Bộ Tư pháp: Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng thẩm định của công tác tư pháp địa phương đối với các dự thảo văn bản quy phạm phạm pháp luật tại Sa Pa - Lào Cai

18/06/2008
Bộ Tư pháp: Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng thẩm định của công tác tư pháp địa phương đối với các dự thảo văn bản quy phạm phạm pháp luật tại Sa Pa - Lào Cai
Ngày 17 tháng 6, tại thị trấn Sa Pa, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) và Sở Tư pháp Lào Cai tổ chức Hội thảo khoa học thực tiễn công tác thẩm định văn bản qui phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp địa phương. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bùi Thị Kim Dung đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Tham dự hội thảo lãnh đạo Sở tư pháp 5 tỉnh: Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Hà Giang và Lào Cai. Mục đích cuộc hội thảo nhằm chi sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan tư pháp địa phương trong thực tiễn triển khai hoạt động thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc hội thảo, Phó chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Việc tham gia thẩm định của các cơ quan tư pháp có tầm quan trọng đặc biệt đối với các cấp chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, các địa phương cần giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tư pháp các cấp. Đồng chí cũng chỉ rõ một số tồn tại mà các cơ quan tư pháp cần khắc phục như công tác thẩm định, tính phản biện. Do số lượng văn bản nhiều, sự phân cấp mạnh của cơ quan Trung ương nên tiến độ thẩm định hiện nay ở cơ sở còn khá chậm. Năng lực của cán bộ cơ sở là vấn đề cần được quan tâm hơn. Công tác thẩm định là yếu tố quan trọng, là một thủ tục bắt buộc, do đó cần bố trí đủ cán bộ, đủ các tài liệu cho cán bộ thẩm định. Công tác đào tạo tập huấn nghiệp vụ phải thường xuyên, phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Bùi thị Kim Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao mục đích và tính hiệu quả của cuộc hội thảo. Tại Lào Cai, trước khi có Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND và UBND, công tác thẩm định các dự thảo văn bản qui phạm pháp luật của HĐND và UBND mới chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến tham gia về mặt pháp lý. Cùng với đó là một số dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc điều chỉnh trực tiếp các quyền và nghĩa vụ của công dân. Đồng chí Phó chủ tịch còn nhấn mạnh đến ba nhóm vấn đề mà trong thực tiễn còn tồn tại cần tìm giải pháp khắc phục. Đó là: Khi gia nhập WTO, việc thẩm định dự thảo văn bản cần chú ý đến các điều ước, cam kết quốc tế; Tình trạng cơ quan soạn thảo văn bản không tuân thủ đầy đủ việc gửi hồ sơ thẩm định gây khó khăn cho cơ quan thẩm định ảnh hưởng đến điều hành quản lý nhà nước ở địa phương; vấn đề nâng cao năng lực cán bộ thẩm định và có cơ chế thích hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thẩm định văn bản.

Hội thảo còn có sự đóng góp ý kiến, tham luận, tập trung vào nội dung công tác thẩm định các văn bản qui phạm pháp luật những vướng mắc khó khăn khi triển khai văn bản của các đại biểu.

Nguyễn Lê Hằng- Sở Tư pháp Lào Cai