngày 15/7 đến ngày 18/7/2024, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế làm Trưởng đoàn đã tham dự Kỳ họp 141 của Uỷ ban Nhân quyền, Liên hợp quốc tại Giơ-ne-vơ, Thuỵ Sỹ. Tham gia hoạt động của đoàn còn có cán bộ của Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, Thuỵ Sỹ.
Trong hai ngày 15 và 16/7/2024, Đoàn đã tham dự Phiên đối thoại đánh giá tình hình thực hiện Báo cáo quốc gia lần thứ tư của Ấn Độ. Ấn Độ là một quốc gia đang phát triển ở châu Á, với dân số đứng đầu thế giới, có tầm ảnh hưởng về chính trị, xã hội, kinh tế và văn hoá nhất định đối với khu vực và thế giới. Việc tham dự Phiên đối thoại giữa Ấn Độ và Uỷ ban nhân quyền sẽ là một cơ hội tốt để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình chuẩn bị các bước cần thiết cho phiên đối thoại của Việt Nam dự kiến tổ chức vào năm 2025.
Tại Phiên đối thoại của Ấn Độ, các thành viên của Uỷ ban Nhân quyền đã đặt nhiều câu hỏi cho đoàn Ấn Độ xoay quanh những nội dung, số liệu cũng như thực tiễn thực thi Công ước chưa được nêu cụ thể hoặc đầy đủ trong Báo cáo của quốc gia này. Những nội dung trong Báo cáo quốc gia của Ấn Độ được Uỷ ban quan tâm và đặt thêm các câu hỏi để làm rõ liên quan đến các biện pháp phòng chống tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng trong ngành tư pháp gây ảnh hưởng tới tính độc lập của toà án; phòng chống khủng bố, các biện pháp để hạn chế việc vi phạm quyền con người; chống phân biệt đối xử; quyền được sống; chống tra tấn và đối xử tàn bạo, vô nhân đạo; các điều kiện giam giữ; tự do và an ninh của con người; quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư; bình đẳng giới, bảo vệ quyền của cộng đồng LGBTI, vấn đề bạo lực với phụ nữ; quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội, tự do báo chí….
Sau Phiên đối thoại của Ấn Độ, ngày 17/7/2024, Đoàn đã có buổi gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với Bà Tania María Abdo Rocholl - Chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền và bà Gabriella Hubtom – Thư ký Uỷ ban  để trao đổi về thủ tục, dự kiến thời gian, cách thức tiến hành phiên đối thoại sắp tới của Việt Nam. Đoàn Việt Nam đã được bà Chủ tịch giới thiệu một số điểm mới về quy trình đối thoại, cung cấp những thông tin và yêu cầu của Uỷ ban đối với các quốc gia thành viên, đồng thời Đoàn cũng được chia sẻ những kinh nghiệm quý báu có thể hỗ trợ cho việc chuẩn bị tốt Phiên đối thoại Báo cáo quốc gia sắp tới của Việt Nam. Bà Chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền đánh giá cao tinh thần cầu thị, học hỏi và nghiêm túc chuẩn bị cho việc đối thoại với Uỷ ban đồng thời cũng đánh giá cao sự nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm thời hạn nộp và chuẩn bị báo cáo và đề nghị Việt Nam đảm bảo thời hạn tiến hành đối thoại vào tháng 7 năm 2025.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn tiếp tục tham dự Phiên họp cập nhật của Báo cáo viên đặc biệt đánh giá, nhận xét về nội dung, tiến độ, tình hình thực hiện báo cáo của một số quốc gia thành viên như Kenya, Congo, Lybia và Lào, qua đó Đoàn có thể hiểu sâu hơn nội dung làm việc của Uỷ ban và cách thức phân tích vấn đề của Báo cáo viên đặc biệt với những đề xuất các khuyến nghị đối với các Báo cáo quốc gia cụ thể của các quốc gia thành viên.
Việc tham dự phiên họp lần thứ 141 lần này có ý nghĩa thiết thực nhằm giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm và thực tiễn để triển khai tốt nhất các nhiệm vụ liên quan đến công tác nhân quyền và chuẩn bị tốt hơn cho Phiên đối thoại Báo cáo quốc gia sắp tới của Việt Nam, dự kiến vào tháng 7 năm 2025.
 
Vụ Hợp tác quốc tế đưa tin từ Giơ-ne-vơ, Thuỵ Sỹ