Lấy ý kiến về phương án xây dựng Hệ thống dự phòng cho Hệ thống đăng ký trực tuyến BPBĐ

19/04/2024
Lấy ý kiến về phương án xây dựng Hệ thống dự phòng cho Hệ thống đăng ký trực tuyến BPBĐ
Chiều ngày 17/4/2024, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến thành viên Tổ nghiên cứu và các chuyên gia của một số tập đoàn viễn thông lớn (VNTP, Viettel) về giải pháp xây dựng Hệ thống dự phòng cho Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm (Hệ thống đăng ký trực tuyến). Cuộc họp do bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì. Tham dự cuộc họp, có các thành viên Tổ nghiên cứu bao gồm: đại diện một số đơn vị thuộc Bộ (Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin, Cục Kế hoạch - Tài chính); Trung tâm tư vấn giải pháp; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel) và các đơn vị thuộc Cục Đăng ký.
 

 
 
Tại cuộc họp, đại diện Cục Đăng ký báo cáo tóm tắt những kết quả đã đạt được trong quản lý, vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến; những khó khăn, vướng mắc phát sinh cũng như sự cần thiết phải xây dựng Hệ thống dự phòng. Theo báo cáo, kể từ thời điểm hoàn thành nâng cấp và đạt mức độ 4 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (ngày 10/07/2017), Hệ thống đăng ký trực tuyến đã được cài đặt, vận hành tại Trung tâm dữ liệu điện tử - Bộ Tư pháp trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật (máy móc, trang thiết bị, đường truyền,…) chung của Bộ, đáp ứng đủ điều kiện để Hệ thống đăng ký trực tuyến hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, do Hệ thống đăng ký trực tuyến hiện nay chưa được trang bị giải pháp dự phòng nên có thời điểm hoạt động bị gián đoạn do lượng truy cập tăng đột biến (cuối kỳ thanh toán) hoặc một số nguyên nhân bất khả kháng khác (mất điện, lỗi đường truyền, thay thế/bảo trì thiết bị…) ảnh hướng đến hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, trong bối cảnh tình hình an ninh thông tin ở Việt Nam đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp như việc tin tặc cài mã độc, phần mềm gián điệp để đánh cắp dữ liệu, chiếm quyền kiểm soát, điều khiển của các hệ thống thông tin, nếu không có Hệ thống dự phòng cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm nếu sự cố xảy ra thì rủi ro là điều khó tránh khỏi.

       

Tại cuộc họp, tất cả các ý kiến phát biểu đều đồng tình về việc cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng Hệ thống dự phòng cho Hệ thống đăng ký trực tuyến để đảm bảo tính ổn định, an toàn, thông suốt cho sự vận hành của hệ thống, đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở 03 phương án do Cục Đăng ký đề xuất, đa số ý kiến nhất trí với phương án thuê hạ tầng Hệ thống dự phòng tại Trung tâm dữ liệu lớn (IDC). Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cần phân tích kỹ hơn giải pháp kỹ thuật và xây dựng giải pháp tài chính cụ thể, chi tiết hơn cho từng phương án xây dựng Hệ thống dự phòng trong báo cáo trình Lãnh đạo Bộ.

       

Ngoài ra, các chuyên gia đến từ tập đoàn viễn thông VNTP, Viettel cũng chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình triển khai, quản lý, vận hành các hệ thống thông tin lớn và gợi ý một số giải pháp kỹ thuật có thể áp dụng phục vụ xây dựng Hệ thống dự phòng cho Hệ thống đăng ký trực tuyến, giới thiệu một số công nghệ mới của các IDC giúp giám sát, mở rộng tài nguyên phục vụ hệ thống một cách nhanh chóng, dễ dàng giảm thiểu tình trạng “nghẽn” dẫn đến hoạt động của hệ thống bị gián đoạn.

       

Kết thúc cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hằng ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn các ý kiến góp ý, trao đổi của Tổ nghiên cứu và các chuyên gia tại cuộc họp. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, trao đổi, Cục Đăng ký tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung tham mưu Lãnh đạo Bộ lựa chọn phương án xây dựng Hệ thống dự phòng cho Hệ thống đăng ký trực tuyến bảo đảm khả thi, thành công và hiệu quả.