Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024, ngày 13/6/2024, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) tổ chức Hội thảo để trao đổi, thảo luận các khó khăn, vướng mắc và tập huấn nâng cao kỹ năng cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (CSDLQG về pháp luật) tại Bình Định. Hội thảo do đồng chí Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và đồng chí Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định đồng chủ trì. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Sở Tư pháp 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đại diện các sở, ban, ngành; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định; một số chuyên gia, nhà khoa học tại tỉnh Bình Định.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Xuân Hoan cho biết, từ năm 2014, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và đưa CSDLQG về pháp luật vào sử dụng chính thức. Theo đó, CSDLQG về pháp luật đã khắc phục được tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa các cơ sở dữ liệu về văn bản QPPL ở cả trung ương và địa phương, đồng thời chấm dứt tình trạng xây dựng tràn lan các cơ sở dữ liệu về văn bản QPPL mà hiệu quả khai thác, sử dụng không cao; góp phần tạo thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng, thi hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của khoa học và công nghệ, gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển nhanh, mạnh mẽ hiện nay, việc tổ chức triển khai quản lý, duy trì, cập nhật CSDLQG về pháp luật bộc lộ bất cập, hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, khai thác, sử dụng CSDLQG về pháp luật. Do vậy, để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên và đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật theo nội dung tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong thời gian tới CSDLQG về pháp luật cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện một cách khoa học, toàn diện, hiệu quả.
Tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Linh Cầm, Phó Chánh Văn phòng phụ trách, Cục Kiểm tra văn bản QPPL trình bày tham luận “Thực trạng và phương hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, khai thác sử dụng CSDLQG về pháp luật”. Theo đó, thực hiện nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về CSDLQG về pháp luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, quản lý và cập nhật CSDLQG về pháp luật cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, hiện nay, công tác xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng CSDLQG về pháp luật đã và đang tồn tại một số bất cập, hạn chế về thể chế, hệ thống phần mềm, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực đầu tư cũng như việc tổ chức triển khai… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của công tác này. Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với CSDLQG về pháp luật cần sớm được khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; nâng cấp, hoàn thiện về mọi mặt, cụ thể như: (1) Sớm hoàn thiện thể chế về CSDLQG về pháp luật; (2) Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thi hành nghiêm túc quy định của pháp luật về việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng CSDLQG về pháp luật; tăng cường bố trí nguồn lực kinh phí, nhân lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy trì, phát triển, truyền thông về CSDLQG về pháp luật; (3) Tăng cường các cơ chế để cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, toàn diện, linh hoạt nhiệm vụ liên quan đến CSDLQG về pháp luật như: chú trọng việc đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, nắm bắt và hướng dẫn việc triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương bảo đảm CSDLQG về pháp luật “đúng, đủ, sạch, sống”; thực hiện hiệu quả cơ chế chấm điểm Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về cập nhật văn bản trên CSDLQG về pháp luật phục vụ đánh giá xếp hạng Sở Tư pháp năm 2024; (4) Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nhiệm vụ quản lý CSDLQG về pháp luật để kịp thời xử lý, giải quyết những hạn chế, bất cập, sai sót; (5) Nghiên cứu đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số đối với CSDLQG về pháp luật theo hướng: tăng cường chuẩn hóa dữ liệu, tự động hóa quy trình đăng tải văn bản, hỗ trợ tối đa công tác quản lý nhà nước về CSDLQG về pháp luật; gia tăng tiện ích, tạo thuận tiện trong duy trì, quản lý và hiện đại, thân thiện trong tra cứu, sử dụng; kết nối, chia sẻ, tích hợp và trích xuất dữ liệu CSDLQG về pháp luật với các nhiệm vụ khác trong quy trình hoàn thiện hệ thống pháp luật; (6) Đa dạng hóa hình thức truyền thông về CSDLQG về pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật của cơ quan nhà nước.
Đại biểu tham dự Hội thảo cũng được nghe đồng chí Phùng Thị Hương, Chuyên viên Cục Kiểm tra văn bản QPPL hướng dẫn việc cập nhật, biên tập, phê duyệt, quản trị hệ thống và khai thác, sử dụng CSDLQG về pháp luật.
Tại Hội thảo, đồng chí Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định đã trình bày tham luận “Đánh giá tình hình xây dựng CSDLQG về pháp luật tại tỉnh Bình Định và đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng CSDLQG về pháp luật”. Theo đó, nhìn chung, công tác xây dựng CSDLQG về pháp luật của tỉnh Bình Định đã đạt được quan tâm, đạt một số kết quả tích cực. Việc xây dựng CSDLQG về pháp luật đầy đủ, kịp thời đã tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân khai thác, sử dụng phục vụ cho công tác chuyên môn, cho việc nghiên cứu, cũng như việc tìm hiểu các quy định, chích sách của tỉnh. Đối với Sở Tư pháp, việc xây dựng CSDLQG về pháp luật đã hỗ trợ cho việc thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; hỗ trợ công tác thẩm định các dự thảo văn bản QPPL nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Tại Hội thảo các đại biểu tham dự đã tích cực trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, trong đó phản ánh thực tiễn về tình trạng đôi lúc còn chậm, treo của hệ thống phần mềm, hạ tầng và đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, nâng cấp, phát triển trong thời gian tới đối với CSDLQG về pháp luật trên mọi phương diện về quản lý, cập nhật cũng như khai thác, sử dụng như: hoàn thiện thể chế; thẩm quyền, trách nhiệm đăng tải văn bản; tăng cường đầu tư nguồn lực; nâng cấp hệ thống phần mềm, hạ tầng, kỹ thuật; tăng cường tự động hóa tính năng cập nhật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý, duy trì, khai thác, sử dụng CSDLQG về pháp luật …
Kết luận Hội thảo, đồng chí Phó Cục trưởng Hoàng Xuân Hoan ghi nhận, đánh giá cao ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận đầy tâm huyết, thẳng thắn phản ánh những vấn đề còn tồn tại và tích cực đưa ra những giải pháp, đề xuất nâng cao hiệu quả, chất lượng CSDLQG về pháp luật trong thời gian tới, góp phần công khai, minh bạch cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam; đồng thời, đề nghị các đại biểu tiếp tục quan tâm, kiến nghị, phản ánh, đóng góp ý kiến cho Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) để tiếp tục phát triển, hoàn thiện CSDLQG về pháp luật trong thời gian tới.
Phùng Thị Hương