Tăng cường trao đổi kinh nghiệm với Bộ Tư pháp Liên bang Nga về xử phạt vi phạm hành chính

10/06/2024
Tăng cường trao đổi kinh nghiệm với Bộ Tư pháp Liên bang Nga  về xử phạt vi phạm hành chính
Ngày 06/6/2024, thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Nhóm chuyên gia Việt Nam của Tổ Công tác hỗn hợp Việt Nam - Liên bang Nga (được ban hành kèm theo Quyết định số 415/QĐ-BTP ngày 22/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Nga phối hợp tổ chức “Tọa đàm trực tuyến trao đổi kinh nghiệm của Liên bang Nga về pháp luật xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức thực thi pháp luật xử phạt vi phạm hành chính”.
Buổi Toạ đàm do bà Gluschhenko Maria Igorevna - Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật về Quốc phòng, An ninh và Tư pháp và ông Babekin Dmitry Vladimirovich - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế và Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp Liên bang Nga, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và bà Nguyễn Linh Kha - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp Việt Nam đồng chủ trì. Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo, chuyên gia của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp Liên bang Nga, gồm: Vụ Pháp luật về Quốc phòng, An ninh và Tư pháp; Vụ Pháp luật quốc tế và Hợp tác quốc tế; Tổng cục Quản lý Điều tra của Cơ quan Thừa phát lại; Cục Tổ chức cưỡng chế của Cơ quan Thừa phát lại; Cục Pháp chế của Cơ quan Thừa phát lại và Cục Tổ chức điều tra của Cơ quan Thừa phát lại. Về đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, có ông Prokopov Vaviliy - Tham tán tham dự trực tiếp tại Bộ Tư pháp Việt Nam.
 

Về phía Việt Nam, tham dự Tọa đàm có các Lãnh đạo Cục và công chức của các đơn vị thuộc Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; đại biểu đại diện cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, gồm: Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; Tổng cục Thi hành án dân sự; Cục Bổ trợ Tư pháp; Thanh tra Bộ; Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực và các thành viên Tổ công tác hỗn hợp Việt - Nga.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho biết: Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Nga đã chính thức thiết lập quan hệ hợp tác vào năm 2010 bằng việc ký kết Thỏa thuận hợp tác và Chương trình hợp tác các giai đoạn 2013 - 2014, 2015 - 2016, 2018 - 2019 và 2022 - 2023. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, hợp tác về công tác pháp luật, gần đây nhất là tổ chức Tọa đàm trực tuyến về công chứng số và ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự năm 2023. Đối với lĩnh vực pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, tại Việt Nam, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau 07 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn. Do đó, năm 2020, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Việc ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đã mang lại nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính, góp phần duy trì trật tự kỷ cương xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xử phạt vi phạm hành chính thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như: vẫn còn có một số trường hợp thi hành pháp luật xử phạt vi phạm hành chính chưa bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật; hằng năm, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được thi hành… Chính vì lý do đó, Toạ đàm được tổ chức nhằm tìm hiểu kinh nghiệm của Liên bang Nga về pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, trao đổi, thảo luận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian tới.
Theo chia sẻ từ các chuyên gia của Bộ Tư pháp Liên bang Nga, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính tại quốc gia này được quy định duy nhất tại Bộ luật Liên bang về vi phạm hành chính (gọi là Bộ luật Vi phạm hành chính). Việc quy định trình tự xử phạt vi phạm hành chính tại những văn bản quy phạm pháp luật khác bị nghiêm cấm theo quy định tại Bộ luật Vi phạm hành chính. Cách tiếp cận này xuất phát từ các nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” và “quyền được bảo vệ của công dân” được quy định tại Hiến pháp.
Việc xử phạt vi phạm hành chính tại Liên bang Nga được quyết định căn cứ vào quy định của Bộ luật Vi phạm hành chính, có tính đến các tình tiết thực tế của vụ việc, tính chất, nhân thân và tình trạng tài sản của đối tượng vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hành chính. Theo quy định của Bộ luật Vi phạm hành chính, một số hình thức xử phạt gồm tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề; tạm giữ người; trục xuất… phải do thẩm phán quyết định. Trong trường hợp cơ quan hành chính nhà nước thụ lý vụ việc mà theo quy định phải bị áp dụng các hình thức xử phạt nói trên thì cơ quan đó phải chuyển vụ việc đến thẩm phán có thẩm quyền để xem xét và xử lý. Hình thức cảnh cáo và phạt tiền có thể được áp dụng bởi cả thẩm phán và cơ quan hành chính nhà nước.
Về việc thi hành quyết định xử phạt, theo quy định của Bộ luật Vi phạm hành chính, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không quá 02 năm, kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Đối với hình thức phạt tiền, pháp luật xử phạt vi phạm hành chính của Liên bang Nga quy định về cơ chế giảm mức tiền phạt nếu người bị xử phạt tự nguyện nộp tiền phạt trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt. Trong trường hợp này, số tiền thực tế đối tượng bị xử phạt cần nộp sẽ được giảm 50% so với mức tiền phạt được xác định tại quyết định xử phạt. Sau khi nộp phạt, thông tin về việc thi hành hình thức phạt tiền sẽ được cập nhật trên hệ thống thông tin quốc gia. Nếu sau khi quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà không có dữ liệu về việc nộp phạt trên hệ thống thông tin nói trên, trong thời hạn 10 ngày, cơ quan ra quyết định xử phạt sẽ gửi quyết định xử phạt đến chấp hành viên để thực hiện việc cưỡng chế. Trình tự và thủ tục cưỡng chế được quy định tại Luật Thi hành án của Liên bang Nga.
 

Tại Tọa đàm, các chuyên gia là đại diện của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp Việt Nam cũng đã giới thiệu về thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, những khó khăn và vướng mắc tại Việt Nam. Các chuyên gia cho biết, Việt Nam cũng đã ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và các thông tư để quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh những nội dung khác nhau, các điều khoản về thẩm quyền, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Việt Nam cũng có một số điểm tương đồng với các quy định của pháp luật Liên bang Nga.
Tọa đàm cũng đã dành thời gian để trao đổi, chia sẻ, tìm hiểu thêm thông tin, kinh nghiệm của Việt Nam và Liên bang Nga về các nội dung liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, nhìn từ góc độ quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành. Những nội dung trao đổi, chia sẻ đó đã giúp hai bên có thêm hiểu biết về pháp luật cũng như thực tiễn của mỗi nước, từ đó có thể nghiên cứu, học hỏi các kinh nghiệm lẫn nhau và tiếp tục có thêm các đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Kết thúc buổi tọa đàm, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Nga đã cơ bản thống nhất về việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bên và tiếp tục chia sẻ, trao đổi thông tin và kinh nghiệm về xử phạt vi phạm hành chính trong tương lai./.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật