Bộ Tư pháp - Viện KAS: Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế và xây dựng pháp luật

14/06/2024
Bộ Tư pháp - Viện KAS: Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế và xây dựng pháp luật
Ngày 14/6, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (Viện KAS), Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Hội nghị đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2024. Đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp và ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Đặt ra yêu cầu ngày càng cao về công tác pháp chế và xây dựng pháp luật
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước đều nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác pháp chế nói chung và xây dựng pháp luật nói riêng. Đội ngũ người làm công tác pháp chế cũng đóng góp vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách hành chính ở các bộ, ngành và địa phương, được lãnh đạo các bộ, các địa phương đánh giá cao, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận. Hoạt động xây dựng pháp luật theo quy định tại Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới, tổ chức pháp chế vốn đã được giao nhiều nhiệm vụ khó, tính chất đặc thù, tinh thần trách nhiệm cao thì nay sẽ ngày càng có thêm nhiều nhiệm vụ và với yêu cầu cao hơn. Để thực hiện những nhiệm vụ đó, người làm công tác pháp chế ngoài năng lực, trình độ chuyên môn thì cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo đảm tính khách quan, công tâm trong quá trình tham mưu, thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Nghị quyết 27-NQ/TW cũng đề ra nhiệm vụ phải nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật. 
 

Ban Chủ trì Hội nghị.

Trước tình hình đó, trong tháng 5/2024, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định: Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/05/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. 
Đồng chí Trần Anh Đức nhấn mạnh, Hội nghị là cơ hội để các đại biểu lắng nghe những chính sách mới trong hai Nghị định; trao đổi, thảo luận về nội dung, cách thức triển khai hai Nghị định vừa được Chính phủ ban hành; tham vấn nội dung xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả công tác pháp chế.
 

Đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp.

Đồng chí đề nghị các diễn giả và đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi vào các giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai Nghị định số 56/2024/NĐ-CP, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP hiệu quả; đồng thời đưa ra ví dụ thực tiễn trong công tác xây dựng VBQPPL của đơn vị, địa phương mình.
 

Ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam.

Ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam cho biết Hội nghị là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác song phương giữa Viện KAS và Bộ Tư pháp. Đây cũng là cơ hội các bên tăng cường giao lưu, học hỏi, gắn kết hơn nữa trong phối hợp công tác giữa những người làm công tác pháp chế. Ông khẳng định viện KAS sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp với Bộ Tư pháp nhằm tăng cường công tác pháp chế, xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Nhiều quy định mới nhằm khẳng định vai trò người làm công tác pháp chế
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Trần Anh Đức trình bày một số điểm mới của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP. 
Cụ thể, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP có các quy định mới tập trung vào các nhóm vấn đề về: phạm vi, đối tượng điều chỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế; tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế; điều kiện bổ nhiệm người đứng đầu tổ chức pháp chế... 
Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tập trung vào 03 nhóm vấn đề: Nhóm các quy định để đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL; Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để quy định rõ hơn, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL; Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL. 
 

Hình ảnh buổi Đối thoại.

Tiếp đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các điểm mới; cách thức tổ chức, triển khai Nghị định số 56/2024/NĐ-CP, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP và đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong công tác xây dựng VBQPPL.
Theo đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và đồng chí Trần Thị Nhị Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP đã tạo ra bước đột phá với 2 trụ cột đó là quy định về chức danh, tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp và chế độ hỗ trợ dành cho pháp chế viên. Các quy định này sẽ góp phần chuẩn hoá chức danh pháp chế, thể hiện được sự chuyên nghiệp và vai trò nòng cốt của người làm công tác pháp chế đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong giai đoạn mới. 
Liên quan tới quy định chuyển ngạch pháp chế viên cho người làm công tác pháp chế trong 12 tháng kể từ ngày Nghị định số 56/2024/NĐ-CP có hiệu lực, đồng chí Bùi Công Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ nhận định quy định này giúp cho công tác pháp chế tạo được “dòng chảy” liên tục, có sự kế tiếp, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Theo đồng chí, việc nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác pháp chế sẽ đặt những yêu cầu mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm ngạch pháp chế viên, vì vậy, cũng cần tính tới yếu tố lịch sử, kế thừa kinh nghiệm và thế mạnh của những người đang làm công tác pháp chế.
Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, đồng chí Trần Anh Đức đánh giá Hội nghị đã được triển khai khẩn trương, trách nhiệm, hoàn thành theo Chương trình đề ra. Để công tác pháp chế, xây dựng pháp luật được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới, đồng chí đề nghị toàn thể hội nghị, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước lưu ý một số vấn đề như: phải xác định công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương; tham mưu, xây dựng trình Lãnh đạo cơ quan, đơn vị ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị định Nghị định số 56/2024/NĐ-CP...
Vào phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu sẽ được tập huấn về công tác đánh giá tác động chính sách trong quá trình xây dựng VBQPPL qua các chuyên đề: Khái quát về đánh giá tác động chính sách trong xây dựng VBQPPL; kỹ năng đánh giá tác động của chính sách về hệ thống pháp luật và kinh tế; kỹ năng đánh giá tác động của chính sách về xã hội và giới.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
 












Anh Thư - Trung tâm Thông tin