Hôm qua (17/6), tại Hà Nội, được sự tài trợ của Dự án JICA, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng dự thảo Luật Bồi thường nhà nước (BTNN). Cùng với hai cuộc hội thảo tương tự sẽ được tổ chức ở Nha Trang và TP. HCM, đây là cơ sở để Bộ Tư pháp thu thập và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia pháp luật, các luật sư và một số đối tượng chịu tác động của Luật trước khi trình dự thảo lên Chính phủ.
Một đạo luật rất được trông đợi!
Trong lời mở đầu, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã khẳng định, Luật BTNN là một đạo luật quan trọng không chỉ bởi sự ra đời của nó sẽ thống nhất các quy định pháp luật về BTNN đang rất tản mát mà nó còn được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực hơn nữa trong việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường của tổ chức, cá nhân. Liệu trong dự thảo Luật, thủ tục giải quyết có đơn giản, thuận tiện hay mức độ bồi thường thiệt hại có thoả đáng, công bằng hay cơ quan giải quyết cũng như cơ quan quản lý BTNN có đủ khả năng bảo đảm giải quyết bồi thường nhanh gọn… là những băn khoăn của không ít người đã được ông Huỳnh nêu lên
Ông Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trên thế giới chỉ vài nước có đạo luật riêng về bồi thường thiệt hại cho người dân như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… (riêng luật của Đức vài năm sau bị Toà án Hiến pháp tuyên bố là vi Hiến). Theo ông Dung, khác với nhà nước phi dân chủ, nhà nước dân chủ phải bồi thường thiệt hại cho người dân khi các chủ thể của nhà nước và những người được uỷ quyền đảm trách các công việc của nhà nước gây ra theo quy định của pháp luật. Nếu quan niệm bồi thường thiệt hại là một dạng của trách nhiệm nhà nước thì đó chính là một biểu hiện của nhà nước dân chủ nên ông Dung - với tư cách là một chuyên gia - khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Luật BTNN.
Hơn ai hết, một số chủ doanh nghiệp tham gia Hội thảo như ông Lương Ngọc Phi, ông Hoàng Minh Tiến - những người đã phải vất vả trong hành trình đòi bồi thường, tha thiết mong đạo luật này sớm được thông qua. Ông Phi nhấn mạnh, người dân không đòi hỏi được hưởng nhiều quyền lợi hơn mà chỉ hy vọng những thiệt hại của tổ chức, cá nhân sẽ được bồi thường công bằng. Còn theo ông Tiến, việc bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần thường không gặp nhiều khó khăn (mặc dù khoản bồi thường không đáng là bao so với thiệt hại thực tế) nhưng những yêu cầu về vật chất của người bị thiệt hại hầu hết không được chấp nhận. Vì vậy, ông Tiến đề nghị Luật phải có nhiều quy định cụ thể hơn nhằm bảo vệ quyền tài sản của những người bị hàm oan.
Cần tiếp tục hoàn thiện
Trình bày về những đổi mới của dự thảo Luật BTNN so với pháp luật hiện hành, ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, ngoài chức năng khôi phục lợi ích cho người bị thiệt hại, Luật BTNN còn có mục đích là nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức, góp phần xây dựng nhà nước Việt Nam hoàn thiện và hiệu quả. Bởi thế, dự luật đã làm rõ được rất nhiều vấn đề mà hệ thống pháp luật hiện hành chưa đề cập hoặc đã đề cập song chưa rõ ràng. Chẳng hạn, Luật xác định việc bồi thường thiệt hại do công chức gây ra là trách nhiệm của Nhà nước nói chung chứ không phải là trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước cụ thể; quy định cụ thể các lĩnh vực hoạt động, các hành vi mà Nhà nước phải bồi thường trong từng lĩnh vực; làm rõ địa vị pháp lý của cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường; quy định đầy đủ và rõ ràng hơn về nghĩa vụ hoàn trả… Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của một số đại biểu tham dự Hội thảo, ông Huệ thừa nhận, dự luật hiện vẫn chưa quy định thiệt hại nào sẽ bồi thường cho cá nhân, thiệt hại nào thuộc về pháp nhân được bồi thường
Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh (Viện Khoa học Thanh tra), dự thảo Luật BTNN đã giải quyết được những nội dung cơ bản như dành một chương riêng về bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, quy định trách nhiệm của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại, quy định chi tiết về vấn đề hoàn trả… Ông Khanh hoan nghênh, quy định Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp là cơ quan quản lý BTNN đối với việc giải quyết bồi thường thiệt hại và có thẩm quyền “xác định cơ quan giải quyết BTNN trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan này” là một quy định mới, có thể khắc phục được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan trong việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường. Nhưng, ông lo ngại, việc không quy định về thời gian để cơ quan quản lý bồi thường xác định cơ quan giải quyết bồi thường thì sẽ không tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức.
Luật gia Trần Quang Minh cho biết, dự thảo Luật đã dành một phần đáng kể quy định về thủ tục khôi phục danh dự, uy tín cho người bị thiệt hại. Song quy định “trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai” có một vài điểm không ổn. Một là, cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự không được xem xét, đánh giá yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai có chính đáng hay không thông qua những giấy tờ, tài liệu khác. Hai là, trong trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại không phải là cơ quan quản lý, sử dụng trực tiếp người thi hành công vụ thì việc yêu cầu cơ quan này phải thực hiện việc xin lỗi không được hợp lý. Ba là, kinh phí thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai có được lấy từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp cho việc BTNN hay không.
Hoàng Thư